MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện

25-11-2013 - 20:32 PM |

Cụ thể, ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp; ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp; ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 30/2013/TT-BCT Quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện. Theo đó, có 3 điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện.

Thông tư quy định, bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp trong các trường hợp sau: 1- Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch của bên bán điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện, điều hòa, hạn chế phụ tải do thiếu điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch. 2- Ngừng cấp điện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình. 3- Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện.

Trong trường hợp trên, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm ít nhất 5 ngày. Sau đó, bên bán điện phải cấp điện trở lại theo đúng thời hạn đã thông báo.

4 trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp

Bộ Công Thương cũng quy định bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trong 4 trường hợp sau: 1- Do có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát đươc. 2- Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện. 3- Do hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa sự an toàn của hệ thống điện. 4- Do sự kiện bất khả kháng.

Sau khi thực hiện ngừng, giảm khẩn cấp, bên bán điện xác định nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, thời gian dự kiến cấp điện trở lại và thông báo cho bên mua điện biết. Đồng thời, phối hợp với các bên có liên quan khẩn trương khắc phục các nguyên nhân dẫn đến ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp để cấp điện trở lại trong thời gian nhanh nhất.

Khi xảy ra sự cố nghiêm trọng dẫn đến phải thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trên diện rộng trong hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực bằng thư điện tử (e-mail) hoặc fax ngay sau khi xảy ra sự cố và bằng văn bản trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố.

Ngoài ra, đối với việc ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, việc cấp điện trở lại chỉ được tiến hành trong các trường hợp sau: Bên mua điện đã thực hiện đầy đủ quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đã chấm dứt hành vi vi phạm, đã tiến hành khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra và đã thanh toán đầy đủ chi phí. Hay thanh toán đầy đủ tiền nợ hoặc đã thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện các thỏa thuận khác trong hợp đồng mua bán điện và chi phí ngừng và cấp điện trở lại cho bên bán điện...

Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm giám sát chung việc thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện của các đơn vị điện lực theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2013.

Theo Hải Yến

khanhnt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên