MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng đường Kinh Dương Vương: Gây ngập hẻm thấp

30-06-2017 - 09:45 AM | Bất động sản

Chủ đầu tư cho biết sẽ cùng quận Bình Tân khảo sát, tìm nguyên nhân để có biện pháp giải quyết.

Tuyến đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP.HCM vừa hoàn thành nâng cao mặt đường đầu năm 2017 đã giải quyết được tình trạng ngập nước khi mưa lớn và triều cường, người dân đi lại đỡ vất vả. Tuy nhiên, từ đầu mùa mưa 2017 đến nay, 44 tuyến hẻm xương cá cắt ngang tuyến đường này lại rơi vào tình trạng ngập khiến sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. UBND quận Bình Tân đang phải cho nâng một số tuyến hẻm ngập nặng để giải quyết bước đầu bức xúc của người dân.

Trẻ đi học về ướt hết áo quần

Nhiều người dân sống trong các hẻm, tuyến đường nhánh nối với đường Kinh Dương Vương phản ánh tình trạng ngập sâu do mưa và triều cường trong khoảng một tháng gần đây khiến việc đi lại, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

Tại hẻm 687 dẫn vào Trường Tiểu học An Lạc 1, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương phản ánh: “Từ lúc bắt đầu các đợt mưa trái mùa đến nay, hẻm này ngập liên tục, ngập sâu nhất là gần đến thắt lưng. Nhiều xe lưu thông qua đây đã chết máy, phải dắt bộ. Thương nhất là vào giờ tan tầm, phụ huynh đón con đi học về rất cực. Nhiều cháu tan trường té xe ướt hết cả áo quần...”. Bà Phương cho biết thêm trước khi đường Kinh Dương Vương được nâng, hẻm 687 đã bị ngập trong mỗi trận mưa lớn. Tuy nhiên, sau khi đường nâng lên cao thì khi mưa lớn kết hợp với triều cường khiến nước từ ngoài tràn vào trong gây ngập. Có đợt mưa kéo dài phải qua ngày hôm sau nước mới rút.

Cũng ngụ tại con hẻm này, bà Nguyễn Thị Điếng tâm sự: “Khi đường Kinh Dương Vương nâng lên cao, nhà tôi cũng phải sửa chữa, nâng lên mấy lần. Bây giờ đến hẻm ngập, nước không thoát được, nghe nói quận sẽ cho nâng hẻm cao lên, dân lại thêm một lần nâng sửa nhà nữa, lại một lần khổ”.

Không chỉ hẻm 687 bị ngập, theo ghi nhận của PV, các tuyến đường nhánh nối với đường Kinh Dương Vương như Đỗ Năng Tế, Lâm Hoành, Nguyễn Thức Đường thuộc phường An Lạc (quận Bình Tân) cùng một số hẻm khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, người dân sống trên đường Đỗ Năng Tế, cho biết từ đầu tháng 6 tới nay có một số cơn mưa lớn khiến đường này ngập, nước tràn cả vào nhà. “Trước đây không có chuyện ngập vì bản thân đường này cũng khá cao so với đường Kinh Dương Vương cũ” - bà Huệ nói.

Hẻm 687 đường Kinh Dương Vương có hai trường học bị ngập khiến việc đưa đón con của phụ huynh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: L.THOA

Hẻm 687 đường Kinh Dương Vương có hai trường học bị ngập khiến việc đưa đón con của phụ huynh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: L.THOA

Đường nối Đỗ Năng Tế bị ngập sau khi đường  Kinh Dương Vương được nâng cao. Ảnh: L.THOA

Đường nối Đỗ Năng Tế bị ngập sau khi đường  Kinh Dương Vương được nâng cao. Ảnh: L.THOA

Đường nối Nguyễn Thức Đường cũng bị ngập. Ảnh: L.THOA

Đường nối Nguyễn Thức Đường cũng bị ngập. Ảnh: L.THOA

Chủ đầu tư: Chưa ghi nhận hẻm nào ngập!

Điều bất ngờ, khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Mai Thành Huy, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò, chủ đầu tư dự án nâng đường Kinh Dương Vương, cho biết chưa ghi nhận trường hợp hẻm nào bị ngập. “Trong những cơn mưa lớn gần đây, đơn vị đã cử cán bộ xuống khu vực đường Kinh Dương Vương để khảo sát nhưng chưa thấy hẻm nào bị ngập” - ông Huy nói. Cơ quan này cũng chưa nhận được phản ánh từ quận Bình Tân về việc những tuyến hẻm thông với đường Kinh Dương Vương bị ngập trong mùa mưa năm nay. Khi PV dẫn chứng ba tuyến hẻm bị ngập nặng mà quận Bình Tân phải tiến hành nâng đường, Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò đã cử nhân viên xuống khảo sát.

Ông Huy khẳng định khi thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương, hệ thống thoát nước của đường này sẽ được đấu nối với toàn bộ 44 tuyến hẻm liên quan. Đối với các hẻm chưa có hệ thống thoát nước sẽ được lắp đặt một hố ga gần đầu hẻm để thu nước. Lý giải về việc ngập tại các tuyến hẻm, theo ông Huy là do nhiều nguyên nhân, phải khảo sát từng tuyến mới biết được. “Trong đó, có thể vì hệ thống thoát nước cũ nhỏ chưa được cải tạo, nạo vét. Cũng có thể do cống bị bồi lắng bởi rác che miệng thu nên thoát nước chậm hoặc hẻm quá thấp so với mặt đường Kinh Dương Vương” - ông Huy nói thêm.

Tuy nhiên, ông Huy cũng đề nghị trong thời gian tới nếu xảy ra tình trạng ngập tại các hẻm hoặc thoát nước chậm thì quận Bình Tân hãy phản ánh với chủ đầu tư. Trên cơ sở đó, các bên cũng sẽ phối hợp để tiến hành khảo sát, kiểm tra nguyên nhân, xem xét trách nhiệm thuộc về bên nào để có biện pháp giải quyết. Riêng việc lắp đặt trạm bơm tại rạch Bà Tiếng, ông Huy thông tin dự kiến trong tháng 11 tới sẽ bắt đầu tiến hành.

Chờ lắp trạm bơm tại rạch Bà Tiếng

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, việc nâng các tuyến hẻm là phương án tạm thời, về lâu dài nếu các tuyến hẻm khác cũng ngập thì không thể nâng mọi hẻm. Vì khi nâng một tuyến thì đồng nghĩa nhiều tuyến khác sẽ thấp hơn. Đó là chưa nói đến việc nâng hẻm cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và kinh doanh của người dân hai bên hẻm. Trước đó quận Bình Tân cũng đề xuất lên TP cho lắp trạm bơm tại rạch Bà Tiếng, phường An Lạc để chống ngập cho khu vực, trong đó có đường Kinh Dương Vương cùng 44 tuyến hẻm. “Đây là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ngập cho cả khu vực chứ không chỉ một vài tuyến hẻm. Việc này đã được TP chấp thuận chủ trương nhưng sau khi làm xong đường Kinh Dương Vương đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai lắp trạm bơm” - ông Nhựt cho hay.

Trước mắt, nâng ba hẻm ngập nặng

Những ngày bắt đầu mùa mưa, một số hẻm, đường nối ra đường Kinh Dương Vương rơi vào tình trạng ngập. Người dân sống trong các con hẻm này đã bức xúc phản ảnh lên quận nhiều lần. Do đó, trước mắt quận đã cho nâng ba tuyến hẻm ngập nặng nhất để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Đó là các hẻm 584, 624 và cụm hẻm 687 với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng.

Ông NGUYỄN MINH NHỰT,

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân

Theo Lê Thoa - Việt Hoa

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên