MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chê xăng sinh học nên cồn cũng tiêu

29-09-2015 - 08:11 AM |

Ngành sản xuất cồn để pha chế xăng sinh học có nguy cơ bị khai tử.

Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cho biết hiện tại Việt Nam có bảy nhà máy sản xuất cồn ethanol để pha chế xăng sinh học E5 với tổng công suất đạt 500 triệu lít và có thể pha được khoảng 10.000 triệu lít xăng sinh học E5. Do vậy không lo thiếu cồn ethanol để sản xuất xăng sinh học.

Tồn kho nhiều

Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Vũ Kiên Chỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà máy cồn Tùng Lâm, nói nhà máy có công suất 200 tấn ethanol/ngày, nếu chạy hết công suất đạt sản lượng 6.000 tấn ethanol/tháng. Sản xuất ra nhiều nhưng có điều hai “ông lớn” xăng dầu là Petrolimex và Saigon Petro mới chỉ nhập 100 tấn/tháng để pha chế xăng E5.

Điều này dẫn đến lượng cồn ethanol tồn kho rất nhiều, trong đó riêng nhà máy Tùng Lâm khoảng 3.000 tấn. Nếu chỉ dùng 3% con số trên đã pha được khoảng 60.000 tấn xăng E5.

“Mặt khác, với việc Nhà máy sản xuất cồn Dung Quất từ tháng 11 trở đi bắt đầu hoạt động, có thể đảm bảo nguồn ethanol cung ứng cho Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung. Với sự hợp tác của các nhà máy, ethanol dùng làm nguyên liệu pha xăng E5 là dồi dào” - ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, khẳng định.

Các doanh nghiệp phân phối xăng cũng nhìn nhận nguồn cung xăng sinh học E5 không thiếu, vấn đề là người dùng chưa mặn mà với loại xăng này. Chị Nguyễn Thị Yến Xuân, nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ có nghe nói đến xăng sinh học nhưng lại không biết gì về lợi ích của loại xăng trên.

“Tôi cũng không hiểu rõ xăng sinh học có khác gì với xăng A92, A95 hay không nên không dám mua” - chị Xuân bộc bạch.

Đóng cửa, phá sản

Theo một số chuyên gia, xăng sinh học E5 vốn là loại xăng A92 pha với 5% cồn ethanol và được bán chính thức tại Việt Nam từ năm 2010. Có điều đến nay người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm đến loại xăng này.

Lý do là giá xăng E5 không thực sự cạnh tranh so với xăng truyền thống, cộng thêm tâm lý e ngại của người tiêu dùng khi cho rằng dùng loại xăng này có thể làm hỏng động cơ xe. Thêm vào đó, xăng sinh học chưa được tiêu thụ nhiều do các kênh phân phối chưa rộng khắp. Đây là nguyên nhân chính khiến các nhà máy sản xuất cồn để pha chế xăng sinh học rơi vào “cửa tử”.

“Hiện ở Việt Nam có bảy nhà máy sản xuất cồn nhưng chỉ có một vài nhà máy hoạt động ổn định. Số còn lại sản xuất thua lỗ nên đành phải tạm đóng cửa, tạm dừng sản xuất hoặc phá sản như Nhà máy cồn Đồng Xanh. Ngành sản xuất ethanol non trẻ của Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD sẽ chết yểu nếu việc thực hiện phổ cập xăng E5 không thực hiện được” - đại diện Hiệp hội Nhiên liệu sinh học lo lắng.

Không cạnh tranh nổi với cồn của Mỹ

Bán trong nước không được, các doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh với các nước, nhất là với cồn của Mỹ và Brazil. Điều này càng khiến các nhà máy sản xuất cồn lao đao.

Ông Chỉnh phân tích, do giá sắn (nguyên liệu để sản xuất cồn) tại Việt Nam rất cao đẩy giá thành sản xuất cồn ethanol Việt Nam tăng, không thể cạnh tranh khi xuất khẩu sang các thị trường khác.

Trước tình hình bi đát này, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học vừa kiến nghị Chính phủ cần phải quy hoạch các vùng nguyên liệu sắn có năng suất cao, giá thành hạ để nhà sản xuất và nông dân đều có lãi. Bởi nếu không có vùng nguyên liệu, các nhà máy dựa vào thu mua trôi nổi từ dân hoặc các thương lái theo mùa vụ… nên không ổn định về nguyên liệu, giá cả, chất lượng và số lượng. “Đặc biệt là cần có chính sách thuế hợp lý để hạn chế xuất khẩu sắn tươi sang Trung Quốc” - hiệp hội kiến nghị .

 

Sắp tiêu thụ xăng E5 trên toàn quốc

Chính phủ đã phê duyệt về lộ trình đối với xăng sinh học E5. Theo đó, từ ngày 1-12-2014 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ tại các tỉnh, thành là: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu… Từ ngày 1-12-2015 tiêu thụ xăng E5 trên toàn quốc.

Trong khi đó, Sở Công Thương TP.HCM có kế hoạch đến ngày 30-11-2015 phấn đấu đưa 514 cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM (100%) bán xăng sinh học E5.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không muốn nêu tên cho biết lượng xăng sinh học tiêu thụ rất hạn chế. Ví dụ: Một cửa hàng xăng có sáu trụ bơm, trung bình một ngày bán ra khoảng 16.000 lít xăng các loại, trong đó xăng E5 chỉ chiếm 1/8 sản lượng.

Đại diện Saigon Petro cho hay hầu hết các tổng đại lý, đại lý bán xăng chưa quan tâm nhiều đến bán xăng E5. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ loại xăng này quá ít nên kinh doanh không hiệu quả. Một số doanh nghiệp có bán xăng E5 cũng phản ánh bán loại xăng trên bị lỗ, vì vậy kiến nghị Nhà nước xem xét có chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 là 2.500 đồng/lít, giảm 500 đồng/lít so với xăng Ron 92. Điều này sẽ giúp E5 thấp hơn xăng 95 khoảng 1.000 đồng/lít. Với mức chênh lệch giá này có thể khuyến khích người dùng sử dụng xăng sinh học. Đồng thời Nhà nước nên có biện pháp bắt buộc 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ kinh doanh xăng E5 và không bán xăng A92.

 

 

Theo TÚ UYÊN

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên