MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu sẽ thế nào nếu Saudi Arabia và Iran xung đột vũ trang?

06-01-2016 - 09:36 AM |

Một cuộc đối đầu quân sự giữa Saudi Arabia và Iran sẽ chắc chắn đẩy giá dầu lên mức rất cao...

Khi những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran bắt đầu trong những ngày gần đây, thế giới không khỏi lo lắng về những tác động của nó lên thị trường năng lượng thế giới.

Lý do hết sức đơn giản là bởi Saudi Arabia và Iran hiện đang nắm khoảng 1/4 tổng dự trữ dầu của thế giới. Cho đến vài năm trước đây, những lý do tương tự sẽ đẩy giá dầu tăng rất cao, nhưng lần này mọi chuyện đã khác.

Giá dầu tăng lên trên mức 38 USD/thùng trong khoảng thời gian ngắn ngủi của phiên giao dịch ngày thứ Hai nhưng sau đó lại rớt xuống dưới mức 36 USD/thùng và còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa, theo nhận định của các chuyên gia được CNN đăng tải.

Phiên ngày thứ Ba trên thị trường London, giá dầu Brent hạ 80 cent tương đương 2,2% xuống mức 36,42USD/thùng.

Trước kỳ nghỉ năm mới vừa qua, giá dầu Brent đã hạ xuống mức thấp nhất trong 11 năm là 35,98 USD/thùng.

Tại thị trường Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 79 cent, tức 2,15%, xuống 35,97 USD/thùng.

Phản ứng của thị trường dầu như vậy đặc biệt bất thường nếu xét đến việc Saudi Arabia và Iran không chỉ đang sở hữu 400 tỷ thùng dầu, mà về mặt địa lý, hai nước này còn nằm rất gần eo biển Hormuz.

Khu vực eo biển hẹp này là trung tâm vận chuyển tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, với 17 triệu thùng dầu/ngày, tương đương gần 40% lượng dầu mỏ toàn cầu được chuyên chở qua đây.

Đánh giá về tác động từ kịch bản eo biển Hormuz đóng cửa đến thị trường dầu thế giới, ông Fidel Gheit, chuyên gia cao cấp về thị trường năng lượng tại Oppenheimer, nhận xét: “Sẽ không thể tưởng tượng được điều gì sẽ đến nếu như eo biển này đóng cửa, dù trong khoảng thời gian ngắn hay dài”.

Thế nhưng bất chấp những rủi ro có thể đến như trên, giá dầu giảm không ngừng.

Theo CNN, điều này có nghĩa là những yếu tố bất ổn địa chính trị thường mang tính hỗ trợ cho giá dầu đã không còn gây ra được nhiều tác động trên thị trường dầu nữa. Sự dư thừa quá mức về nguồn cung, sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Mỹ và việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ chối giảm sản lượng dầu mới đang chi phối diễn biến giá dầu toàn thế giới.

Rất nhiều chuyên gia trên thị trường năng lượng nhận định, giá dầu sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Họ khẳng định việc quan hệ Saudi Arabia và Iran xấu đi sẽ chỉ khiến quyết định giảm sản lượng của OPEC vốn đã “xa vời” nay còn khó thành hiện thực hơn nữa.

Quan hệ càng căng thẳng, hai nước nhiều khả năng sẽ muốn bán ra thị trường nhiều dầu hơn nữa để tranh giành thị phần.

Tuy nhiên nếu rắc rối trong quan hệ giữa hai nước leo thang quá mức dẫn đến bạo lực và xung đột vũ trang, tình hình sẽ hoàn toàn khác, ông Rob Thummel, chuyên gia về thị trường năng lượng tại quỹ Tortoise Capital dự báo.

Một cuộc đối đầu quân sự giữa Saudi Arabia và Iran sẽ chắc chắn đẩy giá dầu lên mức rất cao. Chuyên gia thuộc quỹ Oppenheimer đã tính đến khả năng giá dầu lên mức 200 USD/thùng nếu sản xuất dầu giữa 2 nước thực sự bị gián đoạn bởi các yếu tố bất ổn địa chính trị.

 

Theo Đan Nguyên

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên