Nên hay không ngồi vào ghế ưu tiên cho người khuyết tật lúc vắng chỗ: Câu chuyện tranh cãi dài bất tận của cả thế giới
Người cho rằng chỗ ưu tiên thì luôn cần được bỏ trống để dành cho người cần. Ý kiến khác lại cho rằng đó chỉ là ưu tiên, không bắt buộc nên có thể sử dụng, chỉ cần nhường lại khi đúng thời điểm là được.
- 01-10-2020Trợ lý kể chuyện cảm động về HLV Park Hang-seo: “Chẳng lẽ mình có chút tiếng tăm, lại đi quên những năm tháng đó”
- 01-10-2020"Trăm nghe không bằng một thấy", chuyến đi đến xứ sở Phù Tang đã dạy cho tôi 4 bài học về sự tích cực của con người nơi đây
- 01-10-2020Định luật "cây tre" đơn giản mà 90% số đông không làm được: 10 năm "giấu tài" vì 1 phút phát huy
Việc các phương tiện công cộng được trang bị những hàng ghế với chữ "priority" (ưu tiên) là điều đã quá thường thấy. Đó là những chiếc ghế được hiểu là ưu tiên cho người khuyết tật, bà bầu, người già và trẻ em (ít nhất là tại Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới).
Nhưng câu chuyện nên hay không nên ngồi vào hàng ghế này trong lúc vắng người thì lại không đơn giản. Như trong bài đăng mới đây trong một nhóm trên mạng xã hội tại Việt Nam có đề cập đến việc hàng ghế ưu tiên trong sân bay bị nhiều người ngồi vào, dù họ trông "có vẻ" không phải đối tượng được ưu tiên và xung quanh còn rất nhiều chỗ trống.
Chia sẻ trên vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người tỏ ra đồng tình, cho rằng hàng ghế ưu tiên chỉ nên dành cho người được ưu tiên, và bạn phải ngồi vào những chiếc ghế không có cảnh báo ấy như một phép lịch sự tối thiểu. Tuy nhiên, đa số lại phản đối và lên tiếng chỉ trích người đăng đã quá nhạy cảm, bởi sân bay khi đó còn nhiều ghế trống thì họ ngồi đâu cũng được. Vả lại, nếu có đối tượng cần được ưu tiên xuất hiện, hẳn những người ở đó sẽ sẵn sàng nhường lại ghế mà thôi.
Vậy rốt cục, hàng ghế ưu tiên thực sự là như thế nào, và liệu chúng ta có nên (và có được phép) ngồi vào đó khi vắng người hay không?
Ý nghĩa thực sự của ghế ưu tiên là gì?
Theo định nghĩa chung, ghế ưu tiên là những chiếc ghế được thiết kế riêng bởi các nhà vận hành phương tiện giao thông công cộng (xe bus, sân bay, tàu điện...) với mục đích để người già, người tàn tật, phụ nữ mang thai và người bị thương có thể sử dụng phương tiện một cách thuận tiện và thoải mái như người bình thường.
Với định nghĩa như vậy, những đối tượng có thể tiếp cận chiếc ghế này rõ ràng là người già, phụ nữ mang thai, người tàn tật hoặc thương tật. Tuy nhiên trên thực tế, không có bất kỳ quy định nào cấm người bình thường ngồi vào chiếc ghế này, dù đa số các trường hợp ai ngồi vào sẽ cần phải nhường lại cho người thực sự cần.
Những chiếc ghế ưu tiên này ban đầu xuất hiện ở Bắc Âu, với mục đích cuối cùng là mang đến một môi trường lý tưởng và công bằng cho tất cả mọi người. Qua thời gian, ý tưởng này lan tỏa đến các nước châu Á, như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) - những nơi có nền văn hóa xem trọng tính lịch sự và sự tôn trọng dành cho người lớn tuổi. Các quốc gia như Úc, Malaysia và Singapore cũng có văn hóa tương tự.
Sự khác biệt trong văn hóa và tranh cãi không hồi kết
Những chiếc ghế ưu tiên thực chất cũng gây ra rất nhiều tranh cãi, về việc ai là người được dùng nó. Chẳng hạn như luồng ý kiến cho rằng chỉ những người cần mới được ngồi vào chiếc ghế này. Ngay cả khi tàu đã kín người, các ghế ưu tiên vẫn phải được để trống, dành cho đối tượng thực sự được ưu tiên.
Đây là tình huống khá phổ biến tại Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc). Đa số giới trẻ sẽ không muốn ngồi vào chúng, bởi họ sợ sẽ bị đánh giá về mặt đạo đức, thậm chí có thể trở thành đối tượng bị "cyberbully" - bắt nạt trực tuyến (do người khác chụp ảnh đăng lên mạng kèm theo những tình tiết thêm mắm dặm muối để câu chuyện đi quá xa).
Tuy nhiên về mặt bản chất, ghế ưu tiên vốn được thiết kế để ủng hộ việc nhường ghế cho người cần. Nếu không có người thực sự cần, ai cũng có thể ngồi vào đó. Trong một cuộc khảo sát trên trang Travel Stack Exchange (Anh), đa số cũng cho rằng đó chỉ là ghế ưu tiên, không phải ghế "chỉ dành cho" một số đối tượng. Nếu không có ai cần thì bạn có thể ngồi, bởi về cơ bản thì đó vẫn là tư thế đảm bảo an toàn nhất khi đang di chuyển.
Câu chuyện về ghế ưu tiên cũng có sự khác biệt tùy từng nền văn hóa. Tại Úc, nếu bạn là người bình thường và từ chối nhường lại ghế cho đối tượng được ưu tiên khi được yêu cầu, bạn có thể bị phạt tiền lên tới 147 đô Úc (khoảng 2,5 triệu đồng tiền Việt). Tại Hàn Quốc, văn hóa của họ đặc biệt xem trọng chuyện dành chiếc ghế này cho người già, bởi ngay cả khi tàu hoặc xe bus đã chật kín, hàng ghế này vẫn sẽ được bỏ trống. Còn tại Anh, cụm từ "ưu tiên" được định nghĩa phải luôn trong trạng thái sẵn sàng để nhường lại nó. Nghĩa là khi không có ai cần, bạn sẽ được sử dụng nó tùy ý.
Vậy còn những người tàn tật "không lộ rõ" thì sao?
Chúng ta sẽ đến với một câu chuyện được chia sẻ trên trang Travel for All, bởi blogger Claire Lindsay. Cô cho biết bản thân mình mắc chứng tự kỷ - được xem là một dạng "tàn tật không lộ rõ" - invisible impairment.
Có nghĩa, nhìn bên ngoài Lindsay không khác gì một người bình thường. Cô không giống người tàn tật hay tự kỷ chỉ bằng việc quan sát, nhưng sẽ cần phải hỗ trợ khi di chuyển nơi công cộng. Cô cho biết mình luôn tránh phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bởi đám đông và tiếng ồn sẽ gây kích động trạng thái lo âu. Cô cũng cần phải ngồi bởi khả năng giữ thăng bằng không được tốt, và bởi cô có thể bị ngất nếu chịu kích động quá mức.
Ảnh minh họa
Trong bài viết, Lindsay đề cập đến việc có một định kiến rõ ràng trong xã hội về những người tàn tật. Theo đó, nhóm người sử dụng xe lăn được đặt lên hàng đầu, theo sau là nhóm với các dấu hiệu rõ ràng (bó bột, chống nạng, đeo kính đen vì hỏng thị lực). Trong khi đó, nhóm "không rõ ràng" lại ít được để tâm đến. Lindsay chia sẻ, có lần cô đề nghị xin được ngồi và nhận lại câu trả lời từ hành khách khác: "Tôi già hơn cô, tại sao tôi phải nhường?"
Bản thân những người tàn tật không lộ rõ cũng luôn cảm thấy ngần ngại khi đề nghị được nhường ghế. Ngay cả khi có ghế ngồi, họ cũng phải khá nỗ lực để bảo vệ chiếc ghế của mình, bởi nhìn bề ngoài họ không khác gì người bình thường cả.
Lindsay muốn kêu gọi một sự thay đổi. Đa số hình minh họa trên các ghế ưu tiên hiện nay đều để chỉ các trường hợp khó khăn rõ ràng (người già, phụ nữ mang bầu, trẻ em, người tàn tật). Cô mong muốn có những cách minh họa rõ ràng hơn, nhằm mục đích nâng cao ý thức của cộng đồng về những người giống như cô.
Nguồn: Accessible Japan, New Mobility, Wikipedia
Pháp luật & Bạn đọc