Nestlé Việt Nam và hành trình trở thành doanh nghiệp bền vững nhất năm 2021
Trong khi việc giải quyết bài toán chống biến đổi khí hậu vẫn chưa đến hồi kết thì sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Việt Nam đứng trước thách thức trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Có lẽ chưa bao giờ con đường phát triển bền vững của doanh nghiệp lại trở nên khó khăn đến vậy!
Vào đầu tháng 12/ 2021 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021) với chủ đề "Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau" và Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 2021).
VCSF 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng và tác động nặng nề tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Từ vấn đề sức khỏe, sự an toàn của người dân; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, đứt gãy… cùng với đó là thách thức biến đổi khí hậu, thiên tai làm suy giảm sinh kế của người dân. Có thể nói, sự phát triển bền vững của Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong khuôn khổ diễn đàn, thông điệp phát triển bền vững, cách thức đối phó với biến đổi khí hậu đã được Ban Tổ chức triển khai thông qua chuỗi các hội thảo chuyên đề, nội dung: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.
Về CSI, sau lần đầu tiên tổ chức năm 2016 đã ngày càng tạo được dấu ấn mạnh mẽ và sức lan tỏa trong cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam. CSI 2021 đã chính thức vinh danh Nestlé Việt Nam trở thành doanh nghiệp bền vững nhất năm 2021, tiếp tục ghi dấu ấn của một thương hiệu quốc tế luôn nỗ lực không ngừng vì sự phát triển của cộng đồng trong một năm tài khóa đầy biến động.
Chia sẻ về thành tựu này, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết: "Trong tất cả hoạt động Nestlé đều hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam để "Tạo Giá Trị Chung" là đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội trong khi vẫn đảm bảo sự thành công lâu dài trong kinh doanh, các mục tiêu đó nếu muốn bền vững phải gắn với một tầm nhìn vào tương lai. Chúng tôi tin rằng phát triển bền vững là không đủ mà chúng ta có thể can thiệp để có những tác động tích cực nhằm tái tạo lại hệ sinh thái, góp phần tích cực trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo tồn nguồn tài nguyên cho tương lai. Đây chính là cách tiếp cận mới được chúng tôi định hướng và gắn liền trong các chương trình và sáng kiến phát triển bền vững của công ty."
Trong số các doanh nghiệp quốc tế đang tham gia hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, đến nay biểu tượng tổ chim của Nestlé đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người tiêu dùng trong nước. Quay trở lại Việt Nam từ năm 1995, đến nay Nestlé Việt Nam đang điều hành 4 nhà máy với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp thu mua từ 20-25% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, đóng góp vào nền kinh tế quốc gia khoảng 700 triệu USD/năm...
Vào cuối năm 2021 Nestlé Việt Nam đã xuất sắc ghi dấu ấn là doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam năm 2021 trong lĩnh vực sản xuất. Đây là năm thứ ba liên tiếp Nestlé Việt Nam nằm trong nhóm ba doanh nghiệp bền vững nhất tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia VCCI, Nestlé Việt Nam đã đáp ứng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững năm 2021 với 119 chỉ số bao gồm các chỉ số đo đếm về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số về quy trình quản trị, các chỉ số về bảo vệ môi trường và các chỉ số về xã hội.
Từ năm 2020, chiến lược phát triển bền vững của Nestlé được xác định không chỉ dừng lại ở mục tiêu và hành động bền vững mà đã hướng tới cách tiếp cận toàn diện tập trung vào các mục tiêu nhằm "tái tạo" và "tái sinh" cho hệ sinh thái tự nhiên (Regeneration). Theo đó, các cam kết về phát triển bền vững cho các mục tiêu giúp cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn; giúp phát triển các cộng đồng thịnh vượng và vững mạnh; quản lý tài nguyên cho các thế hệ mai sau, sẽ được gắn kết chặt chẽ để cùng hướng tới mục tiêu bảo tồn tài nguyên cho thế hệ tương lai.
Nestlé đã đặt ra lộ trình cắt giảm phát thải carbon theo từng giai đoạn tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Cuối năm 2021 Nestlé Việt Nam công bố cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025, 100% bao bì có thể tái chế. Cùng với hành trình xây dựng nhóm Đại sứ Xanh, Nestlé Việt Nam đã triển khai hàng loạt chương trình CSR như Nói không với nhựa dùng 1 lần, thu gom và phân loại bao bì đã qua sử dụng... Tại 1.500 trường học, doanh nghiệp này đã khuyến khích trẻ em mang về những thùng giấy rỗng để tiến hành tách nhựa, tái chế thành bóng rổ và ghế dài sử dụng trong trường học và cộng đồng. Điều này không chỉ giảm thiểu rác thải ra môi trường mà còn có tác dụng giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc tái chế.
Trong hoạt động sản xuất, nhận thức được rằng nông nghiệp là nguồn phát thải khí nhà kính chiếm 60 - 70% lượng khí thải của Tập đoàn, Nestlé Việt Nam quyết định chỉ thu mua nguyên liệu thô có nguồn gốc từ nông nghiệp tái sinh để khuyến khích người nông dân thay đổi phương thức canh tác. Thông qua dự án NESCAFÉ Plan, Nestlé Việt Nam đã phân phối hơn 53 triệu cây giống cà phê đến tay người nông dân, cải tạo 53.000ha diện tích cà phê già cỗi tại Tây Nguyên, tổ chức hơn 246.000 khóa tập huấn kỹ thuật canh tác bền vững cho 300.000 nông dân, giúp 21.000 nông dân đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C. Ông Binu Jacob cho biết, tuy mục tiêu xây dựng nông nghiệp tái sinh không thể thực hiện trong thời gian ngắn nhưng Nestlé Việt Nam cam kết sẽ chỉ cung cấp các sản phẩm đến từ nông nghiệp tái sinh đến năm 2050.
Việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cũng trở thành nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của Nestlé tại Việt Nam. Năm 2018 tất cả các nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu không xả thải ra môi trường trong sản xuất để hướng tới mục tiêu năm 2030 không tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất.
Không chỉ giữ vai trò là doanh nghiệp bền vững nhất năm 2021, Nestlé Việt Nam còn được Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) tôn vinh là doanh nghiệp tiêu biểu có cam kết về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Từ năm 2020, doanh nghiệp này đã hợp tác cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ". Thông qua các hoạt động về truyền thông dinh dưỡng, xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ làm chủ kinh tế, hiện nay chương trình đã thu hút hơn 4.000 hội viên tại 10 tỉnh thành, tạo ra những tác động và thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân Việt Nam.
Bước sang năm 2021, tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nhu cầu tiêu dùng của thị trường, hệ thống sản xuất bị hạn chế trong quá trình hoạt động 3T, thiếu nguồn cung lao động giữa các đợt giãn cách... khiến Nestlé Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. "Đứng trước thách thức mới, chúng tôi đã sớm quyết định ưu tiên 3 mục tiêu gồm chăm sóc nhân viên và sự an toàn của họ, đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh và kiên trì với định hướng phát triển bền vững. Đây luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Nestlé Việt Nam", ông Binu Jacob cho biết. Với những gì Nestlé Việt Nam nỗ lực đạt được trong hành trình hơn 100 năm qua, những người yêu mến thương hiệu quốc tế này hoàn toàn có cơ sở để giữ vững niềm tin vào những điều tốt đẹp mà họ sẽ tiếp tục kiến tạo trong thời gian tới.