MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mệt mỏi với giá xăng

19-07-2013 - 15:57 PM |

Dù cho rằng các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua không tác động nhiều đến chỉ số giá, nhưng nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại sức khỏe của doanh nghiệp và sức mua của nền kinh tế sẽ tiếp tục sụt giảm.

Trong khi các chuyên gia nước ngoài khẳng định hiện tượng tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới thời gian gần đây có bàn tay của giới đầu cơ quốc tế, các chuyên gia trong nước cho rằng cơ quan quản lý cần yêu cầu doanh nghiệp đầu mối công khai cách tính giá cơ sở.

Người tiêu dùng lãnh đủ

Đánh giá về đợt tăng giá xăng dầu trong tháng qua, ông Nguyễn Tiến Thỏa, tổng thư ký Hội thẩm định giá, cho rằng Bộ Tài chính đã điều chỉnh khá linh hoạt trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Cụ thể, bình quân 30 ngày gần đây (từ 17-6 đến 16-7), giá xăng A92 trên thị trường thế giới là 117,47 USD/thùng, dầu DO 0,05S là 121,60 USD/thùng... khiến giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ 300-800 đồng/lít tùy từng mặt hàng.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý chỉ cho phép các doanh nghiệp tăng 300-470 đồng/lít xăng dầu và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, Bộ Tài chính buộc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tạm thời chỉ được hưởng lợi nhuận 100 đồng/lít, thay vì 300 đồng/lít như quy định, để chia sẻ với người tiêu dùng.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng mức lỗ 700-800 đồng như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đưa ra cần phải xem xét lại. Theo ông Long, các doanh nghiệp đầu mối chỉ kêu khi bị lỗ, nhưng không công khai bảng tính giá cơ sở. Do vậy, cơ quan quản lý cần công khai và minh bạch cách tính giá cơ sở với các chi phí như giá nhập khẩu, các loại thuế... để người dân theo dõi và giám sát.

Cũng theo ông Long, mặc dù đợt tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng năm nay, nhưng sức khỏe doanh nghiệp đang dần cạn kiệt, thu nhập của người lao động giảm sút. Việc giá xăng dầu liên tục tăng chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp và sức mua của nền kinh tế. “Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn thì lấy đâu nguồn mà thu ngân sách nhà nước. Phải chăng chúng ta đang triệt nguồn thu?” - ông Long lo ngại.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép, cho rằng với việc tăng giá xăng dầu liên tục thời gian qua, doanh nghiệp ở tất cả các ngành, đặc biệt là ngành có tồn kho lớn như thép, càng khó khăn hơn. “Tiêu thụ chậm nhưng chi phí cứ tăng, doanh nghiệp càng lỗ nặng” - ông Nghi nói. Ông Bùi Danh Liên - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội - cũng cho rằng do chi phí xăng dầu chiếm hơn 30% giá thành cước vận tải, việc tăng giá xăng dầu sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không chịu nổi và tăng giá cước, người tiêu dùng sẽ lãnh đủ.

Mức tăng giá xăng A92 từ ngày 14-6 đến 17-7
Ðơn vị tính: đồng/lít

Thời gian

Mức áp dụng

Mức tăng

14-6

23.750

420

28-6

24.110

360

17-7

24.570

460

 

Giá xăng dầu tăng do đầu cơ?

Theo Hãng tin AFP, trong phiên giao dịch hôm qua (18-7) giá dầu thô trên sàn giao dịch New York dao động ở mức 106,46 USD/thùng, vượt xa mức 86 USD/thùng hồi giữa tháng 4. Các nhà đầu tư Phố Wall cho biết họ lo ngại bạo động chính trị tại Ai Cập có nguy cơ khiến kênh đào Suez đóng cửa. Mỗi ngày có khoảng 4 triệu thùng dầu được vận chuyển qua kênh đào này. Và đó là lý do khiến giá dầu tăng vọt.

Tuy nhiên, trên báo Huffington Post, chuyên gia kinh tế Raymond J. Learsy, tác giả cuốn sách Dầu và tài chính: nạn tham nhũng khổng lồ tiếp diễn, khẳng định đó chỉ là lập luận của Phố Wall. Trên thực tế, thời gian qua có rất nhiều yếu tố thị trường cho thấy giá dầu có thể giảm. Đó là hàng loạt hàng hóa từ vàng, kim loại công nghiệp, khí đốt... giảm giá, nhu cầu dầu từ Trung Quốc sụt giảm, mức độ tiêu thụ dầu của Mỹ cũng giảm trong khi sản xuất dầu đạt mức kỷ lục và giá đồng USD tăng...

Chuyên gia Learsy ước tính chỉ khoảng 5% lượng dầu vận chuyển trên biển đi qua kênh đào Suez. Nếu kênh đào này bị đóng cửa, các tàu chở dầu sẽ mất thêm 16 ngày để đi vòng qua mũi Cape Horn. Chi phí tăng thêm chỉ khiến giá dầu tăng khoảng 47 cent/thùng. Do đó lập luận của Phố Wall là hoàn toàn không có cơ sở.

Các nhà kinh tế Mỹ ước tính khoảng 80% hợp đồng mua bán dầu trên sàn giao dịch Phố Wall không phải do nhà sản xuất dầu và người tiêu dùng thực hiện mà do các tay đầu cơ phát động. Báo The Plain Dealer dẫn lời nhà phân tích năng lượng Tom Kloza của Hãng Oil Price Information Service ước tính hiện tại giới đầu cơ đã đổ 36 tỉ USD để mua hàng trăm triệu thùng dầu nhằm đẩy giá dầu thô tăng cao rồi bán ra thị trường để ăn tiền chênh lệch.

Theo chuyên gia Learsy, các tay ở Phố Wall kiếm lợi khổng lồ, trong khi “người tiêu dùng phải trả mức giá cắt cổ cho món hàng quan trọng đối với cuộc sống hằng ngày của họ”. Nhiều nhà phân tích cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra để ngăn chặn tình trạng thao túng giá dầu. Theo báo Wall Street Journal, hiện Liên minh châu Âu (EU) cũng đang điều tra nghi vấn các nhà giao dịch dầu thao túng giá nhằm kiếm lợi riêng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm 2013 ước tính tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,7% của cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Thắng - vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), ước tính chỉ riêng đợt tăng giá xăng dầu ngày 17-7 sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng thêm 0,15% so với tháng 7.

Theo Lê Thanh – Sơn Hà

khanhnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên