MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Né 'siêu bão' về nhà sập, ngư cụ kiếm sống bị bão xé nát

17-09-2017 - 11:21 AM | Xã hội

"Khi trở về, nhà đã đổ sụp, ngư cụ kiếm sống của gia đình 5 miệng ăn cũng bị sóng xé nát, mọi thứ đều tan hoang" - chị Thu nghẹn ngào.

XEM CLIP: Nhà cửa tan hoang sau bão ở Hà Tĩnh:

Hàng chục ngôi nhà tại xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị đổ sập, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, tài sản, ngư cụ ngổn ngang khắp nơi.

Khung cảnh hoang tàn sau cơn bão. Ảnh: Lê Minh

Những người dân trở về sau cơn bão thẫn thờ đau xót bởi tất cả gia tài đã tanh bành.

Chị Trần Thị Thu (45 tuổi, thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng) khóc cạn nước mắt khi toàn bộ nhà cửa bị bão đánh sập, 5 người trong gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất.

Căn nhà cấp 4 của chị Thu ở mé sông, khi bão số 10 chuẩn bị đổ bộ, gia đình chị được sơ tán đến một trường tiểu học. Chồng và 3 đứa con đi trước, chị chằng chống nhà cửa xong mới đi.

Những người phụ nữ trở về sau bão, cố tìm kiếm những mảnh sắt, bán sống qua ngày. Ảnh: Lê Minh

“Đến chỗ trú ẩn được ăn ở đàng hoàng, nhưng tôi không yên tâm, mỗi cơn gió giật mạnh lòng tôi như lửa đốt, bão lớn quá mà nhà tôi lại ở mé sông…”, chị Thu kể.

Khi trở về, nhà đã đổ sụp, ngư cụ kiếm sống của gia đình 5 miệng ăn cũng bị sóng xé nát, mọi thứ đều tan hoang.

“Tất cả đi hết rồi, ngay cả nắm gạo nấu cho các cháu ăn cũng không còn, chúng tôi biết sống ở đâu, lấy gì mà ăn qua ngày đây”, chị Thu nghẹn ngào.

Chị Thu cố tìm chút thóc gạo trong đống đổ nát. Ảnh: Lê Minh

Anh Tâm - chồng chị chết lặng trước cảnh hoang tàn, thỉnh thoảng chép miệng thở dài: "Mới vay 60 triệu đồng về sửa sang nhà cửa, sắm lưới cụ mưu sinh, giờ bão phá hết rồi”.

Chị Thu cùng 2 con gom lại bát đũa sau khi cơn bão đi qua. Ảnh: Lê Minh

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình chị Trần Thị Kim Oanh (34 tuổi, Cồn Gò) cũng bị bão đánh sập.

Gia đình chị Oanh có 5 người, ngôi nhà cũng là nơi bán hải sản nuôi mấy miệng ăn.

“Nhà sập rồi, gia đình tôi chỉ còn cách bồng bế nhau về ở nhờ nhà ông nội thôi. Hơn chục năm gom góp xây được cái nhà, giờ thành đống gạch vụn, khổ lắm", chị Oanh than thở.

Ở thôn Cồn Gò có gần 30 ngôi nhà và hàng quán xã bị bão san phẳng, vài ba quán xá trơ lại sau bão cũng rách nát hơn phần nửa, người dân chỉ biết đào bới đống đổ nát tìm những mảnh sắt vụn bán lấy tiền.

Ở huyện miền núi Hương Khê nhiều nhà bị tốc mái, mái tôn vỡ vụn.

Cụ ông Nguyễn Kim Thành cùng vợ là bà Lê Thị Trí ở độ tuổi 80 (xóm 7, xã Phú Phong) vẫn chưa hết bàng hoàng vì sức tàn phá của cơn bão số 10.

Hai cụ lần lần giữa đống đổ nát để nhặt nhạnh những mảnh tôn vỡ.

Vợ chồng cụ Thành trong căn nhà đã bay hết phần mái

“Tôi sống gần hết đời người rồi, chưa từng chứng kiến cơn bão nào khủng khiếp như thế này. Chiều qua, vợ chồng tôi đang ở trong nhà thì bão đến đánh sập tường, mái. Cũng may 2 đứa con đến kịp đưa chúng tôi đi trú”, cụ Thành kể vẫn vẻ thảng thốt.

Ngôi nhà của 2 cụ bị bão đánh tốc mái, giường chiếu đồ đạc ướt nhẹp.

Xóm nhỏ tại thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) cũng bị tàn phá nặng nề sau cơn bão.

Vừa lúi húi dọn đống đổ nát trong căn nhà bị tốc mái và sập một vách tường, chị Bùi Thị Nga (SN 1985) kể: “Mẹ con tôi neo chắn nhà cửa cẩn thận rồi mới dắt nhau đi trú ở trường THCS. Bão tan, về nhà mà tôi không tin vào mắt mình nữa. Nhà cửa không còn gì, giờ đồ đạc, gạo, sách vở của các con đều bị ngấm nước, hỏng hết”.

Trong căn bếp nhỏ, thùng gạo của gia đình cũng bị hắt đổ, con trai của chị Nga cố vớt lại số gạo còn sạch trên sàn nhà ướt sũng.

Con chị Nga cố vớt lại ít gạo còn sạch

“Cơn bão số 10 đã khiến xã chúng tôi thiệt hại rất nặng. Lương thực của người dân cũng bị ướt rất nhiều, trước mắt chúng tôi nỗ lực để khắc phục hậu quả, quyết tâm không để người dân bị đói hay thiếu chỗ ở”, ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết.

Theo Lê Minh - Hải Sâm - Thiện Lương

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên