MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất giải pháp chống xuất lậu khoáng sản

04-07-2013 - 15:05 PM |

Thời gian qua, tình hình xuất lậu khoáng sản và gian lận thương mại trong XK khoáng sản, đặc biệt là mặt hàng quặng sắt, diễn biến rất phức tạp, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 127 T.Ư đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp đẩy mạnh kiểm tra và ngăn chặn, xử lí kịp thời hành vi khai thác trái phép, xuất lậu khoáng sản.

Giá cao “hút” buôn lậu

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, qua tính toán sơ bộ thì số lượng quặng sắt xuất lậu năm 2011-2012 dự tính là 3,27 triệu tấn, thất thu cho ngân sách Nhà nước 3.560 tỉ đồng. Theo tìm hiểu của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2011, giá thu mua quặng sắt của phía đối tác Trung Quốc cao hơn so với giá bán nội địa là 54 USD/tấn và năm 2012, giá chênh lệch là 46 USD/tấn.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng xuất lậu quặng sắt thời gian qua, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 127 T.Ư cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do phía nước bạn rất coi trọng việc thu hút nguồn khoáng sản của các nước láng giềng, có chính sách thu mua khoáng sản linh hoạt, giá cao, hấp dẫn người dân, trong khi đó giá bán quặng tại nội địa Việt Nam lại có sự chênh lệch lớn so với giá XK. Do đó vô hình trung đã khuyến khích việc gian lận thương mại và xuất lậu khoáng sản.

Một nguyên nhân khác là do công tác quản lí Nhà nước trong thời gian qua đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và XK khoáng sản còn hạn chế. Công tác kiểm tra tình hình khai thác, kinh doanh và XK khoáng sản thời gian qua đã được tăng cường, tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về nhân lực, thời gian và địa bàn trải rộng nên việc kiểm tra chỉ tập trung vào một số khu vực, điểm nóng, không thường xuyên và liên tục.

Trong khi đó, việc đầu tư chế biến sâu khoáng sản trong nước còn hạn chế và chưa đạt tiến độ theo quy hoạch do cơ chế, chính sách khuyến khích và chế tài chưa đủ mạnh, DN còn thiếu vốn và công nghệ. Công suất thiết kế các mỏ quặng sắt đã cấp phép khai thác hiện nay khoảng 4,5 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu quặng sắt trong nước, vì vậy lượng tồn kho lớn. Chủ trương của Chính phủ không cho XK quặng sắt cùng với thuế XK quặng sắt áp dụng ở mức cao nhất (40%) trong bối cảnh quặng sắt tồn kho lớn cũng là nguyên nhân thúc đẩy việc xuất lậu và gian lận thương mại.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, một nguyên nhân khác cũng có tác động lớn đối với tình trạng xuất lậu khoáng sản thời gian qua là do đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn một bộ phận người dân tộc giáp ranh lấy việc thu gom khoáng sản để xuất lậu hoặc bán cho đầu nậu xuất lậu sang Trung Quốc là nguồn sống chủ yếu.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khoáng sản chưa đồng bộ với việc giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân biên giới, vì vậy hiệu quả của công tác giáo dục và ngăn chặn xuất lậu khoáng sản đối với người dân vùng biên còn hạn chế. Mặt khác, cũng do biên giới dài, rộng, trong khi lực lượng chức năng hiện vẫn còn mỏng, trang bị thiếu, do đó không thể ngăn chặn được hết.

Cần cơ chế “mở” cho XK khoáng sản?

Trước thực trạng xuất lậu khoáng sản hiện nay, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 127 T.Ư vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép XK một số loại khoáng sản tồn kho của năm 2012, trong đó có quặng sắt do hiện nay quặng sắt có lượng tồn kho lớn. Nếu được phép XK thì sẽ tháo gỡ được khó khăn cho DN khai khoáng mà còn giảm thiểu được việc xuất lậu khoáng sản, tăng thu ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các DN khai khoáng căn cứ nhu cầu tiêu thụ thực tế trong nước về khoáng sản để quyết định kế hoạch khai thác năm 2013, chỉ khai thác với sản lượng đáp ứng nhu cầu trong nước theo các địa chỉ cụ thể, không để tái diễn tình trạng tồn kho khoáng sản như thời gian qua.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 127 T.Ư cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo 127 các địa phương có hoạt động liên quan đến XK khoáng sản khẩn trương triển khai ngay các biện pháp kiểm tra và ngăn chặn có hiệu quả việc xuất lậu và gian lận thương mại trong XK khoáng sản.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2012, các đơn vị trong toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ 4.354 tấn than và 733 tấn quặng các loại. Chỉ tính riêng Hải đội Kiểm soát trên biển Khu vực miền Bắc (Hải đội 1)-Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ, thu giữ 3.298 tấn than, quặng các loại, trị giá hàng vi phạm ước tính trên 3,4 tỉ đồng. Thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm 2013, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 3.487 tấn than và trên 6,4 tấn quặng các loại.


Tang vật thu giữ được chủ yếu là các loại than, khoáng sản không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giả mạo hồ sơ chứng từ, sử dụng giấy phép đã hết hiệu lực để xuất khẩu khoáng sản không đủ điều kiện tiêu chuẩn hàm lượng, không khai báo hải quan đối với những loại khoáng sản có giá trị kinh tế lớn để xuất cùng với những loại khoáng sản có giá trị thấp đã được khai báo hải quan...

Theo Thịnh Hưng

khanhnt

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên