MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năng suất lao động du lịch Singapore gấp... 15 lần Việt Nam

Mỗi nhân lực trong ngành du lịch Việt Nam có mức năng suất khá thấp với chỉ 3.477 USD/năm. Trong khi mỗi lao động trong ngành du lich Singapore tạo ra 47.713USD/năm, gấp 15 lần.

Ngày 12-4, tại Hội trường Thống nhất (TPHCM) diễn ra Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019, do Trường đại học Hoa Sen phối hợp cùng Sở Du lịch TPHCM tổ chức.

Dẫn các báo cáo Chỉ số cạnh tranh ngành Du lịch và Lữ hành của World Economic Forum, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết chỉ số cạnh tranh chung của du lịch Việt Nam đang được cải thiện. Nếu năm 2015 Việt Nam xếp 75/136 toàn cầu thì đến năm 2017 Việt Nam tăng lên 67/136. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có sức tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực về chỉ số chất lượng cạnh tranh tài nguyên thì Singapore chỉ đạt 2.4 điểm/7 điểm, Việt Nam đạt 4.0/7.0, trong khi đó điểm số chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia của Singapore đạt 5.6/7.0, còn Việt Nam đạt 4.9/7.0.

Những con số này cho thấy dù tài nguyên du lịch có ưu đãi đến đâu, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhưng nếu nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu thì vẫn còn lực cản cho sự tăng trưởng du lịch.

Theo ông Vũ, ngành du lịch đang rất “khát” nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Hiện có bốn điểm nghẽn của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam cần tháo gỡ.

Cụ thể, đó là bất cập giữa cung - cầu. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng khả năng đáp ứng chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Thách thức thứ hai là năng suất lao động của nguồn nhân lực trong nước thấp hơn khu vực. Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu du lịch cả nước 23 tỉ USD. Tuy nhiên mỗi nhân lực trong ngành du lịch có mức năng suất khá thấp với chỉ 3.477 USD/năm.

Trong khi đó ở Singapore, mỗi lao động trong ngành du lich tạo ra 47.713USD/năm, gấp 15 lần; còn ở Thái Lan, tạo ra 8.369 USD/năm, gấp 2,5 lần.

Thứ ba là chưa chú trọng nguồn lực nhân sự gián tiếp đặc biệt, đó là lực lượng ở các cửa ngõ sân bay, nhà ga… nơi đón và phục vụ du khách, hình thành những ấn tượng đầu tiên của du khách, nhưng trong quá trình làm việc lực lượng này chưa được đào tạo chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm của Philippine, Thái Lan hay Ma Cao… họ đều có chính sách chiến lược quốc gia tạo nên sức hấp dẫn lôi kéo lực lượng gián tiếp tham gia vào quá trình hình thành cung cấp chất lượng sản phẩm du lịch.

Thách thức nữa là chuyển dịch lao động trong khối Asean, đây là cơ hội nhưng cũng thách thức. Một lao động ngành du lịch ở Singapore được trả mức lương gần 2.400 USD/tháng. Như vậy những nhân sự có trình độ chuyên môn du lịch sẽ đến những nước có lương cao hơn. 

Năng suất lao động du lịch Singapore gấp... 15 lần Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cho biết, đến đầu năm 2015 theo báo báo Việt Nam chỉ có một đại học đào tạo chương trình thạc sĩ du lịch là Đại học Hà Nội.

Thực trạng nữa đó là việc thiếu giảng viên và giáo án không tuân theo tiêu chuẩn quốc tế là các khó khăn của hệ thống các trường đào tạo hiện nay. Nhiều giáo án tiếng Anh nhưng để đáp ứng nhu cầu thực tế phải dạy bằng tiếng Việt, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra của nhân lực trong ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ.

Riêng về qui hoạch đối tượng đào tạo thì hiện nay trong ngành du lịch theo đánh giá chung là không có bài bản, chưa phân định rõ ràng các đối tượng tham gia vào vận hành du lịch.

Chẳng hạn đào tạo cho doanh nghiệp: yếu về kỹ năng ngoại ngữ, chương trình học nặng lý thuyết chưa đi sâu thực tiễn, và nhiều môn học, giáo án cũ chưa được cập nhật và cải tiến cho học viên, sinh viên theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo khảo sát từ các công ty trong lĩnh vực du lịch có đến 30-45% HDV và 70-80% tiếp tân khách sạn trong ngành du lịch thiếu kỹ năng ngoại ngữ.

Sự phát triển nhanh chóng của du lịch kéo theo các CEO; quản lý trong các công ty, đặc biệt các công ty có giải pháp công nghệ có thể không cần hiểu về du lịch vẫn có thể tham gia vào ngành.

Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, gần như 100% người mới tuyển về công ty phải đào tạo lại. Điểm nghẽn nằm ngay giữa công ty sử dụng nhân lực và cơ sở đào tạo chưa có tiếng nói chung. Gần như những đặt hàng của doanh nghiệp về chất lượng nhân lực trong du lịch dành cho các cơ sở đào tạo là bằng không, các trường làm không tới nơi vì người ta nghĩ đến cái lợi trước.

"Đối với ngành du lịch thì chỉ nên học 30-40% lí thuyết, còn lại là thực hành. Thực tế rất chênh lệch với đào tạo. Ví dụ công ty muốn tuyển nhân viên bán hàng nhưng hiện nay có trường nào đào tạo không, hay họ học chung chung mọi cái.

Họ chưa biết khách hàng cần gì, xu thế thị trường thế nào? Khách hàng muốn mua con cá mà bắt mua con tôm làm sao mua. Tôi không quan trọng bằng cấp mà chỉ cần tuyển dụng người có căn bản làm được việc", ông Long nói.


Theo Tú Uyên

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên