Nâng chất vốn ngoại
Từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP HCM bất ngờ sụt giảm đáng kể, trong khi cả nước tăng mạnh
Theo Cục Thống kê TP HCM, trong 5 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn có 276 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp chứng nhận với tổng vốn đăng ký 481,2 triệu USD. Có 48 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 166,1 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đến giữa tháng 5-2016 đạt 674,3 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với con số cùng kỳ năm ngoái là 1,05 tỉ USD và chỉ xếp thứ 5 trên cả nước.
Chưa phản ánh đúng thực tế
Số vốn ngoại rót vào TP HCM sụt giảm khá mạnh trong bối cảnh cả nước thu hút vốn FDI tiếp tục khả quan. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm lên tới 10,15 tỉ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong khi Hà Nội, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn ngoại với nhiều dự án tỉ đô mới được cấp phép, TP HCM sau nhiều năm đứng đầu lại… tụt hạng. Năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm là 4,5 tỉ USD. Tính đến cuối tháng 4-2016, trên địa bàn TP HCM còn 6.085 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký là 40,13 tỉ USD, đứng đầu cả nước (xét về vốn đầu tư).
Tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), số lượng các dự án đầu tư nước ngoài cũng khá khiêm tốn khi 5 tháng đầu năm, chỉ có 2 dự án nước ngoài được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn 22,34 triệu USD, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Trong buổi làm việc với UBND TP HCM mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý việc tụt hạng trong thu hút vốn ngoại của TP.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng TP vẫn thu hút được nguồn vốn FDI đáng kể bởi số liệu dự án đăng ký mới chưa tính các dự án tăng vốn và những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đề nghị góp vốn mua cổ phần, mua lại phần vốn góp. Số liệu thống kê vài tháng đầu năm chưa phản ánh đúng tình hình thu hút vốn ngoại của TP bởi những dự án lớn thường được nhà đầu tư triển khai vào giai đoạn cuối năm.
“Do thay đổi Luật Đầu tư từ ngày 1-7-2015, nhiều nhà đầu tư chuyển sang rót vốn thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Chẳng hạn, hơn 4 tháng đầu năm, tổng vốn góp, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại đạt hơn 8.200 tỉ đồng, tương đương gần 400 triệu USD” - bà Mai phân tích.
Cần cải thiện nguồn nhân lực
Theo một chuyên gia kinh tế, việc TP HCM thụt lùi trong thu hút vốn FDI không đáng ngại bởi quan điểm của TP là nâng chất vốn ngoại, khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng lớn, như trung tâm tài chính hội nghị TPP ở quận 2 có vốn lên đến 4 tỉ USD đang trong giai đoạn cuối. Việc thu hút đầu tư đã có sự tinh lọc thay vì chỉ tập trung vào tổng vốn đăng ký. “Chuyện TP HCM tụt hạng trong thu hút vốn ngoại là bình thường bởi TP đang khuyến khích thu hút vốn công nghệ cao, dịch vụ cao cấp như tài chính, khoa học…” - vị chuyên gia này nói.
Dù thu hút vốn FDI trong những tháng đầu năm chưa như kỳ vọng nhưng ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý SHTP, vẫn tin tưởng thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án lớn đổ vào. Gần đây, SHTP liên tục tiếp xúc, đàm phán với nhiều nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những nhà đầu tư tiềm năng nên hứa hẹn từ đây đến cuối năm, vốn ngoại có thể vào nhiều hơn. “Cơ hội thu hút vốn ngoại từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là rất lớn nhưng để kéo được các dòng vốn mạnh từ Mỹ, Nhật, chúng ta phải giải quyết được bài toán về nguồn nhân lực - thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo trong trường và nhu cầu của doanh nghiệp (DN), nhất là khả năng ngoại ngữ” - ông Quốc nhận định.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, TP đang tiếp tục phát triển quỹ đất sạch cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao chất lượng hạ tầng trong các KCN-KCX. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, TP đang tích cực triển khai xây dựng giai đoạn 2 của SHTP thêm 600 ha và có kế hoạch mở rộng Công viên Phần mềm Quang Trung với định hướng phát triển thành một chuỗi công viên phần mềm để thu hút đầu tư nhiều hơn. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang triển khai hàng loạt giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian cho DN gia nhập thị trường, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư như xây dựng nhiều quy trình liên thông để rút ngắn thời gian làm thủ tục.
Nhiều hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư
Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết trong tháng 7 tới, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng sẽ tiếp tục có buổi đối thoại, lắng nghe khó khăn của DN, nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, qua buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy cũng xem xét lại những bức xúc mà DN từng phản ánh đã được giải quyết tới đâu. Lãnh đạo TP vừa có buổi làm việc với các sở - ngành nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Người lao động