Nắng nóng kéo dài, gây thiệt hại hàng triệu con tôm giống
Huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) đang chịu thiệt hại từ 25 đến 30% diện tích thả nuôi tôm giống do nắng nóng.
- 13-05-2020VASEP: Tôm Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hậu Covid-19
- 10-05-2020Giá tôm hùm diễn biến lạ sau chuỗi ngày "lao dốc không phanh" vì Covid-19
- 08-05-2020Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm tôm nước lợ sau dịch Covid-19 là rất lớn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết, dù bố trí lịch thả giống chậm hơn mọi năm và khuyến cáo nông dân chuẩn bị kỹ điều kiện nuôi nhưng mấy ngày qua, tôm nuôi trên địa bàn vẫn bị chết hàng loạt.
Nông dân Trà Vinh tranh thủ thu hoạch tôm vì thời tiết bất lợi.
Địa phương có nhiều nuôi tôm nuôi bị thiệt hại gồm huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải với mức độ thiệt hại từ 25 đến 30% diện tích thả nuôi.
Theo nhận định ban đầu, tôm chết hàng loạt là do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài làm độ mặn tăng cao, trong khi vẫn còn nhiều hộ sử dụng nguồn giống tôm kém chất lượng, nhất là các hộ nuôi với quy mô nhỏ.
Từ đầu vụ đến nay, nông dân tỉnh Trà Vinh thả nuôi tôm trên 30.000 ha mặt nước, tăng hơn 4.000 ha so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 579 triệu con tôm giống các loại bị thiệt hại, chiếm gần 29% lượng con giống thả nuôi.
Để hạn chế thiệt hại và bùng phát thành dịch bệnh, Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh huy động toàn bộ lực lượng kỹ thuật xuống hỗ trợ các hộ dân có tôm nuôi bị chết để xử lý môi trường ao. Đồng thời khuyến cáo người nuôi tạm ngưng thả giống đến khi môi trường nuôi ổn định trở lại.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: “Trước tình hình tôm nuôi bị thiệt hại như hiện nay, chúng tôi tập trung tất cả lực lượng kỹ thuật xuống địa bàn để hỗ trợ tư vấn phương pháp phòng trị bệnh, xử lý để tránh lay lan. Đồng thời tăng cường thanh kiểm tra ngăn chặn, xử lý những cơ sở vận chuyển tôm giống tỉnh ngoài vào mà không qua kiểm tra, kiểm dịch con giống”./.
VOV