MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ không có chuyện doanh nghiệp bắt tay cùng tăng giá xăng dầu?

19-09-2014 - 17:01 PM |

Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng giảm liên tục thì giá xăng dầu trong nước cũng phải theo sát, có nghĩa là một ngày giá xăng dầu có thể thay đổi nhiều lần.

Hội nghị phổ biến Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu được tổ chức hôm nay 19/9 đã đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, chất lượng, quyền tự quyết giá xăng dầu, công tác hướng dẫn thực thi Nghị định…

Một ngày giá xăng có thể thay đổi nhiều lần

Ông Phan Thế Ruệ cho biết, Nghị định 83 có nhiều điểm mới, minh bạch, giúp giá xăng dầu tiệm cận hơn với thị trường xăng dầu thế giới.

Theo Nghị định mới, doanh nghiệp được quyền tự quyết khi giá cơ sở tăng từ 1-3%, từ 3-7% phải xin ý kiến Liên Bộ Tài Chính-Bộ Công Thương, cao hơn 7% phải xin ý kiến Chính Phủ. Ông Ruệ cho rằng đây là một thay đổi lớn so với quyền tự quyết 7% của Nghị định 84 cũ. Như vậy mỗi lần tăng giá tối đa doanh nghiệp cũng chỉ được tăng từ 400 – 500 đồng/lít sẽ không gây sốc cho người dân và nền kinh tế. Đặc biệt, với cơ chế này người dân sẽ là đối tượng được lợi lớn nhất. Cụ thể, người dân được hưởng giá xăng dầu điều hành theo cơ chế mới, lên xuống theo thị trường xăng dầu thế giới.

“Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng giảm liên tục thì giá xăng dầu trong nước cũng phải theo sát. Thậm chí một ngày xăng dầu có thay đổi 3 -4 lần là chuyện bình thường”, ông Ruệ nêu quan điểm.

Theo ông Ruệ, thời gian sắp tới Nghị định 83 có hiệu lực, người dân sẽ phải tập làm quen với việc một ngày giá xăng có thể tăng 30 đồng, 40 đồng hay chỉ giảm 20 đồng…

Đồng thời, ông Ruệ cũng khẳng định sẽ không có chuyện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cùng bắt tay làm giá xăng dầu ép người dân bởi Nghị định 83 đã quy định rất rõ khi giá cơ sở tức giá xăng dầu thế giới tăng thì doanh nghiệp mới có quyền nâng giá. Trong trường hợp, giá thế giới không tăng mà doanh nghiệp tăng tức là đã vi phạm và phải xử phạt thật nặng.

Nói về điểm mới nhất của Nghị định 83, ông Ruệ cho biết trước đây theo Nghị định 84 có 3 thành phần chính: doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý và bán lẻ nay Nghị định 83 có thêm 2 thành phần là thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền. Thành phần này sẽ góp phần tích cực vào việc đưa giá xăng dầu Việt Nam tiệm cận với thế giới.

Đặc biệt, Nghị định 83 còn quy định một đại lý xăng dầu có thể được mua xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau. “Điều này đặt ra vấn đề quản lý chất lượng xăng dầu sẽ cực kỳ khó, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc cũng như chất lượng xăng. Tất nhiên về giá xăng do được lấy từ nhiều nguồn dẫn đến giá từng cây xăng sẽ khác nhau người dân được lợi và  quyền lựa chọn cây xăng nào giá rẻ”, ông Ruệ nói.

Về quỹ bình ổn giá, phía Hiệp hội xăng dầu cho biết, việc sử dụng quỹ bình ổn chỉ với một mục đích duy nhất là bình ổn giá, tránh gây sốc cho người dân và nền kinh tế. Trên thế giới nhiều nước tiến bộ vẫn sử dụng quỹ này.  Tuy nhiên, Nghị định 83 chỉ ghi việc trích lập quỹ rất chung chung là: trích lập quỹ và xả quỹ thường xuyên và liên tục. Phía Hiệp hội cho rằng quy định này không cụ thể sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. “Thế nào là thường xuyên, liên tục nếu như cho xả thường xuyên, liên tục là chết ngay”, ông Ruệ nói.

Chính vì vậy, Nhà nước cần xem xét, rõ ràng việc trích quỹ. Đồng thời, Hiệp hội cũng yêu cầu ổn định thuế với mặt hàng xăng dầu trong khoảng thời gian nhất định từ 6 tháng đến 1 năm. Bởi ổn định thuế sẽ góp phần ổn định giá xăng dầu nếu như không có biến động về tỷ giá.

Riêng về chi phí kinh doanh định mức, theo quy định của Bộ Tài Chính là 860 đồng/lít nhưng theo ông Ruệ thực tế đã lên tới 1200 đồng/lít xăng. Vì vậy ông Ruệ đề nghị bỏ trần áp về chi phí định mức để doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau theo cơ chế thị trường.

Doanh nghiệp vẫn bối rối

Ông Tuấn, đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu quan điểm, Nghị định 83 quy định khá cứng nhắc về cơ sở hạ tầng khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động. Theo ông Tuấn, việc thuê hạ tầng không nên bắt ép là phải thuê bao nhiêu năm, nên buông lỏng để doanh nghiệp làm chỉ cần có lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng đại lý công ty xăng dầu Tự Lực 1 nêu quan điểm, bắt buộc phải có thông tư hướng dẫn nếu không doanh nghiệp sẽ rất khó.

Theo ông Tiu, đại lý được mua xăng từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chỉ được hưởng hoa hồng, khi đã xuất hàng khỏi kho nếu giá tăng giảm thì sẽ được tính thế nào? “Từ trước đến nay về bản chất vẫn là mua đứt bán đoạn, và nếu Nghị định không hướng dẫn cụ thể thì không khác gì Nghị định 84 cũ. Nghị định chỉ còn 1 tháng nữa là có hiệu lực nhưng vẫn chưa có hướng dẫn. Thương nhân phân phối cũng phải làm hồ sơ, thủ tục… để xin giấy chứng nhận mà việc làm hồ sơ không hề đơn giản, rất mất thời gian”, ông Tiu nói.

Ông Minh, đại diện một Tổng đại lý xăng dầu  bày tỏ quan điểm xoay quanh câu chuyện hình thức đại lý. Theo ông Minh xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, có giá trị đầu tư lớn, đa phần quan hệ giữa đại lý và doanh nghiệp đầu mối là mua đứt bán đoạn. Thực chất Nghị định 84 cho phép mua từ nhiều đầu mối chỉ là hình thức còn bản chất thì vẫn cũ. “Nghị định 83 chỉ mới về lý thuyết, còn thực tế thì không còn mới nữa rồi”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn thắc mắc về các vấn đề: kho chứa, bến bãi, phương tiện vận tải, địa điểm, chi phí xây dựng…trong Nghị định mới.

Cần có thông tư hướng dẫn và xử phạt

Hiệp hội xăng dầu cho rằng cần phải có một thông tư hướng dẫn cụ thể thực thi Nghị định 83 bởi nhiều câu từ, quy định trong Nghị định 83 vẫn còn mơ hồ, chung chung dễ dẫn đến hiểu sai.

Ông Ruệ cho hay, Nghị định 83 dùng nhiều tính từ như: tối thiểu, tối đa, thường xuyên, liên tục… “Tôi lấy ví dụ thế nào là tối đa 15 ngày và thế nào là tối thiểu 15 ngày. Cái này doanh nghiệp rất khó hiểu. Nghị định mà rõ ràng thì không cần hướng dẫn, còn Nghị định 83 nhiều chỗ mơ hồ vì vậy cần có một thông tư hay một văn bản hướng dẫn cụ thể chứ không nên chỉ quy định chung chung ai muốn hiểu sao cũng được dẫn đến việc mỗi người làm một kiểu”, ông Ruệ nói.

Ông Ruệ cho rằng thiếu sót nhất của Nghị định 83 đó là về việc xử phạt. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện theo Nghị định cần phải có quy chế, hình thức xử phạt thật nặng. Ông Ruệ đề nghị phải thêm một chương riêng hoặc một Nghị định mới bổ sung chế tài xử phạt các đơn vị vi phạm.

Hiệp hội xăng dầu khẳng định sẽ tiếp thu mọi ý kiến để trình lên Liên Bộ Tài Chính- Bộ Công Thương xin sửa đổi, bổ sung để Nghị định 83 được hoàn thiện khi có hiệu lực vào ngày 1/1/2014 tới.

>>>Giá bán ở từng cây xăng sẽ khác nhau

Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

Trở lên trên