Phó ban KT Trung Ương: Than, xăng dầu, điện có quá nhiều điều phải nghĩ
Ông Phạm Xuân Đương liệt kê một loạt thực trạng nhức nhối của ngành năng lượng tại Hội thảo "Phát triển thị trường Năng lượng Việt Nam" do Ban Kinh tế Trung Ương tổ chức ngày 28/3 tại HN.
Thực trạng bức bối
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Xuân Đương cho rằng thị trường năng lượng Việt Nam đã có bước tiến, định hướng phát triển theo lộ trình đối với từng lĩnh vực cụ thể, nhưng rất nhiều hạn chế mà chúng ta không thể không lưu tâm đến.
Thứ nhất là xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư. Phân bố hệ thống năng lượng theo vùng, lãnh thổ còn thiếu cân đối.
Thứ hai, công nghệ của hệ thống các nhà máy điện chỉ đạt trình độ trung bình so với trình độ công nghệ của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Ba là hệ thống lưới điện chất lượng thấp, tổn thất điện năng còn lớn. Hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp; sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả, cường độ năng lượng và cường độ điện cao hơn mức trung bình của thế giới.
Bốn là đầu tư cho sự phát triển năng lượng vẫn chưa đáp ứng cho phát triển kinh tế xã hội; tiến độ của nhiều dự án còn chậm...
Năm là vấn đề phát triển năng lượng chưa thực sự gắn kết với giữ gìn môi trường sinh thái nhằm bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.
Rồi hàng loạt các hạn chế khác như hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; hiệu quả sản xuất và tiếp cận thị trường chưa cao.
Đặc biệt giá năng lượng chưa phản ánh chính xác các yếu tố đầu vào của sản xuất và phân phối sản phẩm năng lượng. Việc phân loại đối tượng khách hàng sử dụng điện chưa rõ ràng. Chính sách về giá bán khí chậm được xây dựng. Việc xây dựng và thực hiện thị trường than còn chậm và thiếu đồng bộ.
7 việc phải làm để tạo lập thị trường năng lượng đúng nghĩa
Nói về các giải pháp để thay đổi thực trạng nêu trên, ông Đương liệt kê 7 vấn đề cần làm trong thời gian tới.
Đó là cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Luật chuyên ngành để tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh, chức năng làm chính sách với chức năng giám sát thị trường để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành năng lượng trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước nhằm hạn chế sự chồng chéo trong phát triển các ngành: điện, than, dầu khí, năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Nhà nước có vai trò tạo động lực cạnh tranh quốc gia; thiết lập hạ tầng đồng bộ chi phí thấp; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giá cả cạnh tranh.
Triệt để sử dụng những ưu việt của "cơ chế thị trường" trong việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội và kiên định thực hiện phương thức quản lý theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngành năng lượng. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ngành năng lượng.
Rà soát đổi mới các cơ chế, chính sách không hợp lý. Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân tham gia mạnh hơn vào phát triển ngành năng lượng.
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò,khai thác dầu khí, than; sắp xếp lại các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, đào tạo theo hướng vừa tập trung, vừa chuyên sâu; phát triển đồng bộ tiềm lực khoa học - công nghệ, ứng dụng và cải tiến công nghệ nước ngoài, tiến tới sáng tạo công nghệ trong ngành năng lượng của Việt Nam.
Hồng Anh