MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Dân vẫn thiệt thòi

27-08-2013 - 09:36 AM |

Dự thảo nghị định mới về KDXD thay thế Nghị định 84 đã được Bộ Công Thương chuyển Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ trong tháng 9. Hôm qua, Bộ Tư pháp đã họp cho ý kiến về dự thảo này.

Sẽ vẫn được tăng giá trong phạm vi 5%

Theo dự thảo, nghị định mới vẫn theo hướng để doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu được tự định giá trong phạm vi 5%. Theo đó, giá cơ sở - gồm 3 khoản cấu thành: Giá mua hàng của DN đầu mối, các khoản thu hộ nhà nước và các khoản DN đầu mối phải có (chi phí bình quân xã hội) và được hưởng (lợi nhuận định mức). 

Bộ Tài chính hoặc một cơ quan độc lập mua thông tin của Hãng Reuters (Platts) tính toán đúng công thức, công bố hàng ngày để người dân giám sát; DN sử dụng tính toán, đối chiếu và phóng viên báo chí đưa tin.


Trong điều kiện bình thường, tùy thuộc vào giá xăng dầu lên hoặc xuống trong phạm vi 5%; căn cứ vào quy định của Nhà nước, DN đầu mối điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán tương ứng. 

Trong điều kiện giá xăng dầu thế giới tăng trên 5% hoặc giá bán xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội hoặc đời sống nhân dân thì Nhà nước nắm lấy quyền quyết định giá nhưng thông qua các công cụ thuế, phí, Quỹ Bình ổn... Và tất cả vẫn theo nguyên tắc thị trường: Nhà nước không bù lỗ, DN đầu mối tham gia bình ổn phải được bù đắp đầy đủ chi phí kinh doanh, chi phí lưu thông (không để phát sinh lỗ tại DN đầu mối).

Ông Võ Văn Quyền-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: “Chúng ta cố gắng không nên để lặp lại tình huống: Điều hành giá bằng giải pháp hành chính là chủ yếu làm cho DN đầu mối lỗ nhưng không có cách nào bù đắp cho DN thực hiện nhiệm vụ này (bởi Nghị định 84 xác định “không bù lỗ” nên cũng không thể dùng ngân sách để bù lỗ). Trong khi đó, công chúng và báo chí thì nghi DN “lỗ giả lãi thật”, đánh giá DN là làm ăn không hiệu quả, không bảo toàn phát triển được vốn, không bảo đảm quyền lợi của cổ đông - nhà đầu tư”.

Dân vẫn thua thiệt...

Dự thảo nghị định mới dự kiến đang nghiêng theo hướng: DN được phép tăng giá tối thiểu 10 ngày 1 lần và chu kỳ tính giá là bình quân 30 ngày sẽ được rút xuống 15 ngày. Như vậy, trong điều kiện giá thế giới liên tục tăng cao thì giá xăng có thể được điều chỉnh tăng giá 3 lần trong 1 tháng. 

Có thể thấy quan điểm của Bộ Công Thương vẫn “muốn” cho DN được tự định giá trong phạm vi hẹp và dường như điều này đã được “thử nghiệm” trong những lần tăng giá xăng dầu gần đây, đó là các DN chỉ tăng dưới 500 đồng/lít xăng dầu cho mỗi lần điều chỉnh. Cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều cho rằng, những lần điều chỉnh gần đây chỉ tăng từ 300-400 đồng/lít xăng dầunên không gây “sốc” cho thị trường. Nhưng chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói thẳng: “Nếu nghị định mới vẫn để cho DN tự ý tăng giá trong phạm vi 5% thì dân vẫn lại chết”. 

Theo ông Long, xăng dầu của ta thực chất vẫn chưa có thị trường thực sự mà độc quyền nhóm (Petrolimex vẫn nắm vị trí thống lĩnh với trên 50% thị phần). Do vậy, dù là biên độ hẹp 5% thì cũng không nên cho DN tự tăng giá. 

“Nghị định nói liên bộ giám sát chỉ là nói cho có thôi, bởi đã cho DN quyết thì Nhà nước giám sát gì? Anh chỉ theo dõi chứ không có quyền gì để buộc DN không được tăng 5% cả. Rõ ràng người dân tưởng Nhà nước có giám sát nhưng thực tế không có tác dụng gì”-ông Long phân tích.

Theo ông Long, vẫn nên quy định giá trần cho xăng dầu. “DN định giá được thì không cớ gì Nhà nước không định được giá trần. Chỉ có năng lực quản lý yếu kém thì mới nói không định được giá trần mà thôi” - ông Long khẳng định. 

Theo Mai Hương

khanhnt

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên