MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bất lực trước ‘cơn đau’ dai dẳng không hồi kết, người trẻ thất vọng chỉ mong an phận

11-01-2022 - 09:40 AM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bất lực trước ‘cơn đau’ dai dẳng không hồi kết, người trẻ thất vọng chỉ mong an phận

Những “thảm hoạ” không ngừng đang khiến giới trẻ Nhật Bản từ bỏ mọi khát vọng lớn lao.

Nỗi "bất lực dai dẳng" của Nhật Bản

Năm 2021, số lượng thanh niên bước sang tuổi 20 thấp kỷ lục. Lực lượng lao động tương lai của Nhật Bản ngày càng suy giảm và một thế hệ lớn lên với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát thấp và chính sách lãi suất 0% khi chính thức đến tuổi trưởng thành.

Các số liệu mới nhất của chính phủ cho thấy số người Nhật ở độ tuổi 20 vào ngày 1/1/2022 đã giảm 40.000 người so với năm trước, xuống còn 1,2 triệu người, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1968.

Vấn đề sụt giảm phản ánh sự bất lực dai dẳng của Nhật Bản trong việc đảo ngược tình hình sinh con giảm. Năm 2020, tỷ lệ sinh đạt mức 1,34 trẻ em trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và chỉ 840.000 trẻ được sinh ra ở Nhật Bản trong năm đó.

Dân số Nhật Bản giảm xuống còn 126,6 triệu dân vào đầu năm 2021. Con số này trên đà giảm liên tục kể từ mức đỉnh 128 triệu vào năm 2008.

Số lượng người trong lứa tuổi 20 giảm sút kéo nhóm "người mới trưởng thành" của quốc gia này xuống chỉ còn 0,96% và phủ "bóng đen" lên "Ngày lễ Trưởng thành" ở Nhật Bản. Đây là ngày Quốc lễ được chào đón bằng những nghi lễ để đánh dấu sự trưởng thành của những người bước sang tuổi 20, tuổi của niềm vui và trách nhiệm mới.

Rina, người đang thuê trang phục kimono truyền thống cho ngày lễ ở quận Shibuya, thủ đô Tokyo, cho biết: "Tôi rất mong chờ ngày lễ… nhưng tôi không chắc liệu mình có thực sự quá hào hứng với việc trở thành người lớn hay không. Nhật Bản dường như có rất nhiều vấn đề không bao giờ được giải quyết và tôi đoán là chúng giờ trở thành vấn đề của tôi".

Rina nói thêm rằng số người Nhật đến tuổi trưởng thành năm 2022 sẽ tăng khi tuổi trưởng thành hợp pháp giảm từ 20 xuống còn 18. Đây là lần đầu tiên sau 140 năm, độ tuổi trưởng thành hợp pháp được điều chỉnh giảm xuống.

Một thế hệ không còn khát vọng lớn lao

Theo các nhà nghiên cứu về thái độ của giới trẻ đối với công việc và kinh doanh, những thảm hoạ không ngừng về nhân khẩu học của đất nước đã khiến giới trẻ mong muốn sống an phận là mục tiêu lớn nhất.

Một số thanh niên 20 tuổi trả lời tờ Financial Times rằng "tham vọng" lớn nhất của họ là được làm việc ở một công ty và tránh mọi rủi ro. Nhiều người trẻ Nhật Bản cho rằng khởi nghiệp là đâm đầu vào những điều mơ hồ.

Vì những lý do tương tự, sự ủng hộ đối với Đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) trong giới trẻ cao hơn so với các thế hệ trước. Junji Nakagawa, một giáo sư tại Đại học Chuo Gakuin, cho biết điều đó đã phản ánh quan điểm của những người 20 tuổi rằng bối cảnh chính trị khó có thể thay đổi.

"Họ không nghĩ rằng nền kinh tế sẽ tốt hơn trong tương lai vì nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ rất thấp, theo những gì mà họ có thể nhớ được. Số lượng sinh viên muốn trở thành công chức địa phương đã tăng gần đây vì họ mong muốn sống ổn định", giáo sư Nakagawa nói.

Một báo cáo của nhóm nghiên cứu thị trường Macromill tuần trước tiết lộ rằng những người 20 tuổi ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế và tập trung vào nội địa hơn so với các nhóm tuổi trước. Xu hướng này có thể trầm trọng hơn do hạn chế đi lại mà đại dịch Covid-19 gây ra.

So với năm trước, cuộc khảo sát cho thấy số người muốn học tập, làm việc tại nước ngoài, làm việc với người nước ngoài tại Nhật Bản và học ngoại ngữ đã giảm. Đáng chú ý nhất là tỷ lệ người muốn "sử dụng tiếng Anh cho công việc" đã giảm 10,6 điểm từ mức cao nhất năm 2020, xuống còn 38%.

Yuki Murohashi, giám đốc đại diện của nhóm vận động hành lang Hội nghị Thanh niên Nhật Bản, cho rằng những người trẻ tuổi Nhật Bản không có những kỳ vọng lớn lao.

Murohashi nói: "Họ không còn cảm thấy rằng Nhật Bản sẽ vươn lên vì họ không được trải qua sự tăng trưởng kể từ khi mới sinh ra. Nhưng họ cũng không nghĩa rằng đất nước sẽ đi xuống nhiều. Không có kỳ vọng hay thất vọng lớn nào cả".

Tham khảo Financial Times

Khánh Ly

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên