MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua bán xăng dầu không trong cùng hệ thống có thể bị tịch thu

12-04-2014 - 15:09 PM |

Gần đây, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu xăng dầu lớn. Trong năm 2013, buôn lậu xăng dầu được coi là vấn đề nóng và đến nay vẫn chưa được ngăn chặn hữu hiệu.

Vào 22 giờ 30 ngày 7-4, lực lượng của Cục Cảnh sát đường thủy (Bộ Công an) đã phát hiện và bắt giữ một tàu buôn lậu hơn 100.000 lít dầu FO tại phao số 4 ở vùng biển Vũng Tàu. Việc buôn lậu diễn ra trên tàu Vina BunKer 02 của Công ty Cổ phần cung ứng tàu biển Vina đi từ biển vào khu vực cảng Sao Mai, Bến Đình, do thuyền trưởng Nguyễn Văn Tập (sinh năm 1955, thường trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) điều khiển. Khi kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu trên.

Trước đó, qua công tác trinh sát, Cục An ninh Kinh tế tổng hợp cũng phát hiện tại vùng biển Thanh Hóa diễn ra hoạt động buôn lậu xăng dầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kinh tế. Đối tượng chính điều hành đường dây này là Công ty TNHH Hoàng Sơn, có trụ sở tại Thanh Hóa.

Doanh nghiệp này trực tiếp mua dầu lậu của những đối tượng người nước ngoài, sau khi đã thống nhất số lượng, chủng loại và giá, chủ doanh nghiệp chuyển tiền và tổ chức giao, nhận hàng trên biển theo một tọa độ đã định trước. Các đối tượng sử dụng 1 tàu có trọng tải 5.300 tấn và 1 tàu quốc tịch nước ngoài để vận chuyển về Việt Nam mỗi lần khoảng 2.000 - 5.000 tấn xăng hoặc dầu. Mỗi tháng trung bình mua và vận chuyển khoảng 2 chuyến.

Theo ước tính của cơ quan điều tra, trung bình 1 tháng nhóm đối tượng trên nhập lậu vào thị trường nội địa khoảng 5 đến 10 nghìn tấn xăng dầu. Riêng thuế nhập khẩu, các đối tượng đã trốn khoảng 20 - 25 tỷ đồng/tháng. Vụ buôn lậu xăng dầu quy mô lớn này đã được Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Đây chỉ là 2 vụ trong số nhiều vụ buôn lậu xăng dầu trong thời gian qua đã bị phát hiện, bắt giữ. Tại phiên họp ra mắt Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) vừa qua do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, các thành viên của Ban chỉ đạo đều bày tỏ sự lo ngại đối với hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển.

Theo Thứ trưởng  Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải,  với tuyến biên giới trên biển, buôn lậu xăng dầu là vấn đề nóng trong năm 2013. Đặc  biệt là trên vùng biển Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu. Buôn lậu xăng dầu cũng diễn ra trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia khu vực Tây Nam bộ.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, năm 2013, chỉ riêng cảnh sát biển, biên phòng đã xử lý, tịch thu, xử phạt 7,753 triệu lít dầu. Trong số này, chỉ riêng với 5 vụ bắt giữ gần 2,3 triệu lít dầu DO, 102.000 lít dầu FO, lực lượng cảnh sát biển đã xử phạt vi phạm hành chính trên 60 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, năm 2012 lực lượng hải quan đã bắt giữ trên 1,82 triệu lít xăng và gần 316.000 lít dầu DO; lực lượng biên phòng đã bắt giữ trên 50.000 lít xăng dầu và 238 tấn dầu DO; lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ gần 6.000 lít dầu DO nhập lậu,  gần 2.000 lít dầu DO mua bán trái phép trên biển, gần 920 mét khối xăng A92…

Theo Thứ trưởng  Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, một trong những khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu xăng dầu là các đối tượng mua xăng dầu lậu thường chuẩn bị sẵn hóa đơn, chứng từ khống để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, nhằm hợp thức hóa xăng dầu lậu.

Từ thực tế buôn lậu xăng dầu còn nhiều nóng bỏng, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ cần đánh giá lại việc phòng chống buôn lậu xăng dầu trong thời gian qua để có những giải pháp trọng tâm hơn. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết,  trong năm 2014 này sẽ đưa xăng dầu vào nhóm một trong những mặt hàng cấm, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia để đấu tranh trọng điểm.

Ban chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Công  thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng theo hướng áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu xăng dầu khi mua bán xăng dầu không trong cùng hệ thống (trừ trường hợp mua để sử dụng trực tiếp), không để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu và vận chuyển xăng dầu không có nguồn gốc hợp pháp trên biển.

Theo Phan Thủy

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên