'Nền kinh tế lười biếng' nở rộ ở Trung Quốc: Người trẻ 'gì cũng không muốn làm'
Sau những giờ làm việc căng thẳng, nhiều thanh niên Trung Quốc đang tìm cách giảm thiểu số lượng việc nhà. Họ đã chi hàng nghìn NDT để mua đồ công nghệ và thuê dịch vụ dọn nhà.
Một cuộc khảo sát về sức tiêu dùng năm 2022 của hãng tư vấn Zhimeng cho thấy gần 80% số người được hỏi sinh sau năm 1995 nói rằng họ sử dụng thiết bị thông minh để làm việc nhà. Trong khi đó, 75% cho biết họ sử dụng dịch vụ dọn nhà để tiết kiệm thời gian nấu nướng và dọn dẹp.
Nhu cầu lớn đến vậy đã tạo ra một thị trường ngách gọi là “nền kinh tế lười biếng”, bao gồm mọi thứ từ thiết bị gia dụng thông minh đến dịch vụ giao đồ ăn nấu sẵn.
Dưới đây là 4 xu hướng tiêu dùng đã trở nên phổ biến với giới trẻ Trung Quốc, những người giúp “nền kinh tế lười biếng” ngày càng phát triển:
Đồ ăn giao tận nhà
Nấu đồ ăn sẵn giống như việc bạn thuê 1 đầu bếp tại gia, họ cung cấp cho khách hàng mọi thứ, từ nấu mâm cỗ lễ cho đến các món ăn hàng ngày.
Dịch vụ này đang được chia sẻ rộng rãi trên nền tảng Xiaohongshu, khi người dùng cho biết chi phí cho dịch vụ này là từ 68 đến 128 NDT (10-20 USD) cho tối đa 4 món ăn. Một số nhà cung cấp dịch vụ thậm chí còn cam kết sẽ dọn dẹp sau đó.
Hu Junzhen - một đầu bếp ở Quảng Châu, người đã kinh doanh dịch vụ nấu ăn sẵn từ tháng 10, chia sẻ: “Trải nghiệm phục vụ thực tế phức tạp hơn so với vẻ ngoài.” Anh phải mất hàng giờ để tìm hiểu về khẩu vị của khách hàng.
Hu Junzhen mở dịch vụ bán đồ ăn nấu sẵn.
Hu cho biết hầu hết khách hàng của anh là lao động trẻ ở thành thị và những bà mẹ không có nhiều thời gian nấu ăn vì phải chăm sóc con cái.
Tuy nhiên, ngành đang phát triển này gặp phải những thách thức liên quan đến thủ tục tiêu chuẩn hoá và cảnh báo của các cơ quan giám sát về an toàn thực phẩm, cùng các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư. Hu cho biết, anh cố gắng đảm bảo an toàn cho khách hàng và hy vọng sẽ có nhiều khách hơn.
Dịch vụ dọn nhà “kiểu mới”
Nhiều người trẻ không tiếc tiền thuê dịch vụ chuyên gia "tổ chức cuộc sống". So với các dịch vụ truyền thống, thì loại hình này là lựa chọn có thể điều chỉnh theo ý khách hàng dù có mức giá cao hơn.
Li Xiaorong - nhà sáng lập startup cung cấp dịch vụ dọn dẹp ở Hàng Châu, cho biết hầu hết khách hàng của cô là các bà nội trợ trẻ, nhân viên văn phòng cấp cao và KOL. Cô nói rằng, nhiều người chọn dịch vụ này để giúp giải quyết các vấn đề về… tình cảm.
Li nói: “Nhiều lúc, việc này không chỉ giải quyết vấn đề liên quan đến đồ vật mà còn là giải quyết những vấn đề liên quan đến mối quan hệ.” Cụ thể, nhiều bà nội trợ đã sử dụng dịch vụ này như 1 cách để hoà giải những tranh cãi với thành viên trong gia đình, trong khi nhân viên văn phòng thì coi không gian sống có tổ chức là sự hài hoà.
Theo một bài báo trong ngành, giá trị sản xuất hàng năm của ngành “tổ chức cuộc sống” đạt 100 tỷ NDT vào năm 2020. Năm 2021, Bộ Nhân sự và An sinh xã hội công nhận đây là một nghề mới, cho biết ngành này cần 20.000 nhân tài mới khi nhu cầu ngày càng tăng.
Đồ ăn sơ chế
Tháng 7 năm ngoái, hàng triệu người dùng đã tham gia 1 buổi livestream trên Douyin để mua món cá dưa cải bắp được làm sẵn với giá 0,01 NDT (khoảng 34 đồng). Buổi livestream kéo dài 19 giờ của công ty fintech Qudian đã kết thúc và ghi nhận doanh thu 250 triệu USD.
Biển quảng cáo một món ăn sơ chế tại siêu thị ở Bắc Kinh.
Nhu cầu mạnh mẽ với các sản phẩm này đã thu hút một số lượng lớn các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này trong những năm gần đây. Doanh số của các món ăn sơ chế trong dịp 11/11 năm ngoái đã tăng gấp đôi so với năm trước. Theo ước tính của công ty tư vấn thị trường iMedia, Trung Quốc hiện có khoảng 64.000 doanh nghiệp làm việc liên quan đến thực phẩm sơ chế và thị trường dự kiến đạt hơn 1 nghìn tỷ NDT vào năm 2026.
Luo, một người mua hay mua đồ sơ chế, chia sẻ: “Sản phẩm này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và việc nấu một món ăn trở nên dễ dàng hơn nhiều so với những người mới nấu ăn như tôi. Tôi nhận được cả thực phẩm sống và gia vị, nên chỉ cần cho vào nồi.”
Đồ gia dụng thông minh
Khảo sát của Zhimeng cho thấy 69% người sinh sau năm 1980 tự gọi mình là “chuyên gia” sử dụng các thiết bị dọn nhà thông minh. Con số này tăng lên 90% với những người sinh sau năm 2000.
Nhu cầu khiến việc nhà trở nên dễ dàng hơn đã tạo ra sự bùng nổ cho các thiết bị thông minh, với 260 triệu sản phẩm đã được tung ra thị trường vào năm 2022. Robot lau nhà là một trong những đồ phổ biến nhất, với doanh thu ở Trung Quốc đạt 11 tỷ NDT vào năm 2021, tăng 17% so với năm trước, theo hãng tư vấn thị trường AskCI. Các robot này có khả năng tự chủ cao, có thể tự đổ đầy nước, tự giạ và làm khô giẻ lau nhà.
Irene Ge - một người sống ở Thượng Hải và trả gần 6.000 NDT để mua robot hút bụi, cho biết: “Điểm hấp dẫn là nó giúp tôi hoàn thành những công việc thường ngày. Đó là sự giải phóng cho bàn tay và cơ thể tôi.”
Tham khảo Sixth Tone
Nhịp sống thị trường