MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điêu đứng với giá gas

02-12-2013 - 07:52 AM |

Giá gas tăng với mức cao khiến nhiều người tiêu dùng điêu đứng. Có ý kiến cho rằng việc này có biểu hiện của "độc quyền tập thể". Cục Quản lý cạnh tranh cần vào cuộc điều tra.

Giá gas tháng 12 bất ngờ tăng vọt lên gần 500.000 đồng/bình 12 kg, đây là mức tăng kỷ lục cao nhất trong năm nay. Người tiêu dùng một lần nữa “méo mặt” chịu thiệt thòi, trong khi đó các đại lý hưởng lợi.

Giật mình vì giá gas tăng sốc

“Tôi thật không ngờ sáng nay (1-12) đọc báo thấy đăng giá gas, tăng gì mà tăng đến gần 80.000 đồng/bình, tính ra giá bán một bình trên dưới 500.000 đồng chứ ít gì. Bình thường đã phải tằn tiện lắm mà bây giờ giá gas lại lên nữa thì không biết tính sao. Giải pháp tạm thời là tôi mua một chiếc bếp hồng ngoại giá 700.000 đồng để xài tạm” - đó là chia sẻ của chị NTTAnh (quận Tân Phú).

Cùng tâm trạng trên, chị H. (quận Tân Bình, là nhân viên của công ty may tư nhân) than thở cách đây bốn ngày, đại lý gọi điện thoại báo giá gas sắp lên cao chừng 65.000 đồng/bình nên chị định mua về trước cho đỡ bớt chi phí. Đang phân vân vì chưa biết bình gas nhà còn nhiều hay không? Trưa nay nhà chị kêu gas thì nghe lên đến 80.000 đồng/bình. Quá bất ngờ và lo lắng vì không biết giá gas có còn cao hơn không, thế nhưng bấm bụng bỏ ra số tiền không nhỏ để mua gas thì quả là chuyện khó nghĩ, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.

Hay anh H. - chủ quán ăn (quận Tân Bình) cho hay vì nấu nướng buôn bán thường xuyên nên phải dùng gas. Nhưng hôm nay đúng lúc kêu gas mang đến thì mới biết giá tăng khủng khiếp như vậy. Bây giờ có lẽ phải giảm bớt một bình và dùng than đá, nếu cứ sử dụng gas như hiện nay thì anh kinh doanh chỉ huề vốn là cùng.

Ai hưởng lợi nhiều nhất?

Một chủ cửa hàng gas (Tân Bình) cho hay mặc dù mới ngày đầu tiên giá gas tăng chưa phản ánh được hết sức tiêu thụ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm hồi năm 2012, khi giá gas cũng tăng gần 500.000 đồng/bình thì lượng khách giảm đến 30%, thế nên đợt này thì khách cũng chắc chắn giảm theo.

Các doanh nghiệp (DN) gas cho biết trước khi giá gas dự báo sẽ tăng mạnh thì các đại lý đã lo mua trữ hàng để hưởng chênh lệch. Mức tăng lên đến 10%-15% cũng khiến các đại lý lãi to. Một số nguồn thông tin cho rằng trước thời điểm tăng giá mới đây có những cửa hàng đã dự trữ đến 5.000 bình gas, tính ra lời gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, đầu mối còn bao giá cho cửa hàng, với điều kiện phải đặt cọc tiền trước sau đó lấy hàng của tháng trước với giá thấp và sau đó bán ra giá mới để hưởng lợi nhuận.

Một DN không muốn nêu tên phân tích để giá gas có thể giảm thì trong giai đoạn này chỉ có việc giảm thuế nhập khẩu xuống. Hoặc Nhà nước cần có cơ chế như thế nào đó can thiệp với DN nắm thị phần lớn, lúc đó mới giúp giá gas không tăng cao.

Có biểu hiện của “độc quyền tập thể”

Không chỉ với các đại lý mà chính các DN kinh doanh cũng có dấu hiệu độc quyền tập thể với mức giá gas tăng. Hiện thị trường gas có đến khoảng 30 DN đầu mối kinh doanh gas và từ lâu, thị trường này do DN quyết định giá. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là khi thị trường có biến động thì gần như các DN này lại có mức giá công bố tương đương nhau. Nếu có mức chênh lệch thì rất ít. Cụ thể như lần tăng giá ngày 1-12 này, mức chênh của các DN chỉ ở mức 1.000 đồng/bình 12 kg.

 

Giá gas tháng 12 bất ngờ tăng vọt, cao nhất trong năm sau kỷ lục năm 2012.

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng việc một thị trường mà hầu hết DN đều đưa chung ra một mức giá thì cơ quan quản lý cạnh tranh phải vào cuộc để điều tra. Bởi vì rõ ràng có đến 80 DN nhưng lại chỉ chênh lệch 1.000 đồng/bình 12 kg thì không thể gọi là có tồn tại cạnh tranh.

“Hành động cùng tăng giá trong khi chi phí kinh doanh, hợp đồng mua, bán nhập khẩu từng thời điểm khác nhau mà các DN lại có cùng mức tăng thì có thể đặt nghi vấn về “độc quyền tập thể”. Hay nói rõ hơn, có thể có sự thỏa thuận cùng ấn định một mức giá. Từ đây, rất cần cơ quan quản lý cạnh tranh mà cụ thể là Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vào cuộc, điều tra có sự “bắt tay” giữa các DN gas hay không?” - TS Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Ngay sau khi giá gas tăng mạnh, nhiều người tiêu dùng đã bức xúc và cho rằng Nhà nước cần vào cuộc để kiểm soát và quản lý giá gas.

Giá gas tăng là do theo giá thế giới

Giá gas tăng cao là do phụ thuộc vào giá gas thế giới. Trong khi đó chi phí nguyên liệu chiếm trên 90% giá thành gas bán ra thị trường. Hiện nay nguồn gas trong nước không đủ cung cấp mà phải nhập thêm từ nước ngoài mà theo quy định, giá gas mua từ nguồn cung trong nước bán theo giá thế giới nên phải theo cơ chế thị trường. Bà LÊ THỊ ANH MẪN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam

Theo Tú Uyên – Mai Phương

khanhnt

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên