Nên bỏ chính sách 2 con
Các chuyên gia cho rằng trước xu hướng dân số giảm mạnh, Việt Nam nên chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, chứ không giới hạn "mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1-2 con"
- 29-09-2017Tốc độ già hóa nhanh, Việt Nam cần thay đổi chính sách dân số
- 13-01-2016Thủ tướng trả lời về “mặt trái” chính sách dân số
- 08-07-2013Biến thể của chính sách dân số
Sau hơn nửa thế kỷ, Việt Nam đã giảm sinh được hàng chục triệu người và đạt mức sinh thay thế trong suốt hơn 10 năm qua. Và trước xu hướng dân số giảm, mất cân bằng giới tính, già hóa, đã đến lúc chính sách dân số cần phải thay đổi.
Tỉ lệ sinh xuống đáy
Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên vận động sinh đẻ có kế hoạch, vào năm 1961.
Sau nhiều năm thực hiện chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,3 con vào năm 1961 giảm xuống 5,25 con vào năm 1975 và 3,8 con vào năm 1990.
Việc vận động người dân "dừng ở 2 con để nuôi dạy cho tốt" cùng với chính sách thưởng - phạt như lấy tiêu chuẩn 2 con làm định mức cấp nhà cho cán bộ công nhân viên, không xét duyệt đề bạt, thăng quân hàm, cách chức… đã kéo tổng tỉ suất sinh giảm mạnh xuống còn 2,3 con vào năm 2000, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 2,9 con. Đến năm 2006, Việt Nam đạt mức sinh thay thế 2,09 con/phụ nữ và tỉ suất sinh này duy trì ổn định trong một thập kỷ qua.
Đồ họa: Vương Fương Anh
Nhờ những thành công trong việc hạ thấp tỉ lệ tăng dân số, giảm mức sinh, quy mô dân số nước ta hiện nay khoảng 93 triệu người, dự kiến đạt 100 triệu người vào năm 2026. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dân số cho rằng dù thành tựu giảm sinh trong những năm qua ở Việt Nam là vững chắc song tỉ lệ sinh lại không đồng đều giữa các vùng. Do đó, theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội, đã đến lúc chuyển đổi trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển theo Kết luận 119 năm 2016 của Ban Bí thư trung ương Đảng khóa 11 để đất nước phát triển bền vững.
"Nghị quyết Trung ương 4 khóa 7 năm 1993 về công tác dân số đã qua 25 năm với nhiều thay đổi về kinh tế - xã hội và dân số. Mức sinh của Việt Nam đã thấp hơn một nửa so với cách đây 25 năm. Đầu những năm 1990, bình quân mỗi phụ nữ sinh 4 con, còn hiện nay chỉ có 2 con. Mặc dù mức sinh thấp nhưng chênh lệch giới tính lại nghiêm trọng. Chẳng hạn năm 2015, cứ 100 cháu gái sinh ra thì có 112,8 cháu trai được sinh ra tương ứng và gây ra mất cân bằng giới tính ở mức không bình thường… Trước bối cảnh dân số thay đổi, cần có một nghị quyết mới để giải quyết được các vấn đề mới xuất hiện ở nước ta" - GS Cử đề xuất.
Đến lúc chuyển chính sách dân số
Việt Nam đã ký công ước quốc tế CEDAW trong đó có điều khoản các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Do đó, một số chuyên gia dân số cho rằng việc nới lỏng chính sách sinh con, chuyển trọng tâm từ chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển phù hợp với pháp luật quốc tế.
Cụ thể, với mức sinh ổn định trong nhiều năm qua, một số chuyên gia về dân số kiến nghị nên bỏ chính sách 2 con với tất cả các nhóm đối tượng, kể cả đảng viên, công nhân viên chức. "Lứa tuổi sinh sản hiện này là từ 35 tuổi trở xuống - những người thuộc "thế hệ 8x". Đây là thế hệ thanh niên được giáo dục về DS-KHHGĐ tốt. Tôi đã hỏi rất nhiều bạn trẻ trong độ tuổi này thì phần lớn đều nói rằng không muốn sinh nhiều con vì sợ không thể chăm sóc, giáo dục tốt. Như vậy, dù được cho phép nhưng với xu hướng giảm sinh người dân sẽ vẫn không sinh thêm" - GS Cử nhấn mạnh.
Hiện tại, so với tỉ lệ sinh trung bình trên cả nước là gần 2,1 con thì TP HCM đang là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Các địa phương có tỉ lệ sinh cao hầu hết tập trung ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, trung bình 2,5 con/phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Ở các tỉnh Đông Nam Bộ, tỉ lệ sinh khoảng 1,56 con và ở đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 1,84 con/phụ nữ ở tuổi sinh sản.
Từ thực trạng này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), nêu rõ chủ trương trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đạt được ở những địa phương đạt mức sinh thay thế; thực hiện chủ trương "mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con" ở những nơi có mức sinh thấp. Mục tiêu là bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020.
Không sinh thêm con vì không muốn!
Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM, tỉ suất sinh ở TP HCM hiện nay chỉ là 1,45, thấp hơn mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ. BS Nguyễn Ngọc Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết ông gặp nhiều phụ nữ mới có 1 con đến nhờ tư vấn các biện pháp tránh thai lâu dài. Thậm chí, nhiều người đã có gia đình đến xin bỏ thai vì nuôi không nổi!
Theo BS Thông, xu hướng này cũng giống như nhiều nước trên thế giới, xuất hiện khi điều kiện kinh tế - xã hội ngày một nâng cao. "Quan niệm của người dân về việc sinh con, nuôi con cũng thay đổi. Việc mang thai, sinh con ảnh hưởng khá lớn đến công việc, thu nhập; chưa kể sinh con ra nuôi dạy cũng không hề đơn giản. Các bậc cha mẹ hiện nay sẵn lòng có một đứa con thôi, để đủ khả năng lo lắng cho con được tốt nhất và điều đó cũng xuất phát từ tình thương của họ đối với con" - BS Thông chia sẻ thêm.
A.Thư
Người lao động