MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự cố gây mất điện 8 tỉnh phía Bắc, nguyên nhân từ đâu?

11-06-2014 - 05:29 AM |

Sự cố liên tiếp 2 máy biến áp 500kV công suất 900 MVA tại trạm biến áp Hiệp Hòa (Bắc Giang) chỉ trong vòng 1 tuần lễ dấy lên lo ngại về chất lượng thiết bị, công nghệ do nhà thầu Trung Quốc cung cấp.

Đặc biệt là khi nguyên nhân sự việc chưa được làm rõ.

Sự cố xảy ra với máy biến áp 500kV-900MVA (AT1) vào ngày 14.5, khiến pha A tách ra khỏi vận hành. Ngày 21.5, máy biến áp AT2 trạm Hiệp Hòa lại lại đột ngột bị sự cố khiến pha B buộc phải tách ra. Sự cố này đã gây mất điện diện rộng tại 8 tỉnh thành phía Bắc là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình và Sơn La. TCty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) ngay lập tức chỉ đạo Cty Truyền tải điện 1 huy động mọi nguồn lực nhanh chóng khắc phục, đưa máy biến áp AT1 trở lại vận hành sau 36 tiếng bị sự cố. Nhưng với máy AT2 cho đến nay vẫn chưa vận hành trở lại.

Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 10.6, ông Vũ Ngọc Minh, Phó TGĐ EVNNPT cho biết, vào ngày 29.5, nhà thầu Trung Quốc đã cử 6 chuyên gia, trong đó có một Phó TGĐ nhà sản xuất Xian XD Transformer sang VN để xác định nguyên nhân gây sự cố hỏng máy biến áp.

Tuy nhiên, đoàn đã ra về mà không có được kết quả gì. Theo ông Minh, phía nhà thầu đang cử tiếp một đoàn chuyên gia khác sang VN trong tháng 6 và dự kiến đến cuối tháng phải tìm ra nguyên nhân, khắc phục sự cố và đưa máy biến áp vào vận hành.

Ông Minh cho rằng, sự cố đối với máy biến áp xảy ra nhiều, nhưng sự cố không xác định được nguyên nhân như với máy biến áp AT2 của trạm Hiệp Hoà là khá hy hữu. Điều đáng nói là sự cố xảy ra liên tiếp với cả 2 máy biến áp có công suất lên tới 900 MVA ngay khi vừa kết thúc thời hạn bảo hành (2 năm).

“Mặc dù đã hết hạn bảo hành, nhưng khi được yêu cầu, nhà thầu vẫn rất có trách nhiệm khi cử các đoàn chuyên gia sang xử lý sự cố và hứa với chúng tôi là sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất” – ông Minh nói. “Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý vận hành trạm biến áp có nhiệm vụ truyền tải công suất lớn, cấp điện cho một phần phụ tải phía Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội, chúng tôi không khỏi lo ngại về chất lượng máy biến áp do nhà thầu Trung Quốc cung cấp”- ông nói.

Để kịp thời cấp điện trở lại cho các phụ tải của 8 tỉnh nêu trên và Thủ đô Hà Nội, lãnh đạo EVNNPT theo chỉ đạo của EVN đã điều chuyển một máy biến áp (MBA) công suất tương tự MBA AT2 từ trạm biến áp 500kV Mỹ Tho ra thay thế, thời gian vận chuyển máy biến áp là 25 ngày.

Trong thời gian xảy ra sự cố, các phụ tải 220 kV vẫn được cấp điện từ thủy điện Tuyên Quang và nhà máy nhiệt điện Phả Lại về trạm Hiệp Hòa. Do MBA AT1 đã hoạt động bình thường trở lại nên hiện tại trạm Hiệp Hoà đã đủ công suất đáp ứng nhu cầu phụ tải thực tế. Việc đầu tư 2 MBA 500kV-900MVA để đáp ứng quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030, còn từ khi đóng điện (tháng 11.2011) đến nay, cả 2 máy biến áp 500kV Hiệp Hòa chỉ vận hành mang tải ở mức dưới 30-40% công suất định mức.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực VN (EVN), trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa được đầu tư bằng nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước. Quá trình thực hiện dự án EVN giao BQL dự án các công trình điện miền Trung (AMT) đại diện chủ đầu tư thực hiện, Cty Tư vấn xây dựng điện 1 là đơn vị tư vấn thiết kế.

Quá trình đấu thầu mua sắm máy biến áp, triển khai lắp đặt được đấu thầu quốc tế rộng rãi theo hình thức hợp đồng trọn gói, đều phải báo cáo và được ADB thông qua. Nhà thầu trúng thầu cung cấp máy biến áp là liên doanh Xian XD Transformer Co Ltd., và Cty TNHH Đại Hoàng Hà.

Nhà thầu đã triển khai đặt hàng cung cấp thiết bị và lắp đặt có sự giám sát của các chuyên gia và tư vấn. Công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện được tiến hành theo đúng quy định, không có hiện tượng bất thường nào xảy ra.

Thời gian qua, dư luận đã đặt nhiều quan ngại về việc nhà thầu Trung Quốc đấu thầu và trúng thầu ở hầu hết các dự án đấu thầu quốc tế rộng rãi do lợi thế thiết bị giá rẻ, thậm chí giá nào cũng chấp nhận để trúng thầu. Nhưng khi thực hiện công trình thì nại ra đủ lý do để chậm chễ, nâng giá trúng thầu hoặc chất lượng công trình không đảm bảo. Điều này VN đã lãnh nhiều bài học, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức nặng để hạn chế tình trạng này.

Bộ công thương: Theo QĐ mới, giá điện sinh hoạt và giá điện kinh doanh giảm

Theo Hồng Quân

khanhnt

Lao động

Trở lên trên