NĐT hơn 20 năm kinh nghiệm: "Tôi từng đầu tư vào cổ phiếu bất động sản, khi phát hiện ra khó khăn là bán ngay"
Ông Đặng Đình Hiệp cho rằng cần theo dõi chặt chẽ những luồng thông tin về chất lượng công trình, về dự án sau đó mới ra quyết định đầu tư.
Tại Hội nghị Tín dụng Bất động sản với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khẳng định: “NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống. Đến nay, NHNN vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo này. Còn với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như những lĩnh vực khác".
Chia sẻ tại chương trình Bí mật đồng tiền, chuyên gia Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo CTCP Chứng khoán SSI cho rằng những kết luận trên là hợp lý.
Ông Hưng cho biết quan điểm chung của Chính phủ về ngành BĐS vẫn là để các doanh nghiệp tự xử lý vấn đề của mình trước. Những vấn đề xuất hiện phần lớn là do doanh nghiệp tự tạo ra. “Nếu doanh nghiệp đi vay phải tìm mọi cách để trả, thậm chí bỏ tiền túi ra để trả. Như Chính phủ chỉ đạo, dự án nếu giá quá cao phải hạ giá thấp để bán, bán bằng được để trả nợ chứ không phải bắt cả hệ thống Ngân hàng làm con tin”, Mx. X30 nêu rõ.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, những chính sách có thể hỗ trợ ngành BĐS cần đi vào các phân khúc có nhu cầu cao như phân khúc cho người thu nhập thấp và trung bình. Các biện pháp hỗ trợ sẽ đi vào hướng đó, và không có gói hỗ trợ nào mang tính chất mù quáng cho tất cả các doanh nghiệp và tạo ra nợ xấu tiếp theo cho hệ thống Ngân hàng.
Liên quan đến việc giảm thiểu những tác động xấu của BĐS, ông Đặng Đình Hiệp - nhà đầu tư với hơn 20 năm bôn ba cùng thị trường chứng khoán cho rằng các ngân hàng cần kiểm tra kỹ trước khi có dự án, trong quá trình thi công và cả sau khi hoàn thành để đảm bảo chắc chắn đầu tư cho doanh nghiệp sẽ thu hồi được vốn.
Đồng thời, các dự án bất động sản lớn khi thực hiện thường xây dựng rất nhanh dẫn đến ẩu về phần xây hay trang trí nội thất,… "Chất lượng công trình phải tối ưu mới có thể sử dụng và hoàn vốn cho Ngân hàng, cho Chính phủ. Nếu bán dự án không chất lượng sẽ khó có người mua, thậm chí giá rẻ cũng không ai mua", ông Hiệp cho hay.
Đối với việc đầu tư vào các DN bất động sản, ông Hiệp cho rằng nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ những luồng thông tin về chất lượng công trình, về dự án cũng như số lượng người đăng ký mua và thực tế mua, khi đó mới ra quyết định.
Ông Hiệp chia sẻ: "Tôi cũng từng đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản, nhưng khi gặp khó khăn là tôi dừng ngay và bán ngay. Nhà đầu tư cần phải cảnh tỉnh về vốn mình bỏ ra, một khi gặp trục trặc tại đại hội cổ đông hay thông tin dự án xây không tốt, số lượng bán ở mức thấp cần phải rút ngay vốn để kịp thời giảm thiểu số lỗ của mình."
Nhịp sống thị trường