Nâng hạng thị trường và quyết tâm của Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam hướng đến thu hút sự quan tâm hơn của nhà đầu tư nước ngoài...
- 03-09-2018Dòng tiền đổ dồn về thị trường cơ sở, thanh khoản tại thị trường phái sinh thấp nhất 3 tháng
- 31-08-2018Thị trường rung lắc dữ dội, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trong phiên giao dịch cuối tháng 8
- 28-08-2018Dòng tiền ngoại đồ ầm ầm vào thị trường, Vn-Index chốt ở mức giá cao nhất ngày
"Nếu gặp chuyên gia của MSCI tôi sẽ hỏi rằng tổ chức còn chờ gì nữa mà không nâng hạng cho thị trường Việt Nam, bởi vì các chỉ tiêu về định lượng đã đạt và thậm chí một số còn vượt xa", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng bắt đầu như vậy khi nói về câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn đang được đặc biệt quan tâm.
Băn khoăn này của người đứng đầu ngành chứng khoán cũng cho thấy một thực tế: Việt Nam có được lọt vào danh sách chờ nâng hạng của MSCI hay không, điều đó không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của chính quốc gia đó mà còn phụ thuộc rất nhiều vào MSCI, vào chính những lá phiếu của nhà đầu tư nước ngoài đã đang tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Cần nhiều hơn những lá phiếu ủng hộ
"20 năm đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi đã gặp không ít vướng mắc, nhưng chưa bao giờ thắc mắc vì sao chọn Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy thái độ chính sách của Chính phủ Việt Nam rất cởi mở và vì thế, tôi khuyên các nhà đầu tư rằng, thủ tục không phải là điều đáng ngại tại Việt Nam. Vấn đề chỉ là việc đầu tư vào Việt Nam có mang lại hiệu quả hay không? Nhưng câu trả lời phụ thuộc vào chính chúng ta chứ không phải ai khác", ông Dominic Sciven, Chủ tịch Dragon Capital, không hề giấu giếm khi chia sẻ bí quyết đầu tư.
Năm 1995, Quỹ đầu tư của Dragon Capital được thành lập với giá trị 1 chứng chỉ quỹ ban đầu là 1 USD và mẹ của Dominic Sciven cũng góp tiền vào đó. Hiện nay, giá của một chứng chỉ quỹ đã tăng lên 8,5 USD, như vậy bình quân quỹ có lợi nhuận 12-13%/năm. Hoạt động đầu tư của quỹ không phải là táo bạo nhất trong các quỹ, mà ở mức vừa phải, theo ông Dominic Sciven, đủ để phản ánh cơ hội và rủi ro tại Việt Nam.
Tham gia đầu tư tại Việt Nam được 7 năm, thời gian đủ lâu như Chủ tịch Quỹ Dragon Capital, Tổng giám đốc Shinhan Bank đánh giá cao những cơ hội ở Việt Nam.
"Tôi có niềm tin vào tương lai dài hạn của Việt Nam. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều cân nhắc xem nên chọn đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia hay Việt Nam, nhưng cuối cùng chúng tôi đã chọn Viêt Nam vì nhận thấy Chính phủ Việt Nam có sự ủng hộ rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài", Tổng giám đốc Shinhan Bank bày tỏ.
Cùng với đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong mấy năm gần đây và lạm phát lại được kiềm chế ở mức hợp lý. Tổng giám đốc Shinhan Bank cũng cho biết cá nhân ông đã ở Việt Nam 7 năm và gần đây có nhiều nhà đầu tư ở Mỹ, có kinh nghiệm cũng chọn đầu tư vào Việt Nam. Bởi các thông tin chính sách cũng như thông tin từ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng minh bạch hóa. Không riêng Shinhan, cơ hội từ Việt Nam đang dành cho tất cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trong lộ trình xem xét nâng hạng thị trường của MSCI, những lá phiếu ủng hộ thị trường Việt Nam như Dragon Capital, Shinhan chưa thể quyết định tất cả. Còn không ít những quỹ đầu tư khác, những tổ chức đã vào Việt Nam từ giai đoạn 2007-2008 và không thành công trong đầu tư, họ đã bán trái phiếu rất nhiều và bị lỗ, nên chưa có những nhìn nhận tốt về thị trường Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), việc MSCI chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đã định vị rõ ràng vị trí của thị trường Việt Nam hiện đang ở đâu trong bản đồ thị trường vốn quốc tế.
Theo ông, cần có chiến lược nghiêm túc để sớm được nâng hạng thị trường. Mục tiêu nhanh chóng được nâng hạng là chuyện không cần tranh luận cân nhắc lợi hay hại nữa, vấn đề cần tranh luận là giải pháp để nhanh được nâng hạng. Việc nâng hạng phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của chúng ta.
MSCI sẽ dựa vào kết quả khảo sát các nhà đầu tư là khách hàng của MSCI cùng với đánh giá của nội bộ của MSCI về thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các số liệu từ nhiều nguồn khác nhau. "Tóm lại nói đơn giản dễ hiểu: quan trọng nhất họ dựa vào độ hài lòng của nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Hưng kết luận.
Đã qua vòng định lượng
Cuối tháng 6/2018, MSCI đã công bố kết quả xếp hạng thị trường năm 2018 với việc gần như giữ nguyên quan điểm đánh giá với Việt Nam như năm 2017. Theo quy định, MSCI chỉ xếp hạng thị trường với 69 quốc gia. Riêng nhóm ASEAN, có 4 nước không được đưa vào xếp hạng là Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar.
Trong lần xếp hạng giữa kỳ vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm Thị trường cận biên (Frontier Market).
Theo một báo cáo mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, về yếu tố định lượng, Số doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn về Chỉ số tiêu chuẩn theo tiêu chí thị trường mới nổi là 3, trong khi đó, tính đến hết tháng 6/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có đủ 7 doanh nghiệp đạt tất cả các tiêu chuẩn về quy mô và tính thanh khoản theo tiêu chí thị trường mới nổi của MSCI.
Xét riêng về tiêu chí quy mô doanh nghiệp (tổng mức vốn hóa thị trường tính tới thời điểm hết tháng 5 năm tài khóa) theo tiêu chí thị trường mới nổi của MSCI là 1.594 triệu USD, các doanh nghiệp của Việt Nam đạt tiêu chí này gồm: 22 doanh nghiệp gồm: 1 doanh nghiệp niêm yết sàn HNX là ACB và 21 doanh nghiệp niêm yết sàn HOSE (Vinamilk, Vingroup, Masan, Hòa Phát...).
Về quy mô chứng khoán (vốn hóa của chứng khoán lưu hành) theo tiêu chí thị trường mới nổi là 797 triệu cổ phiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam có 16 doanh nghiệp đạt tiêu chí, trong đó sàn HNX có 6 doanh nghiệp (ACB, SHB, VGC, PVS, VCS, DL1), sàn HOSE ghi nhận 10 doanh nghiệp (Vinamilk, Vingroup, Masan, Hòa Phát...).
Về thanh khoản chứng khoán (ATVR: Tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm) theo tiêu chí thị trường mới nổi phải là 15%ATVR, thị trường chứng khoán Việt Nam có 276 doanh nghiệp đạt tiêu chí này gồm: 5 doanh nghiệp niêm yết sàn HNX (ACB, SHB, VGC, PVS, VCS) và 271 doanh nghiệp niêm yết sàn HOSE (Vinamilk, Vingroup, Masan, Hòa Phát...).
Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện và dự kiến sẽ có thêm nhiều cổ phiếu đạt yêu cầu trong thời gian tới. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.
Ngoài ra, việc đánh giá của MSCI về cơ bản dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn các tiêu chí là định tính, do đó, việc áp dụng các chính sách/giải pháp của cơ quan quản lý mới chỉ là một yếu tố.
Những rào cản định tính với Việt Nam
Đánh giá của MSCI vẫn giữ nguyên so với năm 2017, mặc dù tổ chức này đã công nhận sự cải thiện đáng kể về vấn đề đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản. Tuy nhiên, với đặc thù là việc đánh giá của MSCI về cơ bản dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn các tiêu chí là định tính, do đó, việc áp dụng các chính sách/giải pháp của cơ quan quản lý mới chỉ là một yếu tố. Do đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán cần có sự ủng hộ của cộng đồng thành viên thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư là khách hàng của MSCI.
Theo Báo cáo xếp hạng thị trường của MSCI công bố tháng 6/2018, thị trường Việt Nam cần cải thiện 5 vấn đề.
Thứ nhất, về mở cửa thị trường với sở hữu nước ngoài. Đối với tiêu chí "yêu cầu trình độ của nhà đầu tư", cả 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan đều không gặp trở ngại.
Tuy nhiên, đối với các tiêu chí về các giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, tỷ lệ tham gia sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài và các quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam và Thái Lan đều được MSCI đánh giá là cần được cải thiện/đánh giá thêm.
Riêng với Việt Nam, báo cáo tháng 6/2018 của MSCI đánh giá: các giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty thuộc ngành nghề có điều kiện và nhạy cảm phải tuân theo giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài liên quan. Thị trường chứng khoán chịu tác động đáng kể bởi các vấn đề về tỷ lệ tham gia sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài: thông tin trên website của các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) có thể tìm thấy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, một số thông tin có liên quan đến công ty không luôn luôn có sẵn bằng tiếng Anh.
Thêm vào đó, quyền của các nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn do các giới hạn nghiêm ngặt về tỷ lệ sở hữu nước ngoài áp dụng đối với cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.
Thứ hai, về mức độ thuận lợi cho dòng vốn vào/ra. Đối với tiêu chí "Mức độ giới hạn luồng vốn", cả 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan đều được MSCI đánh giá tốt. Đối với tiêu chí "Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối", Việt Nam và Indonesia được đánh giá cần được cải thiện. Riêng Việt Nam: không có thị trường tiền tệ ở nước ngoài và có các quy định bắt buộc đối với thị trường tiền tệ trong nước (ví dụ các giao dịch ngoại hối phải được liên kết với giao dịch bảo đảm).
Thứ ba, về hiệu quả của các khuôn khổ hoạt động. Cả 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan đều không gặp trở ngại đối với các tiêu chí: đăng ký NĐT và thiết lập tài khoản, quy định thị trường, lưu ký, đăng ký/lưu ký và giao dịch.
Tuy nhiên, các tiêu chí Việt Nam cần phải cải thiện là: luồng thông tin, thanh toán và bù trừ, chuyển nhượng, cho vay chứng khoán và bán khống. Riêng Việt Nam được MSCI đánh giá: các quy định thị trường: không phải tất cả các văn bản pháp luật đều có bản tiếng Anh. Thông thị trường chứng khoán không phải luôn được công bố bằng tiếng Anh và đôi khi không đầy đủ chi tiết.
Thanh toán bù trừ: Không có trung tâm thanh toán bù trừ chính thức và trung tâm lưu ký đóng vai trò là đại lý thanh toán bù trừ. Ngoài ra, không có các phương tiện thấu chi và có quy định phải ký quỹ giao dịch.
Khả năng chuyển nhượng: Các giao dịch ngoài sàn và các giao dịch chuyển nhượng không đi kèm thanh toán tiền (cho, tặng, thừa kế...) phải được sự chấp thuận trước của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thứ tư, về môi trường cạnh tranh, MSCI hiện chưa có đánh giá chính xác về môi trường cạnh tranh ở Việt Nam, 3 nước còn lại được MSCI đánh giá là không có trở ngại.
Thứ năm, sự ổn định của cơ cấu tổ chức, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia được đánh giá là không gặp trở ngại lớn về sự ổn định của cơ cấu tổ chức. Thái Lan được đánh giá là cần cải thiện/đánh giá thêm về vấn đề này.
Như vậy, điểm mấu chốt trong những rào cản đối với Việt Nam đó là: nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin về chính sách cũng như thông tin của các doanh nghiệp.
MSCI nhận định nhà đầu tư nước ngoài không tìm được thông tin hoặc các thông tin có thể tìm thấy nhưng không đầy đủ bằng tiếng Anh, gây cản trở trong việc nghiên cứu, tìm hiểu khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Căn cứ trên bảng phân tích, đánh giá thị trường của MSCI, thị trường Việt Nam cần cải thiện nhiều nhất về việc công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, các thông tin này bao gồm cả các quy định, luật không chỉ trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán mà còn là các quy định, pháp luật liên quan.
Với nỗ lực cải thiện và quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường trong thời gian sớm nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến tiếp tục triển khai thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam; tiếp tục trao đổi, thiết lập quan hệ thường xuyên với MSCI.
Đặc biệt, đối với các thành viên thị trường, đặc biệt là các quỹ đầu tư, các ngân hàng lưu ký, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục giữ mối quan hệ chặt chẽ, tổ chức đối thoại thường xuyên để tìm hiểu về các vướng mắc của các nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài để từ đó đưa ra các giải pháp chính sách cho phù hợp...
VnEconomy