Cần phân tích rõ những hạn chế trong kinh doanh xăng dầu
Phó Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá, phân tích rõ những điểm hạn chế, bất cập trong thi hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá, phân tích rõ những điểm hạn chế, bất cập trong thi hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để từ đó bổ sung quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập này.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá, phân tích rõ những điểm hạn chế, bất cập trong thi hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP như: vận hành của hệ thống đại lý kinh doanh xăng dầu; điều hành giá bán lẻ xăng dầu; việc tuân thủ quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu; sự cạnh tranh và thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu …
Trên cơ sở đó, bổ sung các quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để khắc phục những hạn chế, bất cập.
Đồng thời, để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Bộ Công Thương phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, phân tích kỹ về nguyên tắc điều hành giá bán lẻ xăng dầu: Tiếp tục thực hiện quy định thương nhân đầu mối điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong biên độ như pháp luật hiện hành; tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày; dự trữ lưu thông là 30 ngày (trong đó 20 ngày dự trữ theo yêu cầu của Nhà nước để bảo đảm an ninh năng lượng; 10 ngày dự trữ lưu thông bắt buộc của thương nhân); chu kỳ tính giá cơ sở.
Đồng thời, nghiên cứu, phân tích kỹ vấn đề thuế nhập khẩu xăng dầu tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; Việc thiết lập hệ thống phân phối xăng dầu gồm 2 hệ thống: 1- Hệ thống đại lý của thương nhân đầu mối (quan hệ theo phương thức đại lý như hiện hành); quy định tỷ lệ tối thiểu số lượng đại lý trong toàn hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối; 2- Hệ thống nhà phân phối của thương nhân đầu mối (quan hệ theo phương thức mua đứt bán đoạn và nhà phân phối được mua xăng dầu của nhiều đầu mối); có quy định quản lý chặt chẽ đối với hoạt động của đối tượng này;
Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan cũng cần nghiên cứu, phân tích kỹ về định hướng quy hoạch thương nhân nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu để nâng cao năng lực kinh doanh của thương nhân, đồng thời bảo đảm tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; Chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (kể cả rút vĩnh viễn giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện trong kinh doanh xăng dầu); Cơ chế khuyến khích việc kinh doanh, phân phối xăng sinh học E5.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2013.
Ngày 15/10/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo một số chuyên gia kinh tế, cái được của Nghị định 84/2009/NĐ-CP là kinh doanh xăng dầu đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường. Mục tiêu này là đúng đắn trong quản lý ngành hàng xăng dầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng xuất hiện những vướng mắc, cần được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập.
Theo Hà Phương