Nên định vị TP Thủ Đức là đô thị vệ tinh
Ngày 16-9, Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc ĐHQG TP HCM tổ chức hội thảo Hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ thực tiễn tại TP Thủ Đức.
- 07-09-2022Bất động sản đô thị sinh thái vệ tinh liên tục được săn đón
- 19-08-2022Đô thị vệ tinh Hà Nội: Bao giờ thôi trễ hẹn?
- 18-08-2022BĐS đô thị sinh thái vệ tinh phía Đông TP. HCM hút mạnh dòng tiền
TP Thủ Đức được thành lập từ ngày 1-1-2021. Đây là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên trên cả nước, được kỳ vọng đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn TP HCM, tương đương 7% GDP cả nước. TP Thủ Đức cũng được kỳ vọng trở thành một hình mẫu khu đô thị sáng tạo, một cực tăng trưởng mới dẫn dắt kinh tế TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, đến nay, TP Thủ Đức vẫn chưa phát huy tối đa các nguồn lực của mình và cần có một cơ chế phù hợp để phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức - cho biết khi hỏi về TP Thủ Đức sau 18 tháng thành lập, ông nhận được phản ánh: Chưa có thay đổi gì nhiều, trong khi phục vụ nhân dân chậm hơn. "Trước đây, một việc 3 người làm, bây giờ một việc 1 người làm nên chậm hơn là đúng. Trong khi đó công nghệ chưa đủ sức bao phủ để người dân không phải đi lại trong giao dịch hành chính. Lẽ ra trong 18 tháng qua chúng ta phải làm nhưng chưa làm được" - ông Hiệp nói.
Từ những câu chuyện thực tiễn, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học có sự phân tích, đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho TP Thủ Đức. Lãnh đạo TP Thủ Đức cũng gợi ý những vấn đề cần giải quyết: Tổ chức bộ máy cấp phòng của UBND cần bao nhiêu nhân sự là đủ? Phân bổ nguồn lực nên theo hình thức gì: phân quyền hay tản quyền xuống phía dưới vì địa bàn quá lớn?…
Các đại biểu dự hội thảo góp ý cho sự phát triển của TP Thủ Đức, TP HCM
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường Đại học Luật TP HCM, cho rằng cần xác định lại vị trí của TP Thủ Đức và các thành phố thuộc thành phố khác trong tương lai, đó là đô thị vệ tinh hay chỉ là một đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, để từ đó xác lập thể chế tổ chức và vận hành hợp lý, tránh tình trạng hình thức hóa các đơn vị hành chính mới chỉ qua tên gọi bên ngoài. Từ kinh nghiệm của các nước phát triển, bà Trí gợi ý nên định vị TP Thủ Đức là đô thị vệ tinh. "Với vị trí của TP Thủ Đức, việc xác lập nhiệm vụ đô thị vệ tinh mặc dù trễ nhưng vẫn có thể thực hiện được khi yếu tố đô thị đang hình thành và chưa đạt đỉnh ở vùng này. Tuy nhiên, cần có cơ chế thích hợp để thúc đẩy nhiệm vụ vệ tinh của Thủ Đức chứ không thể áp dụng thể chế chung như các cấp chính quyền của đô thị TP HCM" - bà Trí gợi mở.
Theo PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM, cơ chế, chính sách cho TP Thủ Đức vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện, không khác gì các quận, huyện, do vậy, dù có phân cấp ủy quyền như thế nào cũng chỉ gói gọn ở phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện. Từ đó, ông Hải kiến nghị cho TP Thủ Đức có cơ chế như đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh.
Trong khi đó, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng phải nghiên cứu cơ chế đặc thù vượt trội và phân cấp, phân quyền như thế nào để thành phố này phát triển đúng như kỳ vọng.
Theo ông Bảy, trước mắt cần tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức cũng như bổ sung một số chức năng, thẩm quyền cho TP Thủ Đức. Biên chế cũng phải tính toán cho phù hợp với khối lượng công việc; nghiên cứu thành lập thêm các phòng chuyên môn để tham mưu cho TP Thủ Đức, như thêm Ban Đô thị để quyết định các chính sách, giám sát các vấn đề đô thị. Về lâu dài, ông Bảy nói cần đề xuất có Luật Chính quyền đô thị để giải bài toán "xin cơ chế đặc thù" của các địa phương.
Người lao động