Nắng nóng cao điểm, ngành hàng điều hòa nhiệt độ sẽ bùng nổ ra sao?
Nếu như năm 2011, Việt Nam chỉ đứng thứ 8 châu Á (không bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc) về thị trường điện lạnh thì đến năm 2015, Việt Nam vượt qua Thái Lan vươn lên đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Ấn Độ và Indonesia.
- 13-05-2019Chào thầu quốc tế tìm nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam
- 12-05-2019TPHCM công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 Đề án Đô thị thông minh
- 12-05-2019Kỷ lục 'sốc' về rượu bia ở Việt Nam: Mỗi năm 79.000 người chết, thiệt hại 65.000 tỷ đồng
Theo các nhà khí tượng học, các đợt nắng nóng diễn ra trên phần lớn lãnh thổ Việt Nam mùa hè năm 2016 – 2018 đã chạm kỷ lục về thời lượng và nhiệt độ trong ngày. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 42,5 độ C (Tháng 6/2017) – mức nhiệt kỷ lục trong suốt 45 năm.
Những ngày vừa qua, chúng ta đều cảm nhận rất rõ rệt sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi thời tiết mùa hè lại se lạnh như mùa thu. Tuy nhiên, cái nóng sẽ sớm đổ bộ, không khí lạnh sẽ suy yếu nhanh. Từ thứ tư 15/5, miền Bắc nắng nóng 35-37 độ C, riêng Tây Bắc Bộ và miền Trung nhiều nơi nhiệt độ tăng lên 40.
Các mô hình dự báo mới nhất của nhiều Trung tâm dự báo hàng đầu trên thế giới đều chung nhận định, năm 2019 sẽ là một năm nóng, thậm chí là nóng nhất trong lịch sử quan trắc của nhân loại. Nắng nóng dự kiến kéo dài qua các năm tới, kéo theo nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao.
Một yếu tố khác sẽ tác động đến cầu điều hòa nhiệt độ chính là sự tăng trưởng của ngành bất động sản du lịch. Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (Liên hợp quốc) cho thấy Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh nhất. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, lượng khách nước ngoài đến tham quan đã chạm mốc 12.821.647 lượt, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2017. Theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2019 ước đạt 1.588.161 lượt, tăng 5,8% so với tháng 01/2019 và tăng 10,9% so với tháng 02/2018.
Đi cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng cũng trên đà phát triển, CBRE cung cấp số liệu về 4 thị trường lớn (Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc) lượng cung ra thị trường vào khoảng 30.000 căn hộ khách sạn, trong đó tới 90% đã được tiêu thụ. Bên cạnh đó số căn biệt thự nghỉ dưỡng đã được tung ra thị trường khoảng 5.500, tỷ lệ hấp thụ cũng lên đến 90%. Tất nhiên các khu bất động sản nghỉ dưỡng này đều có cầu đối với điều hòa nhiệt độ, góp phần đưa Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng đối với ngành hàng này.
Theo The Business, thị trường điều hòa không khí ở Việt Nam tính đến năm 2016 là cuộc chiến của những ông lớn như: Daikin và Panasonic (mỗi hãng chiếm khoảng 25% thị phần máy lạnh Việt Nam), kế đến là LG, Samsung, Electronics,…. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, các thương hiệu mới (từ cả trong và ngoài nước) đã bắt đầu để mắt đến thị trường Việt Nam như Casper, Midea, Carrier,… Mỗi thương hiệu đều chiến lược cạnh tranh khác nhau để khai thác nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Theo chủng loại, dạng điều hòa cục bộ chiếm đa số tại Việt Nam nhờ các ưu thế như: chi phí lắp đặt thấp, công suất vừa phải (từ 7.000 đến 24.000 BTU/h với loại 1 khối, từ 9.000 đến 60.000 Btu/h với loại 2 khối), ít tiếng ồn, tiết kiệm năng lượng. Hệ thống điều hòa trung tâm ít phổ biến hơn do kênh gió quá lớn (80.000BTU/h trở lên) chỉ có thể sử dụng trong các tòa nhà có không gian lắp đặt lớn như các khu trung tâm thương mại.
Với người tiêu dùng, điều hòa cục bộ có thể chia theo mức giá thành ba nhóm. Thứ nhất là nhóm hàng bình dân, có những đại diện như Reetech, Media… với giá khoảng 5 triệu VND cho một máy điều hòa có công suất HP (công suất làm lạnh của máy lạnh), không có inverter (công nghệ biến tần, giúp máy lạnh vận động êm ái và tiết kiệm điện năng hiệu quả). Thứ hai là nhóm hàng tầm trung có những tên tuổi như LG, Samsung, Sharp, Toshiba với mức giá dao động từ 5,9 – 6,5 triệu VND. Nhóm hàng cao cấp hiện có Panasonic, Misubishi, Daikin với mức giá từ 7,5 – 8,5 triệu VND. Mức giá tương đối đa dạng tùy theo thu nhập và nhu cầu của khách hàng.
Nghiên cứu của BrandVietnam cho biết, nhu cầu mua sắm máy lạnh trang bị cho nhà riêng khiến cho các hộ gia đình trở thành đối tượng mua máy lạnh nhiều nhất Việt Nam, đứng thứ hai là các cơ sở thương mại và công nghiệp. Xét về khu vực địa lý, các tỉnh thành phía Nam là thị trường máy lạnh lớn nhất Việt Nam, do thời tiết hầu như nhiệt độ cao quanh năm (chiếm 60% thị trường), tiếp đến là miền Bắc (chiếm 22% thị trường) và miền Trung (18%).
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu TechSci Research, thị trường điều hòa nhiệt độ ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 14,64% hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2021 và dự báo sẽ đạt giá trị 1,35 tỷ USD vào 2021. Con số này hiện đang cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình trong cùng giai đoạn ngành bán lẻ điện tử với 11.2% và đang có xu hướng giảm dần.
Cũng theo báo cáo trên, năm 2017 dân số Việt Nam là 93 triệu nhưng chỉ có 17% hộ gia đình sở hữu một máy điều hòa không khí. Tỷ lệ đó cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường điều hòa nhiệt độ tại Việt Nam. Hai thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội – hai đầu tàu kinh tế cả nước – là những khu vực tiêu thụ điều hòa không khí lớn nhất.