MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt: Khi nào và tác động ra sao?

Thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có được đưa vào danh sách theo dõi thị trường mới nổi? Chúng ta còn thiếu ở những tiêu chí nào? Cần làm gì để sớm được nâng hạng?...

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt: Khi nào và tác động ra sao? - Ảnh 1.

Các chuyên gia nhận định về khả năng nâng hạng của TTCK Việt.

Chia sẻ với BizLIVE, các chuyên gia tài chính, chứng khoán đã đưa ra những nhận định xoay quanh các vấn đề trên.

3 tiêu chí chưa đạt để nâng hạng

(Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Phân Tích, Công ty Chứng khoán VNDirect)

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt: Khi nào và tác động ra sao? - Ảnh 2.

Theo bảng kết quả phân loại thị trường hồi tháng 3 của FTSE, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn 3 tiêu chí “chưa đạt yêu cầu” và 8 tiêu chí “hạn chế” trong 21 tiêu chí phân hạng của FTSE. Ba tiêu chí chưa đạt yêu cầu đó là (1) thanh toán bù trừ, (2) cho phép bán khống và (3) thị trường chứng khoán phái sinh phát triển.

Các yếu tố trên không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần có thêm thời gian để thị trường chứng khoán Việt Nam cải thiện và đáp ứng dần các tiêu chí trên. Điều khá may mắn đó là hiện nay, trong nhóm các thị trường mới nổi nhóm 2, có một số quốc gia không thỏa mãn hết các tiêu chí của FTSE nhưng vẫn được nâng hạng như Trung Quốc (6 tiêu chí chưa đạt, 1 tiêu chí hạn chế), Ấn Độ (6 tiêu chí chưa đạt, 3 tiêu chí hạn chế), Indonesia và Philippines (2 tiêu chí chưa đạt, 5 tiêu chí hạn chế), trong đó bao gồm cả 3 tiêu chí mà Việt Nam chưa đạt ở trên. Do đó, chúng tôi cho rằng vẫn có khả năng để thị trường chứng khoán Việt Nam được vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường lần này.

Nếu được vào danh sách theo dõi lần này sẽ là cột mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đặt một chân lên nhóm thị trường chứng khoán mới nổi (Emergin Market) có mức độ phát triển cao hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút được dòng tiền nước ngoài lớn hơn và có mức độ ổn định hơn. Dòng vốn ngoại có thể quay trở lại xu hướng mua ròng trong những tháng còn lại của năm nay.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng sức thu hút đối với của các định chế tài chính và quỹ đầu tư lớn trên thế giới vốn thường tập trung nhiều sự chú ý đến các thị trường chứng khoán mới nổi (Emerging Market) và dành ít sự quan tâm đến các thị trường cận biên (Frontier Market).

Thị trường có khả năng nâng hạng vào năm 2020

(Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Everest)

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt: Khi nào và tác động ra sao? - Ảnh 3.

Thực chất nếu như theo lộ trình ban đầu thì có khả năng được xem xét nhưng hiện nay có một số yếu tố chững lại. Về tiêu chí khung pháp lý là ổn, đã có Luật Chứng khoán, ban hành hàng loạt Nghị định, Quy định áp dụng quy định về chứng khoán. Tiêu chí đa dạng hóa sản phẩm cũng đã đáp ứng được khi vừa rồi chúng ta làm sản phẩm phái sinh.

Việc cổ phần hóa nếu như so với định hướng thì thấy chậm đi. Kế hoạch cuối 2018 phải cổ phần hóa hàng loạt công ty, trong đó ở TP.HCM chiếm khá nhiều doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa gắn với niêm yết, theo đó điều này ảnh hưởng tới quy mô thị trường, là một trong những yếu tố để người ta xem xét. Vì quy mô nhỏ việc nâng hạng không ý nghĩa gì.

Kế đến là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), trước đây NĐTNN mở tài khoản rất là khó, hiện đã đơn giản hơn, tạo điều kiện hơn, tốc độ NĐTNN mở tài khoản cũng tăng rất nhanh, minh chứng cho độ mở, tính cải thiện thủ tục hành chính là khá tốt.

Yếu tố nữa, phải có những công ty có quy mô vốn hóa lớn, hàng tỷ USD. Có thể thấy, thời điểm VN-Index tăng mạnh, lên 1.200 điểm chúng ta đã đạt được yêu cầu này, như VNM, VHM...

Tính thanh khoản thị trường cũng là yếu tố quan trọng, đảm bảo tỷ lệ freefloat, dòng tiền vài chục tỷ USD dồn vào thị trường mà mua không được, mua được rồi bán không xong thì phải xem xét việc này. Đó là điều kiện khá quan trọng để xem xét.

Trong việc nâng hạng cũng có yếu tố ngoại hối, nghĩa là khả năng chuyển đổi tiền USD sang VND để mua cổ phiếu , sau đó họ bán cổ phiếu, chuyển từ tiền VND sang USD. Yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô cũng phải được xem xét.

Thị trường nếu được nâng hạng, nhiều khả năng vào năm 2020. Nếu điều kiện nâng hạng chín muồi tôi cho rằng dòng tiền sẽ vào thị trường đâu đó trước khoảng 6 tháng đến một năm.

Tính tới thời điểm này mọi nỗ lực tôi cho rằng khả thi. Giờ chỉ còn lại đẩy nhanh thêm cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoána. Điều kiện mở room cũng đã có, vấn đề còn lại là thời gian thực hiện.

Phải duy trì thứ hạng và làm tốt để được nâng hạng

(Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Maybank KimEng VN)

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt: Khi nào và tác động ra sao? - Ảnh 4.

Khả năng thị trường được nâng hạng trong ngắn hạn là thấp mà có thể phải một vài năm nữa khi chúng ta đáp ứng đầy đủ điều kiện của họ hoặc là họ giảm điều kiện nâng hạng.

Ngoài ra nhiều cổ phiếu được "tân trang" lại trước khi lên sàn ví dụ những cổ phiếu niêm yết mới trong năm 2018 nếu các NĐT mua vào những ngày đầu thì hiện nay hầu như không ai có lời, hầu hết giảm giá cũng làm giảm niềm tin giới đầu tư...Nhiều tiêu chí chúng ta đã đạt được nhưng cũng có các tiêu chí trực tiếp lẫn gián tiếp chúng ta còn cần phải cải thiện, như tỷ lệ số lượng tài khoản trên dân số Việt Nam rất thấp so với thế giới, nhiều mã cổ phiếu tại Việt Nam có những đà tăng bất thường với biên độ khủng hoàn toàn không có lý do gì, điều này cho thấy yếu tố đầu cơ trên thị trường là lớn.

Chúng ta phải cố gắng duy trì thứ hạng và làm tốt để có thể được tiếp tục nâng hạng. Điều này phải đi kèm với các chính sách hỗ trợ cũng như chất lượng của hàng hóa trên thị trường, sự đa đạng sản phẩm, thuận lợi cho các NĐT như mở rộng chứng khoán phái sinh, hay giảm thời gian thanh toán hiện nay nói là T2 nhưng thực sự chỉ mới được T2,5 vì phải ngày T3 mới bán được.

Bên cạnh đó các biện pháp chế tài, xử lý vi phạm cần mạnh tay hơn để thị trường ngày càng minh bạch. Ví dụ nhiều lần hình thức bán chui cổ phiếu, các hình thức vi phạm khác thu lợi nhiều tỷ đồng nhưng mức phạt hành chính rất nhẹ nhàng.

Nhiều khả năng Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi lần này

(Ông Bùi Nguyên Khoa Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV)

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt: Khi nào và tác động ra sao? - Ảnh 5.

Hiện quỹ đầu tư lớn nhất đang sử dụng MSCI là BlackRock đang nắm trong tay danh mục đầu tư vào thị trường mới nổi quy mô 60-70 tỷ USD và FTSE là Vanguard với quy mô tương đương.

Theo quy định chung, FTSE Russell sẽ cho vào danh sách theo dõi và đánh giá xem các tiêu chí có thay đổi trước khi chính thức nâng hạng. Theo ghi nhận, tiêu chí T+0 vẫn chưa đáp ứng do thị trường vẫn đang thanh toán T+3. Nhưng nhiều khả năng Việt Nam vẫn có khả năng lọt vào danh sách theo dõi lần này.

Ngoài ra, cũng cần phải quan tâm đến sự tiến bộ của các thị trường khác để đánh giá thêm về khả năng nâng hạng. Nếu nhanh thì 1 năm tới Việt Nam có thể chính thức vào nhóm thị trường mới nổi, chậm hơn thì 2 năm. So với MSCI, khả năng được vào nhóm Emerging Market là dễ hơn.

Theo ước tính của tôi, Việt Nam nếu được FTSE Russell xếp vào nhóm Emerging Market thì có thể sẽ chiếm hơn 1% trong tỷ trọng đầu tư, xấp xỉ Phillipines, tương đương sẽ có thêm 600 triệu USD đổ vào thị trường, đây là chưa kể đến lượng tiền đổ vào từ các quỹ khác nhóm khác do FTSE Russell phân loại ra nhiều nhóm chỉ số chứng khoán theo chỉ số thế giới, khu vực, quốc gia.

Ngoài ra, với các quỹ ETF đã đầu tư vào Việt Nam như VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), Db x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF (DB) sẽ có một sự nâng cấp về quy mô. Qua đó, lại bơm thêm tiền vào thị trường.

Theo Huyền Trâm - Mai Hương

Bizlive

Trở lên trên