MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năng suất lao động – điểm ‘sống còn’ với doanh nghiệp Việt

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, yếu tố quyết định chính là nâng cao năng suất lao động của cả nền kinh tế và trong từng doanh nghiệp. Có thể nói, nâng cao năng suất lao động nhiệm vụ “sống còn” đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa hai quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang diễn ra quyết liệt, khó lường và có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền kinh tế khác trên thế giới, nhất là các nền kinh tế có độ mở cao và có quan hệ trực tiếp về thương mại, đầu tư với hai cường quốc này, trong đó có Việt Nam.

Để thích ứng với bối cảnh mới, vấn đề có ý nghĩa quyết định là các doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy "nội lực", đủ mạnh để chủ động tham gia vào thị trường thế giới, qua đó có thể chuyển hóa khó khăn, thách thức thành những lợi thế mới trong hoạt động kinh doanh.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK) (2019), đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 714.755 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân, ngày càng có vai trò trụ cột, động lực cơ bản cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Dưới giác độ năng lực cạnh tranh (NLCT), có một số điểm sáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp. Phân tích chất lượng của 100 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu được niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2012-2016, doanh thu và lợi nhuận trên mỗi đơn vị lao động đã tăng liên tục, doanh thu tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 2,27 tỷ đồng và lợi nhuận tăng từ 92,6 triệu đồng lên 190,4 triệu đồng.

Thứ hai, năng suất lao động (NSLĐ) trong khu vực doanh nghiệp tăng lên khá cao, qua đó đóng góp quan trọng vào sự gia tăng NSLĐ của cả nền kinh tế. Theo báo cáo của tổ chức Năng suất Châu Á (APO, 2019), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, trong đó, các năm gần đây (2016-2018) tăng 5,7%/năm. Tỷ lệ tăng NSLĐ của Việt Nam cao nhất trong các nước ASEAN (Singapore 1,42%/năm; Malaysia 2%/năm; Thái Lan 3,2%/năm; Indonesia 3,6%/năm; Philippines 4,4%/năm). Đáng chú ý là, NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp gấp 3 lần mức NSLĐ chung của cả nước (năm 2017, NSLĐ khu vực doanh nghiệp đạt 298,7 triệu/lao động, gấp 3,2 lần mức NSLĐ chung của cả nước), có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng bền vững của cả nền kinh tế.

Thứ ba, quá trình dịch chuyển, tái cấu trúc của nền kinh tế đang dịch chuyển từ khu vực thâm dụng vốn và lao động sang khu vực thâm dụng chất xám, kinh tế số và chia sẻ,…Qua đó, NSLĐ và hiệu quả sản xuất kinh doanh được tăng lên rõ rệt.

Thứ tư, dưới giác độ của nền kinh tế nói chung, một số chỉ số quan trọng như chỉ số NLCT toàn cầu, chỉ số môi trường kinh doanh, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn, chỉ số hành chính công,… những năm gần đây được cải thiện đáng kể, tốc độ tăng trưởng trong kinh tế đạt mức khả quan (6,81% năm 2017; 7,08% năm 2018), thể hiện sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, qua đó NLCT của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng được tăng lên rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả trên, NLCT của Việt Nam nói chung, đặc biệt là NLCT của doanh nghiệp hiện nay nhìn chung còn ở mặt bằng khá thấp, nhiều khó khăn bất cập cần phải cải thiện.

Thứ nhất, NSLĐ là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá NLCT của nền kinh tế, cũng như đối với các doanh nghiệp thì Việt Nam hiện nay vẫn ở mức độ thấp trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 (PPP, 2011) đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và 55% của Philippines. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất (2019) của APO, tính trên mỗi giờ, NSLĐ của Việt Nam đạt mức 5,2 USD (PPP, 2011) chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar, thấp hơn Lào. So với Singapore, NSLĐ của Việt Nam chỉ đạt khoảng 8%, và 35,86% khi so với Thái Lan.

Cũng cần phân tích thêm rằng, sở dĩ NSLĐ bình quân của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước không hẳn do nền kinh tế và các doanh nghiệp thua kém các nước này, mà còn do cấu trúc nền kinh tế và phương pháp hạch toán, song thông tin này vẫn cho thấy nhu cầu cấp thiết nâng cao hơn nữa NSLĐ của Việt Nam.

Thứ hai, khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đại bộ phận là quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc "thâm dụng" lao động trong hoạt động kinh doanh, hạn chế về trình độ công nghệ, năng lực quản lý và chất lượng sản phẩm, rất khó có thể vươn ra thị trường quốc tế, thậm chí còn "thua trên sân nhà" trước áp lực của hội nhập thương mại quốc tế.

Thứ ba, đầu tư cho KHCN, nghiên cứu và triển khai thấp cũng là một yếu tố quan trọng làm hạn chế NLCT của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là khu vực tư nhân đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, chỉ có khoảng 15,7% doanh nghiệp chi tiêu cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai, các chỉ số về đổi mới-sáng tạo của Việt Nam hiện vẫn ở mặt bằng thấp.

Báo cáo NLCT toàn cầu 2019, mặc dù vị trí của Việt Nam đã tăng lên 10 bậc so với năm 2018 đạt 61,5 điểm và ở hạng 67/141 quốc gia được xếp hạng, tuy nhiên một số chỉ số quan trọng liên quan đến đổi mới, sáng tạo vẫn ở mặt bằng thấp như năng lực đổi mới sáng tạo đứng vị trí thứ 76, tính năng động kinh doanh ở vị trí 89, kỹ năng lao động đứng vị trí 93, kỹ năng số hóa ở vị trí thứ 97, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp ở vị trí thứ 116, chất lượng đào tạo nghề ở vị trí 102…Đây là những nhân tố hết sức quan trọng liên quan đến NLCT của nền kinh tế.

Thứ tư, các doanh nghiệp lớn và có thương hiệu của Việt Nam tham gia thị trường quốc tế, những năm gần đây có tăng lên tuy nhiên còn khá khiêm tốn. Động lực chính cho xuất khẩu của Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực khai thác nguyên liệu nông sản, thủy hải sản.

Thứ năm, môi trường kinh doanh là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và NLCT của doanh nghiệp. Những năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam, đã có sự cải thiện rất đáng kể, thứ hạng của Việt Nam đã vươn lên mức trung bình của thế giới và khu vực. Tuy nhiên, trong năm 2018, thứ hạng và số cải cách của Việt Nam so với năm trước lại có sự giảm nhẹ. Theo báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business, 2019) của Ngân hàng Thế giới (WB), điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng từ 66,77 điểm lên 68,36 điểm, song thứ hạng bị tụt 1 bậc so với năm trước.

Đánh giá năng lực quản trị của các doanh nghiệp, Việt Nam cũng đang xếp hạng ở mức thấp trong khối ASEAN. Khảo sát chỉ số quản trị của các công ty niêm yết trong 6 nước ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6. Còn báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), NLCT của doanh nghiệp Việt Nam xếp hạng thứ 104/140 nền kinh tế.

Giải pháp nâng cao NLCT của các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, theo chúng tôi, cần thống nhất quan điểm, coi việc nâng cao NLCT của các doanh nghiệp Việt Nam là nhân tố quan trong hàng đầu để có thể tham gia thị trường thế giới một cách bình đẳng và chủ động thích ứng với các cuộc chiến thương mai, tiền tệ toàn cầu, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện hay.

Thứ hai, để nâng cao NLCT, yếu tố quyết định chính là nâng cao NSLĐ của cả nền kinh tế và trong từng doanh nghiệp. Có thể nói, nâng cao NSLĐ là nhiệm vụ "sống còn" đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Trên bình diện quốc gia, chúng tôi tán đồng với quan điểm của GS Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản), Việt Nam cần có chính sách tổng hợp để duy trì bền vững mức tăng NSLĐ từ 7-8%/năm, cần đầu tư có trọng điểm, cần tập trung thúc đẩy tăng NSLĐ trong ngành công nghiệp, sau đó là nông nghiệp và dịch vụ. Đối với các doanh nghiệp, lựa chọn sản phẩm có lợi thế so sánh, cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, vẫn là chìa khóa để tăng NSLĐ.

Thứ ba, trong điều kiện CMCN 4.0 ngày nay, cách tiếp cận về việc phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế sức khỏe và nghỉ dưỡng chất lượng cao, cần được phát phát huy mạnh mẽ, bởi vì đây là các ngành không chỉ có lợi thế cạnh tranh, mà còn có tình chất "đón đầu", giúp Việt Nam có thể sớm rút ngắn trình độ phát triển kinh tế với các nước.

Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện cơ bản để nâng cao NLCT của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Theo chúng tôi, vấn đề cấp thiết hiện nay là: (i) Có chính sách thu hút nhân tài, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân Việt Nam, bởi vì trong hoạt động kinh doanh, tư duy và năng lực của nhà quản trị là nhân tố quyết định; (ii) Chính sách đào tạo nguồn nhân lực, bên cạnh tri thức, kỹ năng, tay nghề nói chung, cần hết sức coi trọng tính kỷ luật, tinh thần tập thể, trách nhiệm xã hội của người lao động; (iii) Môi trường làm việc chuyên nghiệp là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng trong việc sử dụng nhân lực và đây cũng là một hình thức đào tạo nhân lực có hiệu quả.

Thứ tư, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, nhất là chiến tranh thương mại và tiền tệ Mỹ - Trung, để các doanh nghiệp Việt Nam khắc phục được những khó khăn thách thức, tận dụng được các cơ hội mới, thì những kiến thức về kinh tế thị trường quốc tế; các thông tin và phân tích sâu sắc về bối cạnh và tình hình thị trường thế giới, khu vực; năng lực phản ứng nhanh nhạy, chính xác của các doanh nghiệp, chính là những điều kiện cần thiết nhằm nâng cao NLCT, duy trì và phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

Có thể nói, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những áp lực to lớn cả về nhân lực, công nghệ và chiến tranh thương mại toàn cầu. Sẽ có nhiều cách tiếp cận để đưa ra các giải pháp cho các doanh nghiệp, song có thể khẳng định, yếu tố nội lực chính là nhân tố quyết định cho mọi sự thành công. Do vậy, nâng cao NLCT chính là chìa khóa đề phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Hải - ThS Huỳnh Ngọc Chương Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM)

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên