MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xăng dầu quyết giữ giá cao, buôn lậu chảy ngược vào Việt Nam

26-08-2014 - 08:04 AM |

Thay vì đưa xăng dầu trong nước qua biên giới, gần đây xuất hiện tình trạng xăng dầu lậu tràn vào nước ta.

Theo báo cáo của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam gửi các cơ quan phòng, chống buôn lậu, gần đây hoạt động buôn lậu xăng dầu lại bùng phát ở nhiều vùng biển: Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bà Rịa -Vũng Tàu và các tỉnh vùng ĐBSCL. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu ở nhiều địa phương đã không thể bán được dầu diesel cho đánh bắt hải sản vì ngư dân chủ yếu mua từ nguồn diesel nhập lậu.

Mức độ buôn lậu ở nhiều tỉnh lớn đến mức, gây thất thu hàng ngàn tỉ đồng/năm nếu tình trạng này tiếp diễn.

Ví dụ như tỉnh Kiên Giang, báo cáo từ các công ty kinh doanh xăng dầu cho thấy: tổng lượng dầu diesel cho đánh bắt hải sản khoảng 250.000 m3/năm nhưng hiện nay, theo Hiệp hội Xăng dầu VN, ngư dân hoàn toàn mua từ nguồn nhập lậu trên biển, gây thất thu cho ngân sách khoảng 1.200 tỉ đồng/năm.

Theo phản ánh của báo Thanh niên, trên vùng biển phía bắc đảo Phú Quốc (Kiên Giang) giáp ranh giữa Việt Nam - Campuchia, những chiếc xuồng cà lơ (loại xuồng hẹp, dài của Campuchia) cứ vật vờ len giữa những chiếc tàu của ngư dân để chạy về hướng đảo Hòn Nừng, Tám Ngàn (Campuchia). Hơn 1 giờ sau, những chiếc xuồng cà lơ quay trở lại khi đã chất đầy các can dầu (loại 30 lít) từ mũi tới lái. Một nguồn tin cho biết nơi đến của những chiếc xuồng này là điểm tập kết dầu lậu ở Rạch Hàm (xã Bãi Thơm, Phú Quốc). Trong khi đó, tại khu vực Tám Ngàn hình thành một điểm tập kết dầu từ một nước thứ 3 để tuồn vào Việt Nam.

“Mỗi chiếc xuồng cà lơ có thể chở 120 - 150 can loại 30 lít. Thời gian vận chuyển từ Campuchia đến điểm tập kết ở VN trung bình 3 giờ/chuyến. Những lúc biển êm, một chiếc xuồng cà lơ có thể đi hai, ba chuyến trong đêm”, nguồn tin này cho hay.

Lực lượng chống buôn lậu thừa nhận, nếu để tình trạng chênh lệch giá quá cao thì không có cách nào ngăn chặn được tình trạng buôn lậu, kể cả khi nhà nước tăng cường đáng kể về trang thiết bị, người... cho lực lượng chống buôn lậu. Bởi ở đây là vấn đề thị trường và lợi ích.
 
Còn nhớ, thời điểm đầu năm 2013, quyết định tăng giá xăng dầu đã được đưa ra với ký do tăng giá để chống buôn lậu. Cụ thể, vào tháng 3/2013 khi quyết định cho tăng giá xăng lên mức 24.580 đồng/lít, liên bộ Tài chính – Công Thương lấy lý do là vì xăng dầu Việt Nam thấp hơn các nước có chung biên giới, nên xảy ra tình trạng buôn lậu từ Việt Nam sang Lào, Campuchia..., tăng giá lên ngang bằng để chống buôn lậu. Theo lý lẽ này, giá xăng dầu Việt Nam còn rẻ thì còn buôn lậu. Thôi thì không thể làm giàu cho những kẻ bất chính được nên tăng một chút cũng không sao.

Đến tháng 8/2013, khi giá xăng dầu của thế giới liên tục giảm thì các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam có nghị định 84 trước đó với mức biên độ giao động 30 ngày đã lờ đi việc giảm giá xăng dầu cho người dân. Dù rất bức xúc nhưng người dân cũng tạm thông cảm cho doanh nghiệp. Việc chống buôn lậu không thể chỉ riêng doanh nghiệp xăng dầu cõng được mà phải có sự tiếp sức từ nhân dân. Chính vì thế, xăng dầu kiên trì đến phút cuối mới chịu giảm giá được 300 đồng/lít.

Do mải tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu từ Việt Nam sang các nước láng giềng, đến giờ phút này, giá xăng dầu trong nước đã cao hơn giá nước bạn thành ra dẫn đến "hiệu ứng ngược": xăng dầu nhập lậu ngược trở lại Việt Nam để kiếm lời. Hiệp hội xăng dầu cũng phải thừa nhận tình trạng buôn lậu xảy ra do “chênh lệch giá quá lớn từ 3.000 - 5.000 đồng/lít (dầu diesel)”.

Đến đây, nhiều người băn khoăn không biết các doanh nghiệp xăng dầu có tiếp tục sứ mệnh chống buôn lậu nữa hay không. Có lẽ các vị đã lo lắng hơi thừa bởi các nước láng giềng giá đã cao thì doanh nghiệp càng phải chống buôn lậu để giữ giá độc quyền, không thể để cho người dân chịu thiệt.

Vụ buôn lậu xăng dầu của trùm Sơn "sắt": Phương thức ngày càng tinh vi



Theo An Nhiên

khanhnt

Báo đất Việt

Trở lên trên