Khoáng sản: “ông canh, bà xuất”
Theo một nghiên cứu khoa học của cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, mười năm trở lại đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã tăng cả về các loại khoáng sản, quy mô, tính chất, mức độ vi phạm.
Một giải pháp được đưa ra để tránh tình trạng khoáng sản thô bị xuất lậu đang được báo động đỏ – đó là quy định dứt khoát với doanh nghiệp (DN) sau khi khai thác, phải thông báo địa chỉ nơi khoáng sản thô được chế biến.
Hiện tồn tại thực tế, có DN khai thác xong cam kết sẽ bán cho nhà máy chế biến, nhưng khi khai thác xong là bán luôn mà không qua tinh chế. Thậm chí, có DN khai thác tại quặng tại miền Trung xong, nói sẽ bán cho nhà máy chế biến quặng tại Phú Thọ, nhưng quặng chưa ra đến Thanh Hoá đã bị bán mất rồi.
“Để vạch mặt DN chỉ khai thác mà không đầu tư nhà máy chế biến rồi tìm cách bán quặng thô để thu lợi thì cần có biện pháp dứt khoát: trong giấy cấp phép khai thác, DN bắt buộc phải thông báo địa chỉ khoáng sản sau khi khai thác xong sẽ được chế biến tại đâu để kiểm soát”, TS Lại Hồng Thanh, cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản – tổng cục Địa chất và khoáng sản, cho biết.
Theo TS Thanh, hiện hoạt động xuất khẩu khoáng sản là do bộ Công Thương quản lý, với khoáng sản là ximăng và vật liệu xây dựng thì bộ Xây dựng quản lý, còn bộ Tài nguyên và môi trường chỉ là “người giữ kho”. Với vai trò “thủ kho”, bộ chỉ biết trong kho có những chủng loại nào, mức độ nào, cái nào cũ mới cần bán ra sao…. Còn phiếu xuất kho do bộ Công Thương, bộ Xây dựng quản lý vì đây là hai đơn vị lập quy hoạch khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, khâu lưu thông, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản trái phép lại thuộc phạm vi xử lý của các địa phương, công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng. Do đó, “với hình thức “rửa quặng lậu” hô biến thành quặng sạch thông qua DN có giấy phép hợp pháp thì phải kiểm soát chặt phiếu xuất kho. Còn với loại quặng lậu rồi xuất lậu luôn thì cần giải pháp đồng bộ của tất cả các cơ quan. Nếu chính quyền địa phương dứt khoát, nhưng biên phòng không dứt khoát, hoặc ngược lại thì cũng rất khó”, TS Thanh nói.
Theo đề xuất của nhiều nhà khoa học, Nhà nước cần có chính sách thu mua khoáng sản quý hiếm để dự trữ; rà soát lại các loại khoáng sản, với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn có thể khai thác hàng trăm năm không hết thì có thể có chính sách bán một phần nhỏ để kéo vốn, tái đầu tư.
Theo Thanh Tuyền