Nếu biện pháp chống dịch quá chặt chẽ, khó khăn sẽ cản trở tới doanh nghiệp
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Nếu biện pháp chống dịch quá chặt chẽ, khó khăn, cứng nhắc sẽ gây cản trở quá trình thực hiện vốn đầu tư, kể cả doanh nghiệp vốn FDI, hay vốn trong nước.
- 29-09-2021Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 1,82%, thấp nhất 5 năm
- 29-09-2021Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: 'Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra'
- 27-09-2021Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất trong nước
- 26-09-2021Doanh nhân Vũ Văn Tiền: 'Thời điểm này, nếu không mở cửa thị trường và sản xuất thì không chết vì COVID-19, mà chết vì đói nghèo'
Mặc dù ảnh hưởng từ dịch Covid 19 có nhiều diễn biến phức tạp, song vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng qua vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng qua. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD.
Trong 9 tháng qua, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD.
Dù đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng các tỉnh phía Nam vẫn cho thấy sức hút hấp dẫn với các nhà đầu tư, tỉnh Long An dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta kể từ đầu năm đến nay. Những con số này cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để có được những kết quả này do biện pháp chống dịch hiệu quả cùng mô hình “3 tại chỗ” phát huy tốt: "Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... họ đã nhanh chóng giúp cho các doanh nghiệp FDI có thể thực hiện được 3 tại chỗ, cũng như triển khai việc một cung đường hai điểm đến. Chính vì thế, việc vượt qua dịch một cách nhanh chóng của các doanh nghiệp FDI, từ đó đã quay trở lại sản xuất, thậm chí là phục hồi và phát triển mạnh hơn nữa".
Mặc dù có nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng vẫn tồn tại những thách thức trong thu hút nguồn vốn FDI những tháng cuối năm nay. Theo các chuyên gia kinh tế quan trọng là quyết tâm trong chính sách của địa phương, đảm bảo vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế. Cùng với đó là xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư.
Theo ông Alain Cany Chủ tịch, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cần thiết phải đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine diện rộng của Việt Nam; đảm bảo sự lưu thông tự do của hàng hóa; đi lại thuận tiện hơn cho người lao động. Đồng thời, cần rút ngắn thời gian cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia đã được tiêm vắc xin trở lại Việt Nam làm việc; đảm bảo các nhà máy và công ty có thể hoạt động trở lại càng sớm càng tốt.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình thì cho rằng, khi xác định không thể sạch bóng Covid-19 ngay trong thời gian tới thì các địa phương cần tạo ngay mô hình hoạt động an toàn, hiệu quả đảm bảo chuỗi cung ứng được thông suốt sẽ là một hình ảnh tốt đối với các nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình lưu ý: "Yêu cầu phải phòng chống dịch bệnh một cách nghiêm ngặt, nhưng vẫn phải có những khoảng không về phát triển kinh tế, để cho các dự án FDI có thể thực hiện. Bởi vì việc đăng ký vốn đầu tư chỉ là một chuyện, nhưng quan trọng hơn đó là việc thực hiện những nguồn vốn đã đăng ký. Nên nếu biện pháp chống dịch quá chặt chẽ, khó khăn, cứng nhắc sẽ gây cản trở quá trình thực hiện vốn đầu tư, kể cả doanh nghiệp vốn FDI, hay vốn trong nước. Điều quan trọng nhất là phải có biện pháp để thích ứng được với tình hình mới"./.
VOV