MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dầu thô về mức đáy năm 2008, giá bán lẻ vẫn ‘ngất ngưởng’

26-08-2015 - 10:52 AM |

Giá dầu thô thế giới đã tuột mốc 40 USD/thùng, tức là bằng với giá ở thời điểm cuối năm 2008. Tuy nhiên, khi đó giá bán lẻ xăng dầu trong nước rẻ hơn hiện nay rất nhiều (xăng A92 chỉ 11.000đ/lít. Tại sao có sự chênh lệch quá lớn như vậy?

Nhìn bảng tính giá cơ sở của Hiệp hội Xăng dầu thì giá bán lẻ các thành phẩm xăng dầu so với giá cơ sở không có nhiều chênh lệch, có nghĩa mức giá đã tiệm cận giá gốc sau khi đã trừ các khoản thuế, phí. Tuy nhiên, dù giá dầu thô thế giới hiện đã xuống dưới mức 40 USD/thùng, tương đương với mức giá dầu thô hồi tháng 12-2008 nhưng khi đó giá xăng dầu bán lẻ trong nước xuống mức rất thấp, xăng A92 chỉ còn 11.000 đồng/lít, trong khi hiện nay xăng A92 vẫn găm ở mức rất cao (18.536 đồng/lít). Tại sao giá xăng dầu thế giới giảm cực mạnh nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước không giảm về mức tương ứng?

Thứ nhất, nhìn biểu thuế, phí để ra giá thành phẩm, xăng dầu phải cõng tới 7 loại thuế, phí, bao gồm: 4 thuế (tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, giá trị gia tăng, môi trường), 3 phí (chi phí định mức, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn). Tại thời điểm ngày 18/8 (thời điểm tính giá cơ sở để giảm giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày), giá nhập khẩu mỗi lít xăng A92 về Việt Nam là 9.272 đồng, tuy nhiên giá cơ sở (sau khi đã cộng 7 khoản thuế, phí), mức giá này đội lên gấp đôi, tới 18.536 đồng/lít. Nhìn vào bảng tính như vậy, mức giá bán lẻ xăng A92 hiện hành ở 18.536 đồng/lít cũng vừa bằng giá cơ sở, tức là doanh nghiệp đã trừ về mức chạm đáy, không còn lợi nhuận nào ngoài các khoản định mức.

Nếu xét như vậy thì kinh doanh xăng dầu không phải siêu lợi nhuận như dư luận vẫn bàn tán? Tuy nhiên, thực tế dù giá xăng dầu ở mức nào, cao hay thấp thì doanh nghiệp cũng đã được cộng hai khoản chi phí và lợi nhuận, gồm 1.050 đồng/lít xăng cho chi phí định mức và 300 đồng/lít lợi nhuận định mức. Mỗi ngày, các doanh nghiệp xăng dầu bán ra bình quân 37,5 triệu lít xăng dầu, tương ứng với con số 11,25 tỷ lợi nhuận định mức. Cùng với đó, với 1.050 đồng chi phí định mức cho mỗi lít xăng dầu, vị chi mỗi ngày số chi phí này đã lên tới gần 40 tỷ đồng.

Trong chi phí định mức đã bao gồm các khoản như phí bến bãi, lưu kho, chuyên chở và thực tế, các doanh nghiệp cũng đã có “hoa hồng” trích từ khoản định mức rất lớn này. Còn với 11,25 tỷ đồng lợi nhuận định mức mỗi ngày, doanh nghiệp đương nhiên bỏ túi mà không phải tính trừ khoản nào cả.

Đương nhiên, đã kinh doanh phải có lợi nhuận, nhưng trong kinh doanh xăng dầu thì có điểm rất khác lạ: dù giá cao hay giá thấp, bất luận hoàn cảnh nào, doanh nghiệp xăng dầu cũng đều được “ôm” hai khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức, tức là bất kể lúc nào cũng lãi, cũng có lợi nhuận. Người tiêu dùng phải gánh tới gần 1.500 đồng mỗi lít xăng dầu cho hai cái gọi là chi phí nói trên, thực là một gánh nặng.

Điểm thứ hai, việc “gồng gánh” quá nhiều khoản thuế khiến xăng dầu khó hạ xuống thấp. Năm 2008, khi dầu thô xuống thấp, Nhà nước đánh thuế nhập khẩu kịch trần (40%), còn hiện nay vẫn đang ở mức 20%. Tuy nhiên, riêng khoản thuế môi trường 3.000 đồng cho mỗi lít xăng thì cộng cả thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, tổng 4 loại thuế đã lên đến 7.613 đồng (mỗi lít xăng A92). 

Nếu tính riêng thuế nhập khẩu với thuế bảo vệ môi trường đã ở mức 4.830 đồng/lít xăng A92, trong khi nếu áp mức thuế nhập khẩu 40% như năm 2008 mà không phải chịu thuế môi trường thì mỗi lít xăng cũng chỉ hơn 3.000 đồng tiền thuế. Việc “cõng” tới 3.000 đồng/lít xăng cho thuế bảo vệ môi trường cũng chính là nguyên do đẩy giá xăng lên cao, dù cơ quan quản lý cho rằng không ảnh hưởng khi đã hạ thuế nhập khẩu.

Điểm thứ ba ảnh hưởng đến giá xăng dầu hiện nay so năm 2008 chính là tỷ giá đô la Mỹ. Tỷ giá đô la Mỹ hiện nay xấp xỉ 22.000 đồng/USD, trong khi năm 2008 khoảng 17.000 đồng/USD, tức tăng khoảng 23%.  Chưa kể, quỹ bình ổn vẫn đều đặn “bóc” từ 300 đến 800 đồng mỗi lít xăng dầu, dù thực tế quỹ đó có thực sự đạt được mục đích bình ổn như tên gọi của nó hay không vẫn là vấn đề cần phải làm rõ.

Ba điểm trên khiến xăng dầu hiện hành đang neo giá cao dù mức giá dầu thô trên thị trường thế giới đã chạm đáy trong hơn 6 năm qua, và buộc chúng ta vẫn phải chấp nhận một nghịch lý: Trước đây, dầu thô thế giới chạm 40 USD/thùng thì người dân đi mua xăng A92 chỉ 11.000 đồng/lít, còn bây giờ dầu thô cũng 40 USD/thùng thì xăng A92 lại cao ngất ngưởng, trên 18.000 đồng/lít. Trong ba điểm khó trên, theo chúng tôi, việc chúng ta neo 4 loại thuế chính là nguyên do lớn nhất và đây là kênh để Nhà nước tăng thu ngân sách khi giá dầu thô xuống đáy.

Theo tính toán, giá dầu thô xuống 1 USD/thùng thì Nhà nước hụt 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Nếu tính toán mức giá dầu thô năm 2015 ở ngưỡng 60-70 USD/thùng thì hiện mức giảm cũng đã lên tới 20-30 nghìn tỷ đồng. Thực tế, khi giá dầu hạ thấp thì Nhà nước thường tăng thuế nhập khẩu, chạm trần là 40%. Nay, khi thuế môi trường đã ấn định mức 3.000 đồng mỗi lít xăng thì thuế nhập khẩu chỉ ở mức trung bình là hợp lý.

Để giảm giá bán lẻ xăng dầu, cần tính toán lại mức trích hai loại phí lợi nhuận định mức và chi phí định mức. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp đã có lãi trong khoản chi phí định mức, do đó không nên “đẻ” thêm khoản lợi nhuận định mức như hiện hành. Thứ hai, cần xem lại quỹ bình ổn vì giá xăng dầu đang ở chu kỳ giảm tới 6 năm nay, không có đột biến như trước 2008 để phải dùng quỹ bình ổn.

Đài CNN (Mỹ) dẫn lời chuyên gia quản lý tiền tệ cao cấp David Kotok, đồng sáng lập Công ty quản lý Cumberland Advisors, cho biết, giá dầu thô có thể giảm xuống còn 20 USD, thậm chí 15 USD/thùng, vì hiện tại, giá dầu thô vẫn chưa chạm đáy. Mức 15 USD/thùng như lời ông Kotok nói nghe có vẻ lạ lùng nhưng một số loại dầu thô ở các nước đang tiệm cận mức đó, như dầu thô ở Tây Canada đang giao dịch quanh con số 20 USD/thùng.

Tuy nhiên, dự đoán giá dầu thô vẫn là điều quá khó với các chuyên gia, nhà đầu tư.  Với doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam, giá dầu xuống thấp là cơ hội lớn để thúc đẩy sản xuất khi nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí cấu thành. Về mặt vĩ mô, xăng dầu mức thấp là điều kiện để giữ chỉ số giá tiêu dùng ổn định. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tháo gỡ được các rào cản nói trên thì dù giá dầu có tiếp tục xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới, giá bán lẻ vẫn chỉ giảm “nhỏ giọt”. Trong khi đó, thất thu từ dầu thô thâm hụt lại là bài toán khó cho ngân quỹ Nhà nước.

Ngày 25/8/2015, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York giảm 2,21 USD/thùng, tương đương giảm 5,5%, còn 38,24 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Trong phiên giao dịch, có thời điểm giá dầu ngọt nhẹ giảm còn 37,75 USD/thùng. Theo giới chuyên gia, giá dầu đang đương đầu áp lực giảm khốc liệt từ nỗi lo của giới đầu tư về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng. So với một năm trước, dầu WTI mất giá tới 60% do bất ổn của tình hình kinh tế toàn cầu thời gian gần đây, sau khi duy trì ở mức khá ổn định hồi đầu năm.

 

Theo Đăng Minh

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên