Châu Phi xuất ròng hay nhập ròng gỗ?
Châu Phi đã cung cấp nguyên liệu cho toàn thế giới từ hàng thế kỷ nay.
Cùng với vàng, kim
cương, bạch kim, quặng sắt, muối, đồng, than đá, chè, cà phê và gần đây là cả dầu và khí gas,
châu Phi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ với khối lượng lớn, chủ yếu dưới dạng gỗ
nhiệt đới tự nhiên và bột giấy.
Với xấp xỉ 180 triệu ha rừng nhiệt đới ở Vịnh Congo (rừng lớn thứ 2 thế giới sau Amazon) và diện tích lớn đất canh tác trên toàn cầu – khoảng một nửa đất canh tác chưa sử dụng trên toàn cầu thuộc về châu Phi – nhiều người tin rằng châu Phi tiềm năng sẽ lấp đầy khoảng trống giữa cung và cầu gỗ thế giới.
Tuy nhiên, những số liệu và phân tích mới nhất của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GFF) cho thấy châu Phi ngày càng trở thành thị trường nhập ròng sản phẩm gỗ, chứ không phải xuất khẩu ròng gỗ. Châu Phi bắt đầu lâm vào khủng hoảng cung gỗ, nhất là ở những khu dân cư đông đúc vùng duyên hải. Ngoài việc ảnh hưởng tới thị trường nội địa, xu hướng này sẽ có tác động lớn tới thị trường thế giới, bao gồm cả dòng chảy thương mại và giá cả.
Cung gỗ ngày càng thiếu bền vững
Châu Phi có 675 triệu ha rừng tự nhiên, tương đương 17% tổng diện tích đất. Hầu hết rừng tự nhiên ở châu Phi nằm ở những khu vực nhiệt đới của Vịnh Congo. GEF ước tính khoảng 93,5% tiêu thụ gỗ ở châu Phi, hay trên 650 triệu m3/năm, được cung cấp bởi các khu rừng tự nhiên này. Trong khi tỷ lệ tăng diện tích rừng tự nhiên ở châu Phi chỉ đủ để thay thế những diện tích thu hoạch hiện tại thì nhu cầu lại không ngừng tăng mạnh ở những khu vực đô thị hóa, nơi dân số tăng trưởng nhanh.
Tỷ lệ phá rừng và rừng xuống cấp – hiện khoảng 3,5 triệu ha mỗi năm – chắc chắn sẽ không giảm nhiều trong 2 thập kỷ tới. Như vậy, chắc chắn phần lớn gỗ nhiên liệu ở châu Phi sẽ được khai thác một cách không bền vững. Rừng sẽ tiếp tục bị chặt phá, nhất là ở những trung tâm đô thị ven biển.
Ước tính khoảng 250 triệu m3 sản lượng gỗ mỗi năm ở châu Phi (gần 30% tổng sản lượng) khai thác theo các biện pháp không bền vững. Con số thực tế sẽ còn cao hơn nữa. Xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ sẽ dẫn tới thiếu hụt gỗ và giá than củi cùng các sản phẩm gỗ khác tăng trong tương lai gần. GEF dự báo nhiều thành phố châu Phi sẽ bắt đầu thiếu gỗ trong vòng 10 năm tới.
Nhu cầu gỗ châu Phi sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn nguồn cung
Tiêu thụ gỗ xẻ ở châu Phi trong 50 năm qua tăng nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới bởi từ năm 2000 châu Phi đã trở thành khu vực có tăng trưởng kinh tế nhanh thứ 2 thế giới chỉ sau khu vực châu Á đang phát triển. GEF dự báo nhu cầu gỗ nhiên liệu và gỗ công nghiệp của châu Phi sẽ tăng trung bình 2,6% mỗi năm từ nay tới 2030. Tổng tiêu thụ gỗ dự báo sẽ tăng từ mức khoảng 700 triệu m3 hiện nay lên gần 1.200 triệu m3 vào năm 2030. Tăng trưởng nhu cầu 2,6% mỗi năm có thể không phải đặc biệt cao, tuy nhiên nếu so với mức cung gỗ trì trệ ở châu Phi thì bức tranh thị trường gỗ của châu lục này bắt đầu đáng báo động.
Trong số các sản
phẩm gỗ công nghiệp, nhu cầu giấy, sản phẩm đóng gói hàng hóa và tấm gỗ ở châu
Phi tăng nhanh hơn so với nhu cầu gỗ xẻ. Nhu cầu lâm sản châu Phi đặc biệt tăng
mạnh trong 12 năm qua, khi kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Xu hướng này sẽ còn tiếp
diễn.
Nghiên cứu mới đây của tập đoàn Indufor dự báo nhu cầu gỗ công nghiệp ở châu Phi sẽ tăng từ 75 triệu m3 năm 2010 lên 300 triệu m3 năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm 7,1%. Còn theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 653 triệu người dân châu Phi (hay khoảng 80% các hộ gia đình châu Phi) phụ thuộc vào gỗ nhiên liệu như nguồn năng lượng chính đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhu đun nấu và làm nóng (tính tới 2009). Ở các khu vực nông thôn, người dân chủ yếu sử dụng những cành cây nhỏ để làm củi.
Bởi than củi nhẹ hơn
gỗ nhiên liệu nên vận chuyển dễ dàng hơn, trong khi mang lại nhiệt lượng như
nhau, nên than củi thường được sử dụng làm năng lượng cho các khu vực đô thị. 10
tấn gỗ mới cho 1 tấn than củi. Ở châu Phi, tỷ lệ đô thị hóa trung bình khoảng
3% đến 4% mỗi năm, như vậy nhu cầu than củi cũng phải tăng trưởng với tốc độ
đó.
Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Âu mới đây cho biết ngành than củi chiếm tới 2%-3% GDP ở một số nước châu Phi, trong đó có Tanzania và Uganda. Và thực tế tiêu thụ than củi ở châu Phi có tỷ lệ tăng trung bình 3,3%/năm trong 50 năm qua. Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác của EU cho biết giá than củi ở Uganda đã tăng gấp 3 trong vòng 3 năm qua, còn Ngân hàng Thế giới (WB) thì cho biết giá cũng tăng tương tự ở Tanzania. Kết quả điều tra ở Ghana và Nigeria cũng cho thấy giá tăng mạnh.
Nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng nhanh để bù đắp khoảng trống
Nhập khẩu lâm sản vào châu Phi đã liên tục tăng trong những năm gần đây. Cho tới thời điểm này, phần thiếu hụt gỗ của các nước châu Phi vẫn được đáp ứng bởi các nước trong châu lục này nhờ nguồn rừng tự nhiên dồi dào. Tuy nhiên, trong những thập kỷ tới châu Phi sẽ phải tìm tới gỗ công nghiệp nhập từ các châu lục khác.
Châu Phi có ít cơ hội để tăng cường cung cấp
gỗ xuất khẩu cho các cường quốc kinh tế châu Á, như Trung Quốc và Ấn Độ, hay cho
châu Âu, cả vì mục đích sản xuất gỗ ép cũng như các ứng dụng khác trong 2 thập kỷ
khác. Giá gỗ tại châu Phi và thế giới sẽ vì thế tăng theo.
Vân Chi