Nền kinh tế rơi tự do vì bất ổn chính trị, Myanmar chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất?
Từ chỗ là nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 6% trong 10 năm qua, GDP Myanmar được World Bank dự báo sẽ suy giảm tới 10% trong năm 2021, mức tồi tệ nhất ở châu Á.
- 02-04-2021Từng hấp dẫn hàng đầu châu Á, kinh tế Myanmar đang tê liệt vì bất ổn chính trị
- 11-03-2021Chính quyền Biden trừng phạt con cái của nhà lãnh đạo đảo chính Myanmar
- 03-02-2021Bước đi lỡ làng của IMF với Myanmar?
Là chủ 1 quán trà nằm ngay bên cạnh địa điểm thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình ở thành phố lớn nhất Myanmar, Soe đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Nếu như người biểu tình chạy vào quán để trốn lực lượng quân đội, người chủ quán 43 tuổi có thể bị bắn chết, bị bắt hoặc thậm chí quán của anh có thể bị san phẳng. Tuy nhiên, nếu như đuổi người biểu tình đi, anh sẽ bị chỉ trích trên Facebook và rất có thể quán sẽ bị tẩy chay.
"Giờ tôi không thể mở cửa quán hàng ngày nhưng vẫn phải trả tiền thuê, thuế má và trả lương cho nhân viên đầy đủ", Soe nói. "Ở Yangon cũng có rất nhiều chủ tiệm như vậy. Chúng tôi không biết có thể tồn tại bao lâu nữa nếu như cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp tục".
Các hộ kinh doanh nhỏ như Soe là "nạn nhân" đầu tiên của 1 nền kinh tế đang rơi tự do trong lúc Myanmar chìm sâu trong khủng hoảng chính trị. Cho đến nay cuộc khủng hoảng khiến ít nhất 614 thiệt mạng và khiến các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt tháo chạy trong khi các quốc gia phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Myanmar.
Các con đường vận chuyển đường biển phải tạm thời đóng cửa vì tài xế xe tải đình công, khiến những container hàng hóa nằm la liệt tại các bến cảng. Các doanh nghiệp bị hạn chế rút tiền mặt, đồng nghĩa chậm trả lương cho nhân viên. Quân đội cũng hạn chế người dân truy cập Internet, khiến các doanh nghiệp càng khó tiếp cận khách hàng hơn. Và hàng nghìn viên chức nhà nước đang đình công, khiến dịch vụ công cộng ở nhiều khu vực bị gián đoạn.
Giờ đây những thành tựu kinh tế mà Myanmar đạt được sau 1 thập kỷ mở cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài đang dần biến mất nhanh chóng. Từ chỗ là nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 6% trong 10 năm qua, GDP Myanmar được World Bank dự báo sẽ suy giảm tới 10% trong năm 2021, mức tồi tệ nhất ở châu Á.
Các nền kinh tế Đông Nam Á đều hồi phục trong năm 2021 ngoại trừ Myanmar
Thậm chí một số chuyên gia phân tích khác còn đưa ra kịch bản tồi tệ hơn. Fitch Solutions dự báo mức tụt giảm 20% cho năm tài khóa 2020-21. Theo Fitch, số người thiệt mạng tăng lên cùng với bất ổn xã hội ngày càng tăng khiến "mọi lĩnh vực cấu thành nên GDP đều có nguy cơ sụp đổ.
Ở Yangon thời điểm hiện tại, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và những cửa hàng nhỏ vẫn chất đầy hàng hóa và giá cả vẫn khá ổn định. Tuy nhiên, những dấu hiệu căng thẳng đang dần xuất hiện. Sau khi một số ngân hàng giới hạn chỉ được rút tối đa 200.000 kyat (tương đương 135 USD) từ các cây ATM mỗi ngày, đã xuất hiện những hàng dài xếp hàng bên ngoài các ngân hàng và cây ATM. Nhu cầu về vàng và USD tăng đột biến.
Trong cuộc biểu tình vừa qua, một vài nhà máy của Trung Quốc đã bị đốt phá. "Bắc Kinh không hài lòng với cuộc đảo chính và những mớ hỗn độn phía sau, đặc biệt là những cuộc tấn công vào nhà máy của Trung Quốc, do đó cả chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không còn muốn đầu tư vào đây", theo nhận định của tổ chức International Crisis Group.
Điều đó khiến Myanmar không còn nhiều lựa chọn để có thể hồi sinh tăng trưởng. Tháng trước chỉ số PMI của Myanmar đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 27,5 – thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 48,9 điểm kể từ tháng 12/2015 đến nay.
"Nền kinh tế sẽ sụp đổ, phá hủy cuộc sống của hàng triệu người. Dù điều gì diễn ra sắp tới thì Myanmar cũng khó có thể hồi phục trong nhiều năm nữa", Thant Myint U, tác giả cuốn "The Hidden History of Burma: Race, Capitalism, and the Crisis of Democracy in the 21st Century" nhận định.
Giờ đây câu hỏi là mọi chuyện sẽ tồi tệ đến mức nào. Tháng trước World Bank cảnh báo tỷ lệ đói nghèo của Myanmar sẽ tăng vọt, trong khi UNWFP nhận định cuộc khủng hoảng này sẽ khiến "những người nghèo nhất và nhóm dễ bị tổn thương nhất khó có thể có đủ thức ăn cho gia đình".
Tham khảo Bloomberg