MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu sụt mạnh sau khi FED tăng lãi suất

17-12-2015 - 09:14 AM |

Giá dầu đã hạ mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ và thông tin mới công bố cho thấy dự trữ dầu thô tuần qua tăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát ý kiến thực hiện bởi CNBC, quyết định nâng lãi suất của FED cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã thực sự tin rằng kinh tế Mỹ phục hồi sau thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009. Lãi suất đồng USD cao gây áp lực sụt giảm lên giá dầu cũng như các loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, giá dầu thực tế đã sụt giảm từ rất lâu trước khi FED nâng lãi suất vào ngày hôm qua bởi tình trạng dư cung trở nên ngày một tồi tệ, khi các nước sản xuất dầu lớn của thế giới không chịu giảm sản lượng do lo sợ mất thị phần.

Trên thị trường New York phiên 16/12, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2016 giảm 1,83 USD/thùng, tức gần 5%, xuống mức 35,52 USD/thùng. Mức đáy của giá dầu từng được thiết lập trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 là 32,40 USD/thùng.

Thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn hạ 1,26 USD/thùng, tương đương hơn 3%, xuống 37,19 USD/thùng. Trong phiên đã có lúc giá dầu hạ xuống mức thấp 37,11 USD/thùng, chỉ cao hơn 1 USD/thùng so với mức đáy thiết lập vào năm 2004.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ mạnh dự báo giá dầu và cảnh báo về thời kỳ dư cung kéo dài.

Theo Moody's, mức giá dầu Brent trung bình trong năm 2016 sẽ là 43 USD/thùng, dự báo trước đó là 53 USD/thùng. Mức giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trung bình trong năm 2016 sẽ ở mức 40 USD/thùng, thấp hơn 8 USD/thùng so với dự báo đưa ra lần gần nhất.

Tuy nhiên, Moody's cho rằng giá dầu Brent và WTI sẽ tăng khoảng 5 USD/thùng trong năm 2017 và 2018.

Dù giá dầu đã giảm rất sâu từ mức cao 114 USD/thùng thiết lập vào tháng 6/2014 xuống mức hiện nay, OPEC vẫn từ chối giảm sản lượng dầu bởi muốn giữ thị phần và muốn “xóa sổ” các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ - vốn được coi như đối thủ cạnh tranh lớn của OPEC.

Chiến lược này đã gây ra khá nhiều tác động tiêu cực đến các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Nhiều công ty đã phải hủy bỏ dự án khai thác dầu và đóng cửa giàn khoan. Ngoài ra, các nước sản xuất năng lượng lớn ngoài OPEC như Nga rơi vào khó khăn kinh tế.

Khi mà triển vọng Iran được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngày một gần hơn, thị trường dầu đối mặt khả năng lớn sẽ lại tiếp tục dư thừa nguồn cung.

 

Theo Thu An

Vneconomy

Trở lên trên