Xăng dầu áp “chiêu” tăng giá “nhỏ giọt”
Người dân chưa hết lo ngại sau 1.7 lương tăng, giá điện tăng, viện phí tăng... sẽ đè gánh nặng giá cả lên vai thì giá xăng dầu đã "đi tắt đón đầu".
- 29-06-2013Sửa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu: Người tiêu dùng thiệt
- 28-06-2013Giá xăng bất ngờ tăng 360 đồng/lít
Chỉ 2 tuần sau khi tăng thêm 420 đồng/lít, giá xăng dầu lại tiếp tục được điều chỉnh thêm tối đa 305 - 370 đồng/lít từ 20 giờ ngày 28.6. Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc giá xăng dầu "chuyển chiêu", liên tục tăng như vậy sẽ gây những hệ lụy khó lường.
Giá xăng “đi tắt đón
đầu”
Lý giải của Bộ Tài chính về việc phải tăng giá xăng dầu đơn giản là do diễn biến giá xăng dầu thế giới trong một vài phiên giao dịch gần đây có biến động tăng, giảm thất thường. Tuy nhiên, bình quân 30 ngày từ 29.5 đến 27.6 vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá xăng RON 92: 114,50 USD/thùng; dầu điêzen 0,05S: 118,84 USD/thùng; dầu hỏa: 116,49 USD/thùng, dầu madut 3,5S: 622,42 USD/tấn.
Trong điều kiện số dư Quỹ Bình ổn giá (BOG) không còn nhiều, thuế suất thuế nhập khẩu vẫn thấp hơn barem nên liên Bộ Tài chính - Công Thương lựa chọn phương án cho phép các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục được sử dụng Quỹ BOG để hạn chế mức chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành. Phần chênh lệch còn lại cho phép DN tăng giá bán xăng dầu trong nước.
Một lãnh đạo của Petrolimex trong cuộc họp bàn về cơ chế giá xăng dầu đã từng phát biểu rằng: "Nếu tăng giá xăng dầu cứ "nhỏ giọt" - dưới 500 đồng/lần - thì dù tăng nhiều lần người dân sẽ không kêu ca nhiều, việc tác động tới giá cả các mặt hàng khác và nền kinh tế cũng sẽ không đáng kể".
Như vậy, người dân chưa hết lo ngại sau 1.7 lương tăng, giá điện tăng, viện phí tăng... sẽ đè gánh nặng giá cả lên vai thì giá xăng dầu đã "đi tắt đón đầu". "Không ai nghĩ giá xăng vừa tăng lại tiếp tục tăng. Mọi khuyến cáo về lạm phát, sức mua yếu, đời sống người dân, doanh nghiệp khó khăn ở thời điểm này đã bị bỏ ngoài tai" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.
Sức mua, kinh doanh sẽ
kiệt quệ
Bà Lan cũng cho rằng, lấy lý do giá xăng dầu thế giới tăng nên DN phải tăng giá bán là chưa minh bạch. Giá xăng dầu thế giới mà Bộ Tài chính vừa công bố so với giá của những lần tăng trước không chênh nhau là mấy (cuối tháng 5, đầu tháng 6, các cơ quan chức năng cũng công bố, giá xăng thế giới vẫn ở mức 114 USD/thùng-PV), vậy nói "giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành" ở thời điểm này để tiếp tục tăng giá trong nước là không ổn.
TS Đinh Tuấn Minh - nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng nhận định: "Lương hôm nay (1.7) mới tăng mà DN xăng dầu đã đi tắt đón đầu tăng giá trước là không nên. Các cơ quan quản lý cho tăng giá xăng liên tục như vậy sẽ có rất nhiều hệ lụy bởi lương tăng chẳng là bao thì xăng tăng cùng với nhiều mặt hàng khác bị ảnh hưởng sẽ khó tránh việc sức tiêu dùng, sản xuất kinh doanh sẽ ngày càng kiệt quệ".
Chỉ đơn cử hiện nay, nhiều hãng taxi, kinh doanh vận tải đang bên bờ vực phá sản, giá xăng dầu liên tục tăng lên sẽ đẩy các DN này đến chỗ "chết". Ông Đỗ Quốc Bình-Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đau đầu vì giá xăng liên tục tăng. nhưng vẫn cố giữ giá cước. Nay giá xăng lại tăng thêm thì chúng tôi quá khổ. Tăng giá cước là điều không DN nào mong muốn vì sẽ gây mất đi một lượng lớn khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi không còn cách nào khác do giá cước hiện nay không đủ để bù lại cho chi phí hoạt động của DN".
Theo Mai Hương