“Nâng hạng thị trường chứng khoán không phụ thuộc ý chí chủ quan”
Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi...
- 21-06-2017MSCI chưa đưa TTCK Việt Nam vào danh mục xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi
- 31-05-2017Sớm nhất là tháng 6/2019, TTCK Việt Nam mới được nâng hạng từ sơ khởi lên mới nổi
- 10-05-2017Chưa cần nâng hạng, TTCK Việt Nam vẫn sẽ được khối ngoại rót vào hàng chục triệu đô
Trong báo cáo công bố mới nhất ngày 21/6/2017 của Tổ chức xếp hạng MSCI về xếp hạng thị trường chứng khoán năm 2017, Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Trao đổi với VnEconomy, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ thị trường chứng khoán trên thế giới.
Thưa ông, kết quả này liệu đã phản ánh đầy đủ những nỗ lực của Việt Nam sau thời gian cải tiến các khung pháp lý và gia tăng sự minh bạch?
Thông thường, quá trình theo dõi, xem xét của MSCI để đưa ra quyết định nâng hạng một thị trường chứng khoán sẽ phải mất ít nhất 2 năm, kể từ khi MSCI đưa thị trường này vào danh sách tiềm năng để rà soát.
Theo kết quả xếp loại hàng năm MSCI đã công bố, Việt Nam thuộc nhóm thị trường cận biên và chưa có tên trong danh sách tiềm năng để xem xét nâng hạng. Nói cách khác, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ thị trường chứng khoán trên thế giới.
Việc đánh giá của MSCI về cơ bản là dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn các tiêu chí là định tính.
Do vậy, nếu so đánh giá về các vấn đề của thị trường chứng khoán Việt Nam với tư cách là thị trường cận biên với các vấn đề tương tự của thị trường mới nổi như Thái Lan, Philipines, Malaysia, chúng ta có thể thấy đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tương đồng về mức độ, không có sự khác biệt lớn.
Đối với Việt Nam, đã gần 2 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 60 cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, số lượng cổ phiếu chính thức nới room vẫn khá khiêm tốn.
Do đó, sân chơi của nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hẹp và cần có thêm thời gian để nhìn thấy và đánh giá được tác động thực tế của quy định này.
Vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh, MSCI nhận xét một số thông tin về doanh nghiệp, các quy định về thị trường và luồng thông tin về thị trường thường không có sẵn bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, trong báo cáo của MSCI, vấn đề này đều xảy ra với các thị trường trên thế giới có tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thống, đặc biệt là phần thông tin của các công ty, ngay cả ở thị trường phát triển như Nhật Bản hay thị trường mới nổi như Indonesia.
Về phía Việt Nam, hiện nay trên hệ thống website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Tp.HCM và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã cập nhật các thông tin thị trường và văn bản pháp lý bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nước ngoài có thể truy cập.
Đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Hiện các công ty niêm yết có số vốn hóa lớn đều đã thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đối với các công ty đại chúng còn lại, chúng tôi đang làm theo hướng có quy định nội bộ, khuyến khích và để doanh nghiệp lớn làm tiên phong trước.
Liên quan vấn đề tự do hóa thị trường ngoại hối, thị trường vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ giá trị tiền đồng. Cải thiện điều kiện này cần sự hợp tác và nỗ lực của toàn hệ thống. Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để tháo gỡ cho dòng vốn cho các nhà đầu tư vào được.
Để tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, chúng tôi đã và đang tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ các yêu cầu về khả năng chuyển nhượng, cho vay chứng khoán, tiếp tục hoàn thiện thể chế và hạ tầng của thị trường và đưa ra giải pháp quảng bá, nâng cao hình ảnh về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kết quả này có làm xáo trộn hay thay đổi nào về dòng vốn nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam vì kỳ vọng nâng hạng không đạt được, thưa ông?
Nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức/quỹ đầu tư nắm được thông tin khá rõ về quy trình và nguyên tắc nâng hạng của các tổ chức đánh giá xếp hạng, do vậy khả năng xáo trộn dòng vốn đầu tư vào Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực là tương đối thấp.
Trong những tháng đầu năm 2017, dù dòng vốn đầu tư ngoại vẫn tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt trên 22 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, song sự tham gia của dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, cũng như so với khả năng và nhu cầu thực tế của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn.
Có thể nói, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán là nhằm mục tiêu thu hút được dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Nếu thị trường Việt Nam nâng hạng thành công, quy mô của dòng vốn ngoại cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ có sự đột phá.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới?
Nâng hạng thị trường là một quá trình tương đối dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo ra những thay đổi về nội lực cũng như khung pháp lý. Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện và dự kiến sẽ có thêm nhiều cổ phiếu đạt yêu cầu trong thời gian tới. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.
Ngoài ra, việc đánh giá của MSCI hoàn toàn dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn các tiêu chí là định tính. Do đó, việc áp dụng các chính sách - giải pháp của cơ quan quản lý mới chỉ là một yếu tố, không đảm bảo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng.
Tuy nhiên, quá trình nâng hạng cũng là quá trình cải cách cho tốt hơn. Bản chất là phải cải cách với mục tiêu hoàn thiện và phát triển thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn ngoại từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cần có sự chung tay của nhiều bộ, ban ngành như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cũng như của các thành viên thị trường.
VnEconomy