Việt Nam có tiềm năng lớn về khí sinh học
Việt Nam có tiềm năng lớn để cải biến hàng triệu tấn chất thải trong chế biến nông lâm, thủy hải sản, chăn nuôi,…thành các nguồn nhiên liệu sạch, phục vụ sản xuất, cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.
Đầu tư để khai thác khí sinh học chưa đúng mức
Thông tin được chia sẻ tại diễn đàn Khí sinh học Việt Nam lần thứ nhất, khu vực phía Nam do Hiệp hội Khí sinh học Việt Nam (VBA) phối hợp cùng Ban quản lý "Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26-12.
Hàng triệu tấn chất thải "đổ” thẳng vào môi trường
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hàng triệu tấn chất thải được "đổ” thẳng vào môi trường bằng nhiều hình thức khác nhau. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm ước tính có khoảng 195 triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật, các chất thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản được xả thải trực tiếp vào môi trường. Cụ thể, mỗi năm cả nước có khoảng 27,1 triệu tấn sản phẩm hỗ thải và 56,2 triệu tấn chất thải nông nghiệp; 28 triệu tấn chất hữu cơ từ rác thải sinh hoạt ;…được bỏ phí, hoặc xả thải mà không được tái chế lại.
Thạc sĩ Hoàng Văn Thống, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, riêng tại tỉnh này mỗi ngày ước tính có khoảng 600.000 tấn chất thải mới chỉ được xử lý sơ bộ. Ngoài ra, hàng trăm các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến tinh bột, với công suất khoảng 100.000 m3 nước thải có hàm lượng chất hữu cơ ra môi trường cũng khó có thể kiểm soát.
Đối mặt với các thách thức về tác hại rác thải đô thị, nhiều địa phương đã chủ động trong công tác quản lý tập trung, xây dựng các bãi chôn lấp, nhà máy xử lý ngay từ nguồn thải,…Dù vậy, cho đến nay hiệu quả của thu gom được đánh giá chưa đạt yêu cầu, chỉ đạt từ 30-70%. Trong đó, trừ lượng rác thải đã quản lý thì số còn lại được khảo sát do chính con người đổ trực tiếp xuống các sông, hồ, ngòi, ao, khu đất trống làm ô nhiễm môi trường nước và không khí.
Theo ước tính, chưa tính rác thải trong nông nghiệp, áp lực của đô thị hóa hiện tác động khiến lượng rác thải tăng trung bình 10%/năm ở nước ta. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh tới 8.000 tấn/ngày, chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải của tất cả các đô thị cộng lại. Đây là một vấn đề rất nan giải và đòi hỏi một thực tế khách quan cho nhu cầu tái chế rác thải để phục vụ trở lại đời sống, nếu không muốn biến cả nơi ở thành bãi rác khổng lồ.
Chất thải không hẳn là vứt bỏ
Theo Hiệp hội Khí sinh học Việt Nam, hiện ở quy mô hộ gia đình, đã có khoảng 500.000 hầm phân hủy biogas (dưới 10m3) , được xây dựng bởi các hộ gia đình, để tái chế lại các chất thải trong nuôi trồng thủy hải sản, lâm nghiệp,…Tuy nhiên, xét trên bình diện lớn hơn thì chỉ có khoảng 0,3%, trong số 17.000 các trang trại trên cả nước tái chế chất thải thành khí sinh học, để phục vụ trở lại sản xuất. Ngoài ra, cho đến nay cũng chưa có nhà máy sản xuất biogas nào được nối vào điện lưới quốc gia.
Mặc dù vậy, chuyên gia khí sinh học quốc tế - Katrina Hergstrom dự báo Việt Nam có tiềm năng rất lớn để tái chế từ hàng triệu tấn chất thải, đặc biệt là chất thải từ nông nghiệp thành khí sinh học để phục vụ nhu cầu của con người. Trong đó, các nguồn tái chế rất đa dạng, từ các trang trại chăn nuôi, các nhà máy chế biến nông-lâm nghiệp, thực phẩm. các công ty xử lý chất thải (xử lý chất thải rắn, sau đó xử lý nước thải),…
Theo PGS.TS Dương Nguyên Khang (Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), ước tính nguồn nguyên liệu để sản xuất biogas từ phân bón tại các trang trại hàng năm có thể lên đến khoảng 2.445 triệu m3 khí sinh học. Trong khi đó, chất thải hữu cơ trong rác thải đô thị là khá cao, chiếm khoảng 50% rác thải sinh hoạt đô thị và 70 – 80% rác thải sinh hoạt nông thôn. Do đó, tiềm năng sản xuất khí sinh học từ chất thải loại này là rất lớn.
Hiện tại Việt Nam đã hình thành một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ xây dựng hầm biogas và các thiết bị liên quan, như: máy phát, bộ lọc, hóa chất,…Tuy nhiên, hầu như chưa có công ty nước ngoài nào hoạt động tại các tỉnh/thành. Trong khi, một số công ty của Đức, Nhật và Mỹ chỉ đăng ký đầu tư các nhà sản xuất máy phát, bộ lọc, hóa chất,…
Từ năm 2010 cho đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với mục tiêu của là tới năm 2020 có thể tăng tổng năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, đời sống lên 4,5%. Trong đó, khoảng 85% rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, với 60% sẽ được tái chế trong giai đoạn 2011 – 2015.
Tuy nhiên, thực tế lĩnh vực sản xuất khí sinh học tại Việt Nam cho đến nay chủ yếu được tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ, với quy mô sản xuất nhỏ. Ông Huỳnh Kim Tước, Đại diện Văn phòng VBA phía Nam cho biết, để tiến đến khai thác có hiệu quả nguồn khí sinh học trên cả nước, cho đến nay VBA đang nghiên cứu và triển khai các dự án sản xuất khí sinh học cho các công ty Mía đường Tuy Hòa, nhà máy bia Sài Gòn – Củ Chi, Nhà máy tinh bột mì Sơn Hải, Công ty Tinh bột sắn Krong – Bông,… "Ngoài ra, hiện đã có 130.000 hầm biogas được xây dựng tại 53 tỉnh/thành, đã tạo khoảng 2 triệu ngày công lao động và 600.000 người trực tiếp được hưởng lợi. Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư cho khí sinh học là rất lớn, trong khi doanh nghiệp không phải đầu tư kinh phí ban đầu”, ông Tước nhấn mạnh.
Theo Lê Anh
Đại đoàn kết