MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NATO tập trận quy mô lớn - “Chiến tranh Lạnh” quay trở lại?

28-01-2024 - 16:33 PM | Tài chính quốc tế

NATO tập trận quy mô lớn - “Chiến tranh Lạnh” quay trở lại?

Cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO khiến giới phân tích nhìn thấy gần hơn bóng dáng của Chiến tranh Lạnh đang trở lại.

Ngày 24/1, NATO khởi động cuộc tập trận Steadfast Defender 2024, kéo dài nhiều tháng. Cuộc tập trận quy mô nhất trong 35 năm qua, kể từ thời Chiến tranh Lạnh, huy động 90.000 quân nhân, hơn 1.100 phương tiện chiến đầu từ 31 thành viên NATO và Thụy Điển. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko bình luận cuộc tập trận này là mốc đánh dấu sự trở lại các kế hoạch Chiến tranh Lạnh của NATO. Sự kiện nằm trong chuỗi một loạt diễn biến gồm: tăng chi tiêu quốc phòng, mua sắm vũ khí, huy động lực lượng và truyền thông về nguy cơ chiến tranh, từ phía các quốc gia phương Tây. Lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ leo thang đối đầu chiến lược thời gian tới giữa Nga - NATO hay Nga và phương Tây.

3 chữ "Chiến tranh Lạnh" một lần nữa được phía Nga nhắc lại. Lần đầu là khoảng nửa năm trước, hồi tháng 7/2023, Bộ Ngoại giao nước này ra thông báo trong đó nhấn mạnh NATO đã quay trở lại với các kế hoạch của thời Chiến tranh Lạnh. Động thái và phát ngôn từ cả hai phía suốt thời gian qua đẩy cao những lo ngại về nguy cơ căng thẳng Nga - phương Tây, Nga - NATO leo thang sang một giai đoạn mới, suy giảm nghiêm trọng các cơ chế trao đổi, phối hợp và kích hoạt các chạy đua đối đầu theo hình thức Chiến tranh Lạnh.

Có lý do để phía Nga nhận định Chiến tranh Lạnh trở lại và dư luận quốc tế quan ngại về tình hình an ninh khu vực châu Âu thời gian tới. Nhiều quốc gia phương Tây gần đây truyền thông đại chúng tới người dân của mình theo hướng cảnh báo về nguy cơ chiến tranh mở rộng và chuẩn bị khả năng có thể xảy ra chiến tranh trong những năm tới, một số động thái chuyển quân với lý do tăng năng lực tự vệ, phòng thủ, chi tiêu quốc phòng tăng mạnh tại nhiều nước thành viên NATO.

NATO tập trận quy mô lớn - “Chiến tranh Lạnh” quay trở lại? - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ lớp Whidbey Island USS Gunston Hall (LSD 44) rời Trạm Hải quân Norfolk, ngày 24/1/2024, bắt đầu Steadfast Defender 2024 - cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong nhiều thập kỷ (Ảnh: NATO.int)

Những căng thẳng mới giữa Nga - NATO

Cuộc tập trận của NATO huy động 90.000 quân nhân từ 31 thành viên NATO và Thụy Điển. Cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng triển khai lực lượng của liên minh này và huấn luyện kế hoạch phòng thủ mới của NATO.

Ông Christopher Cavoli - Tư lệnh Tối cao của NATO tại châu Âu - cho biết: "Liên minh sẽ thể hiện năng lực củng cố khu vực châu Âu - Đại Tây Dương thông qua việc di chuyển lực lượng xuyên Đại Tây Dương từ Bắc Mỹ. Việc tăng cường này sẽ diễn ra dựa trên kịch bản xung đột giả định chống lại một đối thủ ngang tầm".

Bà Maria Zakharova - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - nói: "Cuộc tập trận mang tính khiêu khích một cách công khai. Trong vài tháng, một lực lượng gồm 90.000 quân từ 31 quốc gia NATO và Thụy Điển sẽ hoạt động tích cực gần biên giới Nga từ Na Uy đến Rumani. Bước đi này có chủ đích nhằm làm trầm trọng thêm tình hình, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố quân sự và cuối cùng có thể dẫn đến hậu quả bi thảm cho châu Âu".

NATO tập trận quy mô lớn - “Chiến tranh Lạnh” quay trở lại? - Ảnh 2.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: AP)

Trước đó, Đức triển khai một lữ đoàn 4.800 binh sĩ tới Litva, đây là lần đầu tiên Đức đóng quân thường trực bên ngoài biên giới của mình. Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, kêu gọi chuyển đổi năng lực chiến đấu của Liên minh trong kỷ nguyên khó lường, trong đó "bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra".

Ông Boris Pistorius - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức - cho hay: "Với lữ đoàn có khả năng chiến đấu này, chúng tôi đang đảm nhận vai trò dẫn đầu trong liên minh ở sườn phía Đông của NATO. Chúng tôi sẽ làm như vậy và sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ NATO".

Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO - nói: "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ mối đe dọa trực tiếp hoặc sắp xảy ra nào. Nhưng tất nhiên, chúng tôi luôn theo dõi chặt chẽ những gì Nga làm. Chúng tôi đã tăng cường cảnh giác và sự hiện diện ở phần phía Đông của liên minh. Nhưng toàn bộ động thái đó là để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào vào một đồng minh NATO".

Phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Nga không có nhu cầu về mặt quân sự, chính trị hay kinh tế để tấn công bất cứ ai ở bất cứ đâu.

"Tôi nghe tổng thống Biden cảnh báo rằng nếu Ukraine thua trong cuộc chiến, thì Nga sẽ tấn công các nước Baltic, Phần Lan và các thành viên NATO khác. Những tuyên bố tương tự cũng được đưa ra bởi các lãnh đạo cấp thấp hơn chứ không chỉ riêng lãnh đạo Mỹ. Tôi coi đây là một nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn của họ là phân bổ nguồn vốn cho Ukraine, hay Israel" - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phát biểu.

Các quan chức Nga đã nhiều lần bác bỏ các kế hoạch nhằm tấn công NATO. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Moscow không có lợi ích gì khi làm như vậy. Tuy nhiên, Moscow bày tỏ quan ngại về các động thái mở rộng của NATO tới sát biên giới của Nga. Hôm 25/1, Tổng thống Putin có chuyến thăm tới Kaliningrad - vùng lãnh thổ thuộc Nga. Phương Tây đánh giá đây là động thái đáng chú ý, trong bối cảnh có nhiều ý kiến gần đây về nguy cơ gia tăng xung đột giữa Nga - phương Tây.

Chính sách chống Nga của phương Tây hiện đã lên đến đỉnh điểm

Quan hệ Nga - NATO hiện đang được cho là ở mức xấu nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh NATO bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều thập kỷ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Phía Nga gọi cuộc tập trận của NATO ngay trên lãnh thổ các quốc gia sát biên giới với Nga là một sự khiêu khích tập thể, có thể kích động một cuộc chiến tranh thế giới mới. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ ra đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy chính sách chống Nga của phương Tây hiện đã lên đến đỉnh điểm.

Theo giới phân tích, kịch bản cuộc tập trận kéo dài đến tháng 5 của NATO vẫn chưa được công bố rộng rãi nhưng liên minh này không che giấu về một cuộc xung đột với Nga và nguy cơ mọi thứ có thể dẫn đến một cuộc chiến thực sự giữa các bên khi NATO đã "kích động một trò chơi căng thẳng và càng tạo thêm sức ép cho sự leo thang".

Người phát ngôn Điện Kremly - ông Dmitry Peskov, tại một cuộc họp báo trong tuần qua, cho rằng, các quan chức châu Âu khi nói về một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra với Nga còn có mục đích chuyển hướng sự chú ý của người dân khỏi các vấn đề kinh tế. Phía Nga gọi những tuyên bố của quan chức các nước thành viên NATO là một phần của cuộc chiến tranh thông tin do khối phương Tây tiến hành chống lại Nga và chống lại người dân của các nước họ ở để biện minh cho hành động gây hấn hỗn hợp hiện có của phương Tây chống lại Nga.

NATO tập trận quy mô lớn - “Chiến tranh Lạnh” quay trở lại? - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an tại trụ sở Liên hợp Quốc hôm 22/1/2024 (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại một cuộc họp mới đây tại Liên hợp quốc đã tuyên bố Nga là nước ít quan tâm nhất đến một "cuộc chiến tranh lớn", bởi chính Nga đã phải trải qua những cuộc chiến tranh "lớn" trong lịch sử. Ông Lavrov cho rằng, tuyên bố của Phương Tây rằng quân đội Nga sau chiến thắng ở Ukraine sẽ "đến các nước Baltic, Phần Lan và các nước NATO khác" là nhằm mục đích đạt được sự phân bổ hỗ trợ mới cho Kiev, còn bản thân Nga "không có mong muốn, về quân sự, về chính trị hay kinh tế cần phải tấn công bất kỳ ai".

Căng thẳng Nga - NATO hiện nay theo sau một loạt các diễn biến đáng chú ý trong nhiều tháng qua. Tháng 11/2023, Nga rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, đây là cơ chế quan trọng để thiết lập thế cân bằng quân sự, giới hạn số lượng phương tiện chiến đấu trên khu vực, tránh các bên tập trung lực lượng quy mô lớn để tấn công chớp nhoáng. NATO đạt được nhiều bước tiến trong mở rộng khối, với Phần Lan gia nhập và Thụy Điển đã rộng cửa trở thành thành viên chính thức. Còn cuộc tập trận Steadfast Defender bao gồm một loạt các cuộc tập trận nhỏ trên phạm vi kéo dài từ Bắc Mỹ đến sườn phía đông NATO, gần biên giới Nga. Điều mà Nga gọi là hành động khiêu khích công khai, làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố quân sự.

Rủi ro tăng cao từ đối đầu Nga - NATO

Cuộc xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 3. Hai năm qua, đối đầu chiến lược toàn diện Nga - NATO, Nga - Phương Tây liên tục bị đẩy cao.

Tháng 11/2023, Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu - Hiệp ước an ninh quan trọng thời hậu Chiến tranh Lạnh được thiết lập nhằm giảm leo thang các cuộc xung đột tiềm ẩn Đông - Tây. Động thái cho thấy căng thẳng giữa Nga và NATO tiếp tục gia tăng.

Bà Aylin Matle - Hội đồng Chính sách Đối ngoại Đức - nói: "Tôi cho rằng đối đầu quân sự giữa Nga và NATO đã tăng cao hơn kể từ năm 2022 và có thể nói ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây".

Từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2/2022, NATO đẩy mạnh các hoạt động củng cố lực lượng, tăng cường năng lực quốc phòng. NATO đã chính thức kết nạp thành viên thứ 31 là Phần Lan vào năm 2023, đang hoàn tất các thủ tục kết nạp với Thụy Điển, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã "bật đèn xanh".

Chi tiêu quốc phòng các nước thành viên NATO liên tục tăng. Ba Lan tăng chi tiêu quân sự ở mức 4% GDP vào năm 2023. Đức cải tổ học thuyết quốc phòng, lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Một số nước hồi đầu tháng này cũng đã thống nhất mua tới 1.000 tên lửa Patriot nhằm tăng cường hệ thống phòng không của châu Âu.

NATO tập trận quy mô lớn - “Chiến tranh Lạnh” quay trở lại? - Ảnh 4.

Một cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hôm 18/1/2024 (Ảnh: AP)

NATO cũng tăng cường tuyên truyền về một cuộc chiến tranh với Nga. Giới chức NATO mới đây cảnh báo dân thường phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực với Nga trong 20 năm tới.

"Rõ ràng NATO một lần nữa đang cố gắng trở lại thành một tổ chức chiến đấu. Tôi nghĩ rất khó để đánh giá một cách chính xác khi nào Nga tấn công NATO hay điều đó có xảy ra không. Nhưng tôi nghĩ NATO là một liên minh quốc phòng và việc lập kế hoạch cho một kịch bản như vậy là điều cần thiết" - bà Aylin Matle nhận định.

Về phần mình, Nga nhấn mạnh không có mong muốn, không có nhu cầu về mặt quân sự, chính trị hay kinh tế để tấn công bất cứ ai ở bất cứ đâu; chỉ trích việc NATO điều quân và khí tài quân sự áp sát biên giới Nga gây ra mối đe doạ rõ ràng đối với nước này. Để phản ứng, Nga đã tái thành lập quân khu Leningrad; tăng cường khả năng phòng thủ khu vực Baltic.

Bà Maria Zakharova - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - cho rằng: "Hoạt động gia tăng tiềm lực quân sự của NATO và các nước thành viên gần biên giới Nga và Belarus về bản chất là mang tính khiêu khích và dẫn đến sự suy thoái hoàn toàn của cấu trúc an ninh châu Âu".

Trước các nguy cơ từ đối đầu Nga - NATO, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc trích dẫn nhận định một số chuyên gia cho rằng các hoạt động của NATO thậm chí đã leo thang vượt quá mức độ Chiến tranh Lạnh, báo hiệu hòa bình và phát triển của thế giới có thể đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể.

Ông Zhang Hong - nhà nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - phân tích: "Xung đột Nga - Ukraine là một cuộc khủng hoảng địa chính trị có sự tham gia của các nước lớn. Đằng sau nó là ván cờ giữa Nga và NATO, giữa Nga và Mỹ. Diễn biến tình hình Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến diễn biến tương lai của trật tự quốc tế. Trật tự an ninh và trật tự kinh tế toàn cầu có một số hỗn loạn. Chúng ta thấy rằng chính sách ngoại giao của châu Âu đang bị gạt ra ngoài lề, chính trị châu Âu bị chia cắt, nền kinh tế châu Âu ì ạch và nền quốc phòng châu Âu đang bị NATO hóa".

Các chuyên gia cho rằng những nguy cơ ngày càng tăng từ đối đầu Nga - NATO đang khiến châu Âu có thể bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Một cuộc chạy đua vũ trang có thể sẽ diễn ra - viễn cảnh mà không quốc gia nào mong muốn, có thể khiến quan hệ Nga - NATO đi vào ngõ cụt; đồng thời, tạo những kịch bản nguy hiểm cho an ninh toàn cầu.

Khởi đầu của thời kỳ biến động mới

Một diễn biến rất đáng chú ý khác diễn ra tuần qua là việc Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển vào NATO. Đề xuất kết nạp Thuỵ Điển của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến được Tổng thống Hungary phê chuẩn. Tiến trình gia nhập NATO của Thuỵ Điển cần được Hungary hoàn tất các thủ tục tương tự. Sau đó, Thuỵ Điển hoàn toàn có thể trở thành thành viên chính thức thứ 32 của NATO trước khi tổ chức này kỷ niệm 75 năm thành lập vào ngày 4/4 năm nay.

NATO tập trận quy mô lớn - “Chiến tranh Lạnh” quay trở lại? - Ảnh 5.

Các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi cuộc tranh luận về nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/1/2024. (Ảnh: AP)

Theo giới phân tích quân sự quốc tế, những gì đang diễn ra tại châu Âu là khởi đầu của thời kỳ biến động mới. Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO sau nhiều thập kỷ duy trì chính sách không liên kết quân sự, làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO, khiến cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu tăng tốc, "bóng ma" Chiến tranh Lạnh có nguy cơ quay trở lại và thế giới sẽ phân cực sâu sắc hơn giữa một bên là Nga cùng một số nước khác và bên còn lại là NATO.

Với tiềm lực quân sự của mình, Thuỵ Điển và Phần Lan sẽ sự bổ sung cho sức mạnh trên biển và trên không của NATO ở Biển Baltic và cực Bắc. NATO lúc này có thể tập trận và thiết lập các cơ sở quân sự sát biên giới với Nga và vùng Kaliningrad cùng cảng biển Saint-Petersbourg của Nga sẽ bị cô lập hơn, biển Baltic có nguy cơ biến thành "ao nhà" của NATO. Nga luôn tuyên bố mọi hành động mở rộng NATO về phía đông là mối đe dọa với sự sống còn của nước này. Nga có thể tính đến việc triển khai vũ khí hạt nhân sát biên giới Phần Lan và vùng biển Baltic nếu NATO điều lực lượng đến Phần Lan. Trong trường hợp NATO thiết lập các khí tài quân sự quan trọng hoặc đồn trú một lượng lớn quân tại Phần Lan thì sự đáp trả của Nga có thể quyết liệt hơn.

Dù NATO không tuyên bố đối tượng của cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 - tạm dịch là Người bảo vệ kiên định, song nội dung tập trận và địa điểm các hoạt động chính diễn ra tại Ba Lan và 3 quốc gia Baltic, sát biên giới Nga, cho thấy rõ mục đích của sự kiện. Thông điệp phô diễn sức mạnh của NATO cùng với hàng loạt diễn biến căng thẳng đẩy cao gần đây giữa Nga - phương Tây trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn khốc liệt chưa hề thấy ánh sáng cuối đường hầm đang khiến châu Âu và thế giới gia tăng lo ngại và một lần nữa theo giới phân tích, họ nhìn thấy gần hơn bóng dáng của Chiến tranh Lạnh đang trở lại.

Theo Ban thời sự

VTV

Trở lên trên