MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ đang “bổ trợ” cho nhau

Thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Đây là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2020, tổ chức ngày 18/11 với chủ đề "25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước".

Thương mại song phương tăng trưởng mạnh suốt 25 năm

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong nhiều năm Hoa Kỳ vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hoa Kỳ.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sang Hoa Kỳ 10 tháng đầu năm đạt 62,36 tỷ USD, chiếm 27,1% tổng kim ngạch. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng liên tục tăng mạnh qua các năm, 10 tháng đầu năm đã đạt đến con số 24%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 11,43 tỷ USD. Qua đó đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ 10 tháng đầu năm lên 73,79 tỷ USD.

Cũng theo Tổng cục Hải Quan, trong 25 năm qua kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần. Từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương, kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên đến 75,7 tỷ USD năm 2019.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính lũy kế đến tháng 9/2020, Hoa Kỳ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Tổng vốn đăng ký đạt 9,4 tỷ USD với 1.063 dự án.

Tiềm năng xuất khẩu vào Hoa Kỳ vẫn còn rất lớn

Ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Bởi lẽ, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, thủy sản, đồ điện tử. Trong khi đó, Việt Nam lại thường xuyên nhập khẩu lớn những mặt hàng chủ lực của Hoa Kỳ như máy móc, nguyên vật liệu, công nghệ nguồn…

Hơn nữa, Việt Nam cũng đang cho thấy nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và kinh tế số - những lĩnh vực thế mạnh của Hoa Kỳ. Với kinh nghiệm sẵn có, Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển tại Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu rất lớn về đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, kinh tế số ở Việt Nam ngày càng phát triển, do đó vấn đề an toàn, an ninh mạng trở nên vô cùng quan trọng. Nếu Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác trong lĩnh vực này sẽ tạo ra mạng lưới liên kết rộng lớn, có thể hỗ trợ lẫn nhau nhằm tăng cường an ninh mạng.

Mặt khác, "Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn để mở rộng xuất khẩu vào Hoa Kỳ", ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ tại Hoa Kỳ đánh giá. Trong quý 3, kinh tế Hoa Kỳ đã có sự hồi phục mạnh mẽ sau khi tăng trưởng âm vào đầu năm. Chi tiêu dùng tăng cao bất chấp thu nhập người dân giảm, dự kiến đà tăng trưởng dương tiếp tục duy trì đến hết năm 2021.

Bộ Công thương xác định 4 nhóm ngành sẽ gia tăng khả năng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới bao gồm: hàng rau quả, thực phẩm; máy móc, thiết bị; hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng. Song, yêu cầu thị trường sẽ cạnh tranh hơn, chú tâm tới các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa hơn.

Hoài Thương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên