MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau lòng với giá xăng

21-07-2014 - 14:52 PM |

Vận tải là mạch máu của nền kinh tế nên các cơ quan quản lý phải tính toán tác động và sức chịu đựng của DN trước khi quyết định điều chỉnh giá, nếu không muốn kinh tế rơi vào khủng hoảng hơn.

Hết cửa làm ăn

Liên tiếp các chính sách về phí đường bộ, quản chặt tải trọng rồi gần đây là tăng giá xăng dầu khiến DN vận tải hết cửa kinh doanh, nhưng thực tế chính các DN sản xuất và người tiêu dùng mới là đối tượng chịu trận sau cùng. Trao đổi với phóng viên TBNH, hầu hết các DN vận tải đều bức xúc về việc giá xăng dầu lại tăng hôm 7/7. “Tăng gì mà cao quá!”, ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Trung Toàn, nói.

Theo ông Sơn, trung bình mỗi tháng, một xe chở container của DN chạy 2 chuyến đường dài Bắc - Nam, trung bình mỗi xe tiêu thụ khoảng 33 - 35 lít xăng/100km. Như vậy, với mức tăng 740 đồng/lít xăng trong hai lần gần đây nhất, công ty của ông Sơn phải bù lỗ cho mỗi xe tổng cộng khoảng 2,5 triệu đồng. “Với 12 chiếc xe, hiện mỗi chuyến công ty phải gánh hơn 30 triệu đồng chi phí. Trong khi hợp đồng chúng tôi đã ký từ đầu năm nên không thể thay đổi giá cước”, ông Sơn than thở.

Cùng chung suy nghĩ này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Nam bức xúc, không biết dựa vào cơ sở nào mà giá xăng tăng như thế làm DN chẳng biết kiếm đâu ra lợi nhuận để bù đắp. Và vì các DN vận tải khó làm ăn, hàng hóa sẽ kém lưu thông dẫn đến tồn kho nhiều. Hậu quả là các nhà máy phải giảm sản lượng, công nhân giãn việc, nền kinh tế thêm đình đốn.

Trong khi chi phí sản xuất, chi phí xã hội tăng lên như vậy, sản lượng nền kinh tế thấp khiến năng suất càng thấp hơn. Đó mới chính là bản chất kém hiệu quả mà nền kinh tế Việt Nam đang thể hiện.

Hiện nay, một ô tô phải gánh 9 loại thuế và phí, gồm: thuế nhập khẩu ôtô, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu (nay là thuế môi trường), phí kiểm định, phí bảo hiểm, phí sử dụng đường bộ. Đó là một gánh nặng lớn lên các DN vận tải nói chung và toàn xã hội nói riêng, bởi đây chính là một trong những lý do buộc các DN vận tải phải tăng giá cước và khi giá cước vận tải tăng sẽ có phản ứng dây chuyền lên giá cả dịch vụ nói chung và chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế. Do vậy, việc tăng giá xăng dầu cấp tập như vừa qua có thể đẩy các DN vận tải đến bờ vực phá sản.

Nhưng, không chỉ các DN vận tải lo lắng, các DN hàng tiêu dùng cũng “sốt vó” trước thông tin về giá xăng tăng. Ông Lê Phạm Thanh Tâm, Công ty TNHH Giày dép Letas cho hay, chi phí cho vận tải trong kinh doanh hàng hóa - đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng - ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân rất lớn.

Việc tăng giá xăng chắc chắn sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế bởi không chỉ làm tăng giá vận tải mà còn gây hiệu ứng tăng giá dây chuyền kéo theo đó. Khi giá cả các mặt hàng bị đội lên, người dân có thể tiếp tục thắt chặt chi tiêu… “Tôi lo ngại nhất là sự trì trệ của nền kinh tế do tác động dây chuyền của hiệu ứng này, từ sản xuất đến tiêu dùng”, ông Tâm nhấn mạnh.

Bất hợp lý, thiếu công bằng

Với nhiều nhà phân tích kinh tế, doanh số và sản lượng hàng hóa vận tải là chỉ báo quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây hoạt động của các DN vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế. Trong đó, một phần nguyên nhân cũng do chi phí đầu vào liên tục tăng mà chi phí đầu ra không thể thay đổi.

Thời buổi khó khăn, nhà xe phải chiều khách, với giá cước ký theo hợp đồng thường phải đảm bảo duy trì ổn định ngay từ đầu năm. Theo tính toán, chi phí nguyên liệu chiếm tới 40-50% giá thành vận tải nên nhiều DN bày tỏ, giá xăng tăng lên sẽ khiến họ có thể phải giảm quy mô hoạt động, thậm chí là giải thể.

Đề xuất với bộ chủ quản, ông Hoàng cho rằng, các cơ quan này cần xem xét điều chỉnh tăng giá xăng theo lộ trình 1 năm, 6 tháng hoặc 3 tháng, chứ đừng điều chỉnh tăng “giật cục”. Điều đó là không phù hợp với hoạt động kinh tế hiện nay của đa số DN, vô hình trung đẩy họ vào hoàn cảnh muốn xin tăng giá cũng khó.

Kết quả là khiến nhiều DN lao đao. Còn ông Sơn thì quan ngại rằng, khi chi phí đầu vào tăng cao thì các DN vận tải đang phải co cụm lại. DN còn hoạt động thì phải tăng phí. Khi đó, giá cả các mặt hàng bị đội lên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Nhiều chuyên gia nhận định, do vận tải là mạch máu của nền kinh tế nên các cơ quan quản lý phải tính toán tác động và sức chịu đựng của DN trước khi quyết định điều chỉnh giá, nếu không muốn kinh tế rơi vào khủng hoảng hơn. DN cần những quyết sách minh bạch, hợp lý và phải đứng về phía đại bộ phận của cộng đồng DN chứ không phải về phía một vài DN, lợi ích nhóm.

Tất nhiên, điều chỉnh giá theo thị trường là tốt, nhưng nền sản xuất, nơi mà các DN trong nước coi là thị trường của mình có lớn hơn thị trường xăng dầu, nơi chỉ một nhóm nhỏ DN kinh doanh và áp đặt luật chơi?

Nhiều chuyên gia cũng phân tích thêm, khi mà các loại thuế đóng cho ngân sách đánh vào tỷ lệ phần trăm trong giá xăng dầu, nếu chủ trương của Nhà nước là hỗ trợ DN, thì việc tự động tăng thu cho ngân sách như vậy dường như đi ngược lại chủ trương? Sự tuân thủ cứng nhắc đó, ít nhất đứng từ phía các DN đang vật lộn với khó khăn, từ phía người dân đang phải tiết giảm chi tiêu thực sự có công bằng?...

Ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa: Tăng giá bất thường đẩy DN đến phá sản

Hiện Taxi Tiên Sa có 350 đầu xe các loại. Tính trung bình mỗi ngày một xe chạy 200km và mất 20 lít xăng thì trong hai lần xăng tăng giá gần đây nhất, mỗi ngày DN mất thêm chi phí hơn 5 triệu đồng, mỗi tháng mất hơn 150 triệu đồng. Do giá cước taxi không thể tăng vì có mặt bằng chung nên hệ quả là DN phải bù lỗ 150 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản khác.

Về lâu về dài, trong trường hợp nếu được tăng giá cước thì DN cũng phải gánh thêm khó khăn bởi muốn điều chỉnh giá cước cần phải đệ đơn xin tăng giá (khoảng 10 ngày); phải điều chỉnh đồng hồ, thay đổi bảng giá cước, hóa đơn…

Tiếp đó, DN phải chờ cơ quan chức năng đến dán tem và trong lúc đó phải dừng toàn bộ xe để điều chỉnh cước đồng hồ. Khoảng thời gian này, DN vẫn phải hoạt động với giá cước cũ nên xe chạy thì sẽ phát sinh lỗ...

Hiện nay, mỗi phương tiện ô tô kinh doanh phải gánh trên mình gần chục loại thuế, phí… Đây là gánh nặng rất lớn trên vai các DN kinh doanh dịch vụ vận tải nói chung và toàn xã hội nói riêng. Bởi đây chính là một trong những lý do buộc các DN vận tải phải tăng giá cước và khi giá cước vận tải tăng sẽ có phản ứng dây chuyền như chỉ số giá tiêu dùng, giá dịch vụ… tăng theo. Do vậy, việc tăng giá xăng dầu cần phải có lộ trình nhất định, tăng bất thường sẽ đẩy các DN vận tải đến bờ vực phá sản.

Ông Lý Đình Quân, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DNNVV (DATADC) trực thuộc Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng: Cần chính sách giảm chi phí cho DN

Trong 6 tháng đầu năm 2014, giá xăng tăng 5 lần liên tục ảnh hưởng lớn đến các DN, đặc biệt là các DN vận tải, DN sản xuất và thậm chí là ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng. Hiện tại, các DN dân doanh đang gặp khó toàn diện, nhất là về thị trường.

Trong khi đó, giá xăng dầu tăng làm chi phí đầu vào tiếp tục tăng và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dẫn đến hiệu quả kinh doanh ngày càng giảm, niềm tin của DN về triển vọng phát triển và cơ hội đầu tư mở rộng kinh doanh cũng đang có xu hướng giảm mạnh. Trong đó, có nguyên nhân về khả năng cạnh tranh của khối DN trong nước. Những yếu tố này rõ ràng về dài hạn sẽ không tốt cho DN và nền kinh tế.

Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách đột phá giảm chi phí đầu vào cho DN trong lúc khó khăn này, hỗ trợ nhiều hơn về cơ chế chính sách như giảm thuế, minh bạch các chính sách về chi phí, đặc biệt cho khối DN dân doanh thì chúng ta mới tạo được nội lực tốt cho nền kinh tế làm nền tảng phát triển ổn định và bền vững.

Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép DANA – Ý: Giảm cạnh tranh vì tăng giá xăng dầu

Nếu theo giá phôi thép nhập khẩu hiện nay ở mức 1.130 - 1.150 USD/tấn thì giá xuất xưởng sản phẩm sắt thép của các DN sẽ khoảng 20 triệu đồng/tấn, đã bao gồm cả thuế VAT. Tuy nhiên, với giá xăng dầu tăng như thời gian vừa qua thì ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của ngành thép, có thể giá sẽ tăng thêm khoảng 140.000 đồng/tấn trong thời gian tới. Bởi, chi phí vận chuyển của ngành sắt thép chiếm một phần không nhỏ trong việc cấu thành giá thành sản phẩm. 

Do đó, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục trong những tháng qua làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN sản xuất sắt thép trong nước, vốn đã đối diện với nhiều khó khăn trong suốt một thời gian dài.

Hiện nay, để khắc phục thế khó, một số DN đã chuyển sang phương thức vận chuyển đường biển để giảm chi phí. Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh cũng đang gặp khó bởi năng lực các cảng biển chưa đáp ứng được nhu cầu, nên nhiều nơi đã có hiện tượng ùn ứ hàng tại cảng…

Có thể khẳng định, các DN ngành thép đang ở thế khó, xăng dầu tăng giá khiến DN phát sinh thêm chi phí đầu vào. Yếu tố này sẽ tái diễn một hiện tượng là DN khó có thể tái đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, công nghệ hiện đại… Bởi tăng chi phí, thặng dư của DN sẽ không còn thì lấy gì tái đầu tư. Trong khi thị trường thì cạnh tranh gay gắt giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, nhất là sắt thép có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ông Lê Viết Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng: Liên đới tăng rủi ro vận tải hành khách

Là DN luôn gắn kết với các DN vận tải, chủ phương tiện xe khách, tôi rất hiểu hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của đối tác. Có thể nói, việc tăng giá xăng dầu trong thời điểm nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét dẫn đến lợi bất cập hại. Các DN vận tải hiện phải tuân thủ hàng chục loại thuế, phí trên mỗi đầu xe.

Thêm vào đó, giá xăng dầu cứ liên tục “nhảy múa” khiến DN vận tải hành khách khó có thể hoạt động ổn định. Trong khi, xăng dầu tăng giá nhưng nhà xe khó có thể tăng thêm giá cước, bởi khi tăng giá cước phát sinh hàng loạt các chi phí như: in lại vé, thay bảng hiệu cước phí, phải điều chỉnh đồng hồ đối với taxi, hóa đơn… Chưa kể, DN cần phải đệ đơn xin tăng giá, rất bất cập và phiền hà.

Tuy thế DN vận tải hành khách vẫn phải hoạt động. Điều này dẫn đến nhiều yếu tố rủi ro và nguy hại cho cộng đồng xã hội. Bởi tình cảnh như vậy, các DN không thể đầu tư phương tiện mới, mà phương tiện cũ kỹ thì không đảm bảo an toàn giao thông...

Chưa nói đến việc, vì sao vào các dịp lễ, tết thường bị “cháy” phương tiện vận tải hành khách, tai nạn giao thông về xe khách tăng cao hơn ngày thường là do chính những yếu tố trên tác động. DN không đầu tư phương tiện mới, lấy đâu ra để đáp ứng năng lực vận tải hành khách khi có nhu cầu đột biến.

Để giải quyết lượng khách có nhu cầu đi lại, các DN buộc phải tăng chuyến, chạy nhanh… dễ dẫn đến tai nạn, rủi ro là điều tất yếu...

Giá xăng dầu vẫn cứ “lỗi nhịp”


Theo Hàn Giang

khanhnt

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên