Giá xăng dầu không thụ động theo giá thế giới
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu cần được đánh giá toàn diện cả một quá trình chứ không nên chỉ nhìn nhận một chiều ở một thời điểm cụ thể.
- 18-10-2013Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi nhờ xả quỹ bình ổn
- 18-10-2013Bộ Tài chính khẳng định truy thu thuế doanh nghiệp xăng dầu đúng quy định
Trả lời kiến cử tri Phú Yên liên quan đến giá xăng, dầu như giá xăng tăng và hạ không tương xứng, tần suất tăng nhiều hơn tần suất giảm, việc giảm giá xăng vẫn gây bất lợi cho người tiêu dùng..., Bộ Tài chính đã có giải thích rõ ràng, cụ thể về vấn đề này.
Công khai điều hành giá
Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định số 84/2009/NĐ-CP), với nguyên tắc nhất quán là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước".
Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc: Quy định công thức tính giá cơ sở (bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thế giới), thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá (10 ngày) để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước.
Khi giá cơ sở tăng quá cao, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính (việc điều hành thuế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu) nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế- xã hội và thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới, trước hết là giá xăng, dầu thành phẩm.
Thực tiễn của việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã bám sát các nội dung của Nghị định 84/2009/NĐ-CP nêu trên, nhất quán tuân thủ quy định của Chính phủ, đồng thời thường xuyên thực hiện công khai, minh bạch về việc điều hành giá xăng dầu thông qua các hình thức: Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, họp báo, thông cáo báo chí, các cuộc giao lưu đối thoại chính sách…
Cụ thể, công khai về cơ chế điều hành theo các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định; minh bạch về từng yếu tố cấu thành giá trong giá cơ sở; công khai kết quả điều hành về: giá cơ sở, các biện pháp bình ổn giá (thuế, phí, quỹ), niêm yết giá, các quyết định giá; công khai về kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm soát…
Thuế, Quỹ chia sẻ gánh nặng giá
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu cần được đánh giá toàn diện cả một quá trình chứ không nên chỉ nhìn nhận một chiều ở một thời điểm cụ thể. Nếu không theo dõi diễn biến điều hành một cách liên tục có thể cho rằng: “giá xăng dầu trong nước tăng nhanh, giảm chậm, tăng ở mức cao, giảm ít, tần suất tăng nhiều hơn tần suất giảm”…
Sở dĩ như vậy là do, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của từng thời kỳ, trong nhiều thời điểm điều hành, khi giá thế giới tăng cao tạo sự chênh lệch giữa giá bán lẻ trong nước và giá cơ sở được tính toán công khai theo quy định, lẽ ra giá xăng dầu trong nước cần phải điều chỉnh tăng để bù đắp phần chênh lệch này, nhưng giá trong nước chỉ tăng một phần chứ không phải tăng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở và mức giá bán hiện hành.
Phần chênh còn lại được bù đắp bằng Quỹ bình ổn giá (BOG) hoặc Nhà nước phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hoặc doanh nghiệp không được tính đủ khoản lợi nhuận định mức (quy định 300 đồng/lít,kg). Khi các công cụ tài chính (Quỹ BOG, thuế nhập khẩu...) đã sử dụng hết mà giá xăng dầu thế giới vẫn tăng thì buộc phải tăng giá xăng dầu trong nước tương ứng.
Ví dụ tại thời điểm điều hành ngày 28-8-2012, giá xăng dầu thế giới tăng cao nếu tính toán theo quy định phải điều chỉnh tăng khoảng 600 - 1.150 đồng/lít,kg nhưng Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối trước mắt chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít,kg trong cơ cấu giá cơ sở đồng thời cho phép doanh nghiệp sử dụng Quỹ BOG từ 300 - 500 đồng/lít,kg, nên mức điều chỉnh giá tại thời điểm này là có kiềm chế từ 300 - 650 đồng/lít.
Ngoài ra, khi giá xăng dầu thế giới giảm (khi tính giá cơ sở đều phải theo chu kỳ dự trữ bình quân 30 ngày, không phải giá thế giới giảm tính theo từng ngày và giá trong nước phải giảm ngay) việc điều hành giá xăng dầu trong nước phải cân nhắc các công cụ đã sử dụng trước đó. Ví dụ như cần giảm hoặc ngừng sử dụng Quỹ BOG (vì có thời điểm Quỹ không còn đủ nguồn) và khôi phục lại phần thuế nhập khẩu đã giảm trước đó. Nên có thể dư luận cho rằng giá xăng dầu trong nước chưa được giảm tương ứng giá xăng dầu thế giới.
Đơn cử như từ cuối tháng 4-2012 đến giữa tháng 7-2012, giá xăng, dầu thế giới có biến động giảm, Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp 5 lần liên tiếp giảm giá xăng dầu trong nước kết hợp với giảm mức sử dụng Quỹ BOG, khôi phục một phần thuế suất thuế nhập khẩu.
Vì vậy giá xăng dầu trong nước cũng được điều hành tương ứng, nhưng không hoàn toàn thụ động theo biến động của giá xăng dầu thế giới mà phải áp dụng các biện pháp tài chính để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu trong nước vừa qua đã được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, bám sát theo biến động của giá xăng dầu thế giới, Nhà nước thực hiện việc giám sát, kiểm tra và áp dụng các công cụ điều tiết khi cần thiết để bình ổn giá (Quỹ BOG, thuế, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp...) không để giá xăng dầu thế giới tự phát tác động bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Theo Minh Anh