MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năng lực phát triển du lịch Việt Nam tăng cao nhất thế giới

27-05-2022 - 09:36 AM | Bất động sản

Năng lực phát triển du lịch Việt Nam tăng cao nhất thế giới

Chỉ số năng lực phát triển của ngành Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới

Giá cả cạnh tranh, môi trường thiên nhiên hấp dẫn

Trung tâm Thông tin Du lịch, Tổng cục Du lịch, ngày 25-5 đã dẫn báo cáo mới nhất ngày 24-5-2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), cho thấy Việt Nam là quốc gia có mức tăng điểm số cao nhất thế giới (+4,7%), về xếp hạng tăng 8 bậc so với năm 2019 (kết quả xếp hạng năm 2019 cũng đã được tính toán, điều chỉnh lại theo Chỉ số năng lực phát triển).

Năng lực phát triển du lịch Việt Nam tăng cao nhất thế giới - Ảnh 1.

Du lịch Việt Nam được đánh giá cao về giá cả cạnh tranh, tài nguyên môi trường thiên nhiên, tài nguyên giải trí và nghỉ dưỡng.

Qua đó, WEF ghi nhận những thành tựu về kiểm soát, phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự thích ứng linh hoạt, an toàn, những nỗ lực tái mở cửa và hồi phục ngành du lịch, cũng như những yếu tố bền vững làm điểm tựa để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển.

Các chỉ số được đánh giá cao nhất của Việt Nam là có giá cả cạnh tranh (hạng 15), cơ sở hạ tầng giao thông mặt đất và cảng hàng không (hạng 15). Ngoài ra, Việt Nam cũng được đánh giá cao bởi tài nguyên môi trường thiên nhiên (hạng 24), tài nguyên giải trí và nghỉ dưỡng (hạng 29), an ninh an toàn (hạng 33).

Cùng với Việt Nam, Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả rập Saudi (tăng 10 bậc) là ba quốc gia có chỉ số năng lực phát triển du lịch tăng hạng cao nhất.

Bên cạnh Việt Nam còn có Indonesia tăng 3,4%, đứng hạng 44, tăng 12 bậc và Arab Saudi tăng 2,3%, đứng hạng 33, tăng 10 bậc. Trong khu vực châu Á, Malaysia tụt 9 cấp xuống hạng 38, Ấn Độ tụt 8 cấp xuống hạng 54.

Hai năm qua, trước những thiệt hại nặng nề của ngành du lịch do tác động của đại dịch Covid-19, WEF đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận vấn đề khi chuyển từ đánh giá xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh sang sang Chỉ số năng lực phát triển. Điều này được thể hiện rõ ngay tại chủ đề của báo cáo năm 2021: "Tái thiết vì một tương lai bền vững và kiên cường hơn".

Bộ chỉ số năng lực phát triển du lịch gồm 112 chỉ số được phân chia thành 17 nhóm chính, được thiết kế tập trung nhiều hơn vào đánh giá vai trò của ngành du lịch trong một môi trường kinh tế - xã hội rộng mở hơn. Một số nhóm chỉ số mới so với trước đây đã được bổ sung như Tài nguyên phi giải trí; Sự bền vững về kinh tế-xã hội; Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch…

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công nghệ số trong tái thiết và phục hồi du lịch bền vững. Ngày càng nhiều các dịch vụ du lịch được tiếp cận qua nền tảng số như đại lý du lịch trực tuyến (OTA), kinh tế chia sẻ, đặt phòng trực tuyến, thanh toán điện tử, thiết bị di động… mang lại cho du khách nhiều tiện ích hơn, nhiều lựa chọn hơn và giảm bớt tiếp xúc trực tiếp, gia tăng trải nghiệm liền mạch của du khách. Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe, điều kiện làm việc, điều kiện kinh tế-xã hội, bảo vệ xã hội… cũng là những vấn đề cần quan tâm.

Xu hướng gia tăng trải nghiệm hậu Covid-19

Hậu Covid-19, khi du lịch phục hồi, khách tới điểm lưu trú vừa muốn có cảm giác thân quen nhưng vừa muốn tận hưởng những giá trị mới. Cuộc đua về trải nghiệm khách hàng (CX) ngày càng được quan tâm hơn trong bối cảnh bình thường mới, đặc biệt với ngành khách sạn, du lịch.

Theo khảo sát mới của Visa’s Green Shoots Radar, 42% người tham gia tin rằng sẽ đi du lịch để giải trí trong năm 2022. Trong khi đó, một cuộc khảo sát khác ở Mỹ cho thấy 100% người tham gia có động lực lên đường.

Năng lực phát triển du lịch Việt Nam tăng cao nhất thế giới - Ảnh 2.

Hậu Covid-19, nhu cầu du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Đến khách sạn không chỉ để ngủ và ăn mà phải được chơi, vui.

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng, NielsenIQ Việt Nam, chia sẻ kết quả khảo sát cho thấy, hiện có 3 yếu tố khách hàng quan tâm nhất khi đi du lịch là trải nghiệm được cá nhân hóa (82%), tiêu chuẩn an toàn cao (81%), sự riêng tư (58%). Cuộc đua trải nghiệm khách hàng trong ngành dịch vụ khách sạn vì vậy trở nên khắc nghiệt hơn, nhưng cũng hấp dẫn hơn. Do đó, một số khách sạn, cơ sở lưu trú tại Việt Nam đang chuyển hướng đáp ứng du cầu này của du khách.

Trong khi đó, tại Open Talk với chủ đề "Từ CX đến Gamification", ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Lê Group, chuyên gia truyền thông cho rằng, trong vai trò của người tiêu dùng, khách đến khách sạn bây giờ không chỉ để ngủ và ăn, đến khách sạn là phải được chơi, được vui. Để đạt được yếu tố "vui" đó, các khách sạn cần chú trọng nâng cao trải nghiệm, sáng tạo, cá nhân hóa trải nghiệm…

Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú tại Việt Nam đang chuyển hướng đáp ứng du cầu này của du khách. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Định hình phong cách, SOJO Hotels, cho hay qua nhiều khảo sát cho thấy khách hàng có nhu cầu về một điểm đáp ứng vừa vặn nhu cầu muốn được kết nối một cách sâu sắc và toàn diện, từ không gian đến con người và cảm xúc. Với những công dân toàn cầu, mong muốn đặt ra là được trải nghiệm những điều mới mẻ, muốn một cảm giác vừa gần gũi vừa khác biệt.

"Chúng tôi đã ứng dụng Gamification - "game hóa" trải nghiệm khách hàng xuyên suốt quá trình lưu trú của khách hàng. Ngay khi bước chân vào căn phòng, bằng cách sử dụng app SOJO Hotels trên điện thoại, du khách có thể có những trải nghiệm về màu sắc màu sắc ánh sáng của phòng tắm, âm nhạc và nhiệt độ phòng. Chiếc rèm cửa cũng sẽ từ từ được mở, để họ có thể tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc nghỉ ngơi…. Việc ứng dụng công nghệ thiết bị thông minh sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị"- bà Hà chia sẻ.

Theo Yến Anh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên