MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng hệ số CAR: Bài toán hóc búa

13-03-2017 - 10:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Các NH phải chủ động lựa chọn những giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực tài chính.

Chưa khi nào “dễ thở”

Năm 2016, bức tranh chung của các NH ghi nhận lợi nhuận khá tích cực, nhưng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) lại sụt giảm. Theo công bố của NHNN, năm 2016 hệ số CAR của hệ thống TCTD Việt Nam là 12,84% - gần như không có cải thiện so với mức 13% của năm 2015.

Trong đó, nhóm có tỷ lệ CAR đứng đầu thuộc về các NH liên doanh, NH nước ngoài với 33,2%. Hệ số này thấp nhất ở các NHTM nhà nước với tỷ lệ 9,92%; các NHTMCP là 11,8%. Không những thế, cách tính CAR hiện nay vẫn theo quy định của NHNN, chưa theo tiêu chuẩn của Basel II.


Duy trì tỷ lệ an toàn vốn cao là một trong những ưu tiên hàng đầu của các TCTD

Duy trì tỷ lệ an toàn vốn cao là một trong những ưu tiên hàng đầu của các TCTD

Ở cả Basel I và Basel II, hai Hiệp ước vốn này đều đặc biệt chú trọng tới tỷ lệ an toàn vốn. Song với Basel I, rủi ro tín dụng đặt lên hàng đầu, đòi hỏi các NH phải đủ vốn để đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn. Nhưng với Basel II, bên cạnh rủi ro tín dụng phải song hành với kiểm soát rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động.

Để đạt được tỷ lệ an toàn vốn, không cách gì khác là các NH phải tăng vốn. Các TCTD đều nhận thức rất rõ việc phải sớm tuân thủ Basel II. Tuy nhiên, thị trường vốn Việt Nam hiện nay không quá hào hứng với cổ phiếu của NH. Nên tăng vốn thời điểm này, đặc biệt khi bước vào triển khai Basel II thì khó khăn sẽ là gấp đôi.

Các chuyên gia đều cho rằng, nếu chiếu theo khung chuẩn mới sẽ được áp dụng trong thời gian tới, chắc chắn CAR của các NH Việt sẽ còn thấp hơn rất nhiều. Một chuyên gia tài chính chia sẻ: “Hệ số CAR hiện nay chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực trạng năng lực tài chính của các NH. Do đó, CAR vẫn sẽ khó có tín hiệu tích cực thời gian tới. Vì nếu theo thông lệ mới các NH phải có những dự phòng rủi ro mạnh hơn với tín dụng, thị trường và hoạt động NH.

Trích lập dự phòng rủi ro tăng tất yếu sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn, vốn chủ sở hữu bị đẩy xuống, khiến hệ số CAR sụt giảm”. Thêm vào đó, vị này cũng nhận thấy nguy cơ hệ số CAR giảm xuống rất lớn bởi các NH Việt Nam hiện vẫn chủ yếu là trích lập dự phòng rủi ro cho tín dụng, và một phần cho rủi ro thị trường. Như vậy là chưa đủ.

Dưới góc độ TCTD, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng thừa nhận việc nâng cao năng lực tài chính cho các NHTM, đặc biệt là các NHTM nhà nước là vô cùng quan trọng. Các NHTM Việt Nam hầu hết đều thiếu vốn, CAR của các NHTM nhà nước chỉ ở mức đạt 9%. Con số này sẽ giảm khoảng 2% nữa khi áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II.

Trong khi đó, các NH trong khu vực hầu hết đã áp dụng Basel II, một số nước đã chuyển sang áp dụng Basel III với hệ số CAR rất cao. Như Thái Lan 17,6%, Philippines 16%... hay Singapore - quốc gia mà hệ thống NH đang áp dụng theo tiêu chuẩn Basel III với hệ số CAR là 16,4%. Với hệ số an toàn vốn thấp như hiện nay, các NHTM Việt Nam khó có khả năng mở rộng tăng trưởng tín dụng, tài trợ vốn đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế chứ chưa nói đến hội nhập, cạnh tranh với thế giới.

Muôn ngả tìm đường… tăng vốn

Nhận thấy thực tế này, cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ CAR đối với NH, chi nhánh NH nước ngoài. Theo quy định tại Thông tư 41, kể từ ngày 1/1/2020, NH không có công ty con, chi nhánh NH nước ngoài phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của NH, chi nhánh NH nước ngoài tối thiểu 8%. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của NH tối thiểu 8%. Như vậy, hệ số CAR sẽ điều chỉnh giảm từ 9% đang áp dụng xuống còn 8% trong ba năm tới.

Tại sao mức tối thiểu hệ số CAR giảm mà lại còn phải chờ tới 3 năm nữa mới áp dụng? Vì cách tính hệ số CAR theo quy định mới chặt chẽ và tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế. Đơn cử, trong công thức tính CAR phần mẫu số các TCTD phải cộng thêm cả vốn dành cho rủi ro thị trường (K OR) và rủi ro hoạt động (K MR). Các chuyên gia cho rằng đây là quyết định hợp lý. Vì cần cho thời gian để các TCTD có những giải pháp đáp ứng được yêu cầu mới của NHNN.

Tăng vốn là vấn đề của tất cả các NHTM phải đối mặt, không riêng gì quy mô lớn hay nhỏ. Đơn cử như tại VietinBank, NH này đã và đang áp dụng những giải pháp để nâng cao năng lực tài chính trong thời gian qua. Như việc giảm phần vốn Nhà nước sở hữu xuống chỉ còn 64,5%. NH này cũng đã bán xấp xỉ 30% cho các nhà đầu tư nước ngoài - kịch mức trần cho phép hiện nay. Hay có NH chọn cách phát hành trái phiếu thứ cấp trên thị trường để bổ sung vốn…

Tuy nhiên, lãnh đạo các TCTD vẫn rất nhiều tâm tư. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank từng bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN xem xét thông qua, cho phép NH này được chia cổ tức bằng cổ phiếu, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng phục vụ nền kinh tế, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn, quy định về tỷ lệ CAR tại Thông tư 36, Thông tư 06 cũng như sắp tới là việc triển khai Basel II của NHNN.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một NHTM nhà nước khác cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các NHTM, đặc biệt NHTM nhà nước được tăng vốn bằng việc giữ lại lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư, phát hành thêm vốn thay vì nộp cổ tức bằng tiền mặt vào ngân sách nhà nước.

Cùng với đó có cơ chế thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực bằng việc xem xét có định hướng và lộ trình cho việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần Nhà nước tại các NHTM nhà nước; tăng giới hạn sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài từ 30% hiện nay lên 35%. Hoàn thiện cơ chế văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tế trong việc phát hành tăng vốn riêng lẻ, đảm bảo quá trình bán vốn vừa minh bạch, vừa có tính khả thi cao…

Trong một trao đổi gần đây với phóng viên, TS. Luật sư Bùi Quang Tín, ĐH. NH TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Hệ số CAR chỉ là một trong các yếu tố để tính hệ số an toàn trong hoạt động kinh doanh của NH. Ngoài CAR còn có các chỉ số về an toàn thanh khoản, quản trị rủi ro thanh khoản, quản trị rủi ro tín dụng, hoạt động, chính sách... Quan trọng là các nhà băng phải đứng bằng thực chất sức khoẻ của mình, minh bạch hóa sổ sách, báo cáo tài chính...

Theo Minh Khuê

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên