Hoàn thiện Đề án thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong quý 2
Giá điện bình quân từ nay đến 2015 có thể lên tới 1.835 đồng/kWh, tức tăng 21,6% so với hiện tại.
Theo giải trình của Bộ Công thương về quản lý thị trường điện, ngày 08 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, theo đó lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam sẽ được thực hiện cụ thể như sau:
i) Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1): tiếp tục thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014;
ii) Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2): từ năm 2015 - 2016 (thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm), từ năm 2017 - 2021 (thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh);
iii) Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3): từ năm 2021 - 2023 (thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm), từ sau năm 2023 (thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh).
Hoàn thiện Đề án thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong quý 2
Ngày 01 tháng 7 năm 2012, Thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành chính thức. Sau hơn một năm vận hành, Thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả bước đầu tích cực: Tạo ra các tín hiệu tốt để thu hút đầu tư mới trong lĩnh vực phát triển nguồn điện; tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện thông qua bản chào giá của nhà máy; giá điện được hình thành theo quy luật cung cầu khách quan; tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện trong thị trường, thúc đẩy các nhà máy chủ động nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giảm chi phí phát điện của các nhà máy.
Đồng thời với việc xây dựng và phát triển các cấp độ thị trường điện, việc cải tổ ngành điện, tái cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một trong những điều kiện tiên quyết cho việc đưa thị trường điện vào hoạt động cũng được khẩn trương thực hiện để đảm bảo vận hành thị trường điện đạt hiệu quả cao.
Về nguyên tắc, với tính chất độc quyền tự nhiên, khâu truyền tải điện sẽ được nhà nước giữ độc quyền để đảm bảo an ninh cung cấp điện theo quy định tại Luật điện lực. Các khâu phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện sẽ được thị trường hóa nhằm thu hút, đa dạng hóa nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Hiện nay, quá trình từng bước giảm tính độc quyền kinh doanh điện, tái cấu trúc ngành điện đã đạt được một số bước tiến quan trọng: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia được thành lập năm 2008 do nhà nước sở hữu 100% vốn; 5 Tổng công ty Điện lực được thành lập năm 2010 sẽ độc lập trong giai đoạn bán buôn cạnh tranh (dự kiến năm 2015); 3 Tổng công ty phát điện (GENCOs) được thành lập năm 2012, hoạt động hạch toán độc lập, trong thời gian tới sẽ tách độc lập hoàn toàn và được cổ phần hóa theo yêu cầu của Chính phủ.
Đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong giai đoạn tiến tới vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (dự kiến năm 2015), Trung tâm sẽ được chuyển đổi thành đơn vị hạch toán độc lập 100% vốn nhà nước với chức năng vận hành hệ thống điện và thị trường điện, qua đó đảm bảo tính độc lập không chung lợi ích với các đơn vị bán điện và mua điện.
Thực hiện chỉ đạo của của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 67/TB-VPCP ngày 14 tháng 02 năm 2014, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Đề án “Thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam” nhằm xác định mô hình, cấu trúc tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam. Tiến độ xây dựng cụ thể: trong tháng 3 năm 2014, gửi công văn và dự thảo Đề án cho các Bộ, ngành và cơ quan liên quan để lấy ý kiến; trong Quý 2 năm 2014, hoàn thiện Đề án trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và phê duyệt thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.
Về xây dựng giá điện theo giá thị trường
Theo Bộ Công thương, từ năm 2011 đến nay, cơ chế điều hành giá điện theo thị trường được thực hiện theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (hiện được thay thế bằng Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân).
Theo đó giá điện sẽ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản (gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát) biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành.
Hàng năm, căn cứ vào quy định tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá bán điện theo cơ chế thị trường, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện sau khi có báo cáo kiểm toán, quyết toán, làm cơ sở để điều chỉnh giá bán điện.
Ngày 10 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 854/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015.
Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg không thấp hơn mức giá tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và không cao hơn mức giá tối đa là 1.835 đồng/kWh, tức có thể tăng tối đa 21,6% so với giá điện đang áp dụng.
Phương Thảo