Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn hạn chế
Xếp hạng của World Bank và World Economic Forum được dẫn ra nhằm nhắc nhở môi trường kinh doanh, năng lực sáng tạo của Việt Nam vẫn cần nhiều cải thiện hơn nữa.
Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo lại đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng.
Bộ trưởng cho biết các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế đang tiếp tục phát triển tích cực.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Trong tháng 10, CPI chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6%, tức trong mức kiểm soát.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng ước đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô). Trong 10 tháng tiếp tục xuất siêu 6,4 tỷ USD.
Trong 10 tháng, vốn FDI thực hiện ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3%, có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,3 tỷ USD, tăng 35,8%. Tính chung vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đạt 21,4 tỷ USD.
Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn. Còn có gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nông nghiệp phát triển tốt. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng, 10 tháng năm 2018 tăng 10,4% cao hơn so với cùng kỳ năm trước (9,6%). Chỉ số PMI tăng từ 51,5 điểm tháng 9 lên 53,9 điểm vào tháng 10, thể hiện sự tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất.
Dù vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, World Bank và WEF gần đây đã đánh tụt thứ hạng Việt Nam (World Bank hạ 1 bậc trong Doing Business 2019, WEF hạ 3 bậc trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018).
Theo Bộ trưởng, dù tụt hạng nhưng thực tế điểm số của Việt Nam trong những bảng xếp hạng đều tăng. Điều này cho thấy năng lực đổi mới sáng tạo, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam hạn chế.
Do đó, đây là khâu cần dồn sức chỉ đạo, cần tiếp tục đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để xóa bỏ rào cản trong quản lý và cơ chế xin - cho, phát huy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản vẫn còn giá thấp, xuất khẩu nông sản tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm như điều, cao su, hạt tiêu cũng như còn nhiều vấn đề cần lưu tâm như dịch tả lợn châu Phi.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua, tiếp tục kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ.
Các đơn vị chức năng cần tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cũng như quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện pháp luật.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý và kết quả kiểm tra tháng 10 của Tổ công tác.
Theo Bộ trưởng, hiện còn nợ đọng 4 Nghị định, 1 Quyết định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và 3 thông tư.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ, trong 10 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng giao 17.411 nhiệm vụ. Trong đó, có 8.792 nhiệm vụ đã hoàn thành, 8.354 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 265 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,9%, giảm 0,1% so với tháng trước).
Trong tháng 10, Tổ công tác đã tiến hành 3 cuộc kiểm tra đối với các cơ quan trong việc chậm trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh.
Về điều kiện kinh doanh, đến nay, các Bộ đã trình ban hành được 22 văn bản (1 Luật và 21 Nghị định), đã cắt giảm, đơn giản được 3.004/6.191 điều kiện (đạt 97% so với chỉ tiêu giao, tăng 1.871 điều kiện - tăng 60,4% so tháng trước).
Về kiểm tra chuyên ngành, các Bộ đã trình ban hành và ban hành được 21văn bản, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra và 30 thủ tục.