Nắng nóng sẽ không gay gắt như năm 2017
Các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, được dự báo sẽ còn kéo dài tới giữa tuần sau. Để hiểu rõ thêm về những diễn biến thời tiết bất thường năm nay, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Phúc Lâm – Trưởng phòng dự báo khí hậu – Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương.
Nắng nóng gay gắt tiếp tục duy trì ở miền Bắc Cao điểm nắng nóng năm nay xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7 Nắng nóng quay trở lại miền Bắc
PV: Mới chớm hè song nhiều nơi đã xuất hiện nắng nóng gay gắt, có phải El-Nino đã quay trở lại không, thưa ông?
TS Hoàng Phúc Lâm: Không, ENSO hiện tại đang ở pha trung tính và được dự báo sẽ còn giữ ở pha trung tính tới cuối năm 2018. El Nino (nếu có) chỉ làm gia tăng mức độ nắng nóng chứ không phải là nguyên nhân gây ra nắng nóng.
TS Hoàng Phúc Lâm. |
PV: Tình hình nắng nóng năm nay sẽ như thế nào? Liệu có xuất hiện những đợt nắng nóng kỉ lục kéo dài như năm trước?
TS Hoàng Phúc Lâm: Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ năm nay xuất hiện muộn, không kéo dài và không gay gắt như năm 2017. Nguyên nhân là do trong tháng 4, không khí lạnh vẫn hoạt động khá đều đặn. Mỗi đợt không khí lạnh dồn xuống lại mang theo mưa và khiến cho nhiệt độ không tăng cao được.
Vào khoảng thời gian này năm ngoái, các tỉnh Bắc Bộ đã phải hứng chịu đợt nắng nóng lịch sử với giá trị đo được nhiều nơi tới 41-42 độ. Đây là giá trị nhiệt độ đạt mức kỉ lục trong vòng 46 năm qua. Năm nay, nắng nóng sẽ không gay gắt như vậy.
PV: Diễn biến nắng nóng có làm gia tăng tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ không, thưa ông?
TS Hoàng Phúc Lâm: Giá trị nhiệt độ và lượng mưa là hai yếu tố kết hợp gây ra tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Theo dự báo, lượng dòng chảy trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, từ Quảng Bình đến Quãng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30-70%; riêng sông Cái Nha Trang thiếu hụt trên 80%.
Mực nước tại trạm Đồng Trăng có khả năng tiếp tục xuống mức thấp nhất lịch sử. Tình trạng khô hạn cục bộ tiếp tục diễn ra tại một số địa phương thuộc khu vực Nam Trung Bộ.
PV: Mùa mưa bão năm nay cũng sắp bắt đầu. Những năm trước các cơn bão thường đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, năm nay được dự báo sẽ tập trung chủ yếu vào các tỉnh miền Trung, tại sao vậy, thưa ông?
TS Hoàng Phúc Lâm: Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2018 có khả năng tương đương so với TBNN, cụ thể sẽ có khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Theo quy luật thông thường, bão thường đổ vào miền Bắc trong đầu mùa bão, vào miền Trung ở giữa mùa và dịch dần xuống phía nam miền Trung và Nam Bộ vào cuối mùa. Do đầu mùa (từ tháng 5 đến tháng 8), chưa có nhiều bão nên khả năng tác động đến miền Bắc là ít hơn so với miền Trung. Năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai của Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt với những hiện tượng thời tiết quy mô nhỏ như giông, lốc, vòi rồng...Ông nói sao về điều này?
TS Hoàng Phúc Lâm: Đây là hạn chế chung của lĩnh vực dự báo khí tượng thuỷ văn trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.
PV: Hiện nay, Việt Nam đã cảnh báo sớm được không khí lạnh, các đợt mưa lớn, diễn biễn của bão, áp thấp nhiệt đới...tuy nhiên vẫn chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất. Điều này do đâu, thưa ông?
TS Hoàng Phúc Lâm: Không khí lạnh hay bão, áp thấp nhiệt đới là các hiện tượng xảy ra trên diện rộng, có quy mô lớn, tồn tại nhiều ngày, có thể nhìn thấy sự di chuyển và biểu hiện của chúng trên ảnh mây vệ tinh nên việc giám sát, dự báo dễ dàng hơn. Còn lũ quét, sạt lở đất xảy ra trong thời gian ngắn và ở khu vực nhỏ nên việc giám sát, theo dõi và dự báo là gần như không thể. Các dự báo, cảnh báo chỉ dừng ở mức cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra.
PV: Theo ông, việc đầu tư trang thiết bị hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu cho công tác dự báo chưa?
TS Hoàng Phúc Lâm: Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp cận được nhiều công nghệ rất mới, mô hình số kết hợp với các kỹ thuật viễn thám, vệ tinh, radar. Tuy nhiên, mật độ trạm quan trắc vẫn còn rất thưa so với khu vực. Ngoài ra, công nghệ của hệ thống quan trắc cũng khá cũ.
Tỉ lệ những trạm khí tượng, trạm đo mưa, trạm quan trắc về mực nước tự động còn rất ít, làm cho việc tiếp nhận số liệu không đầy đủ, không chính xác và không kịp thời, do đó công tác dự báo còn gặp rất nhiều khó khăn.
Việt Nam mới có sự đầu tư đồng bộ trong một vài năm gần đây cho ngành khí tượng nên còn cần thời gian đào tạo cán bộ để làm chủ công nghệ, từ đó xây dựng công nghệ dự báo phù hợp nhất.
PV: Xin cảm ơn ông.
Công an nhân dân