MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu chưa trở thành tỷ phú, có thể bạn đã bỏ qua 10 điều sau

23-07-2016 - 05:20 AM | Sống

Trở thành tỷ phú bằng cách tự lập nghiệp chưa bao giờ dễ dàng nhưng là có thể nếu bạn mạnh dạn thay đổi, học hỏi những điều cần thiết và đặt ra mục tiêu tài chính để đạt được. Khi đó, giấc mơ tỷ phú sẽ không quá xa vời.

“Cần cù bù thông minh”

Để trở thành tỷ phú bằng sự nghiệp do chính mình gây dựng, bạn phải làm việc thật chăm chỉ. Nhiều quan điểm cho rằng, những người làm kinh doanh thành công bởi họ sinh ra để trở thành doanh nhân. Điều này không hẳn đúng. Tỷ phú thành công và giàu có nhờ sự cố gắng phát triển từng ngày.

Truyền cảm hứng cho niềm đam mê

Một người có thể thành công ở hầu hết các lĩnh vực mà họ có niềm đam mê không giới hạn. Tỷ phú là những người biết họ thích gì, không ngại theo đuổi và luôn chủ động bước đi trên con đường họ đam mê. Không thể phủ nhận một số tỷ phú thành công nhờ hậu thuẫn tài chính lớn, tuy nhiên, họ cũng phải biết cách vượt qua khó khăn, thách thức tồi tệ nhất có thể xuất hiện trên thương trường.

Đa dạng hóa nguồn thu nhập

Tỷ phú thường có nhiều nguồn thu nhập đa dạng. Mặc dù làm việc theo đam mê nhưng họ luôn biết cách làm thế nào để duy trì nguồn tài chính vững chắc. Chẳng hạn như, nếu tập trung chủ yếu vào bất động sản, họ sẽ có chiến lược khai thác triệt để thị trường đó thông qua việc đầu tư các khu dân cư, cổ phần tư nhân, dịch vụ tư vấn và quản lý bất động sản.

Không ngừng học hỏi

Tỷ phú không bao giờ ngừng học hỏi. Theo tờ Richhabits, 85% người giàu đọc ít nhất 2 cuốn sách mỗi tháng về tất cả các lĩnh vực như tâm lý, kinh doanh, khoa học, lãnh đạo và truyền cảm hứng.

63% tỷ phú có thói quen nghe audiobook (sách nói) trên đường đi làm. Thế kỷ 21, thời đại giáo dục trực tuyến phát triển hơn bao giờ hết nên việc thiếu kiến thức do điều kiện học tập sẽ chỉ là cái cớ cho sự lười biếng.

Đầu tư vào người thành công

Đầu tư để có thu nhập nhưng quan trọng nhất là biết đầu tư khôn ngoan, đúng thời điểm và chỉ đầu tư cho những người thành công. Tham gia vào nhóm người có sự nghiệp thành đạt giúp bạn có khả năng nhận được sự giúp đỡ từ người đi trước. Những người giỏi luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Bạn có thể thành công nhanh nhất bằng cách giúp người khác thành công.

Tìm người cố vấn

Cố vấn của bạn phải là người có kiến thức và kinh nghiệm đủ để hướng dẫn bạn làm thế nào đạt được mục tiêu và kết quả như mong muốn. Ở thời điểm mới bắt đầu gây dựng sự nghiệp, nếu có sai lầm, cái giá phải trả rất đắt. Đây là lý do, một người cố vấn cực kỳ quan trọng ở giai đoạn này.

Cố vấn là người đưa ra tầm nhìn xa, chiến lược và phản biện. Không ngạc nhiên khi có tới 93% doanh nghiệp trả tiền để thuê một cố vấn giỏi.

Kiểm soát tình trạng tâm lý

Tỷ phú hành động khác so với người nghèo. Quan sát ngôn ngữ cơ thể, lắng nghe cách họ nói chuyện và xem xét những giá trị họ nắm giữ. Tỷ phú là người không bỏ cuộc dễ dàng, họ có thể kiểm soát sự nóng vội để mở ra nhiều cơ hội mới. Nếu không có cơ hội tiếp xúc với một vị tỷ phú, bạn vẫn có thể học nhiều điều từ họ bằng cách tìm mua những cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của tỷ phú.

Có mục tiêu rõ ràng

Tỷ phú thường đặt ra các mục tiêu rõ ràng và ưu tiên tập trung vào những mục tiêu quan trọng nhất. Họ biết cần làm gì và khi nào hành động. Ngoài bộ não thông minh, tỷ phú luôn sẵn sàng làm việc chăm chỉ, không ngại dành thời gian suy nghĩ chiến lược để đạt được mục tiêu.

Quản lý tốt thời gian

Bạn không thể thành tỷ phú nếu không biết cách quản lý thời gian. Tất cả mọi người đều bình đẳng về vấn đề này, cho dù có là tỷ phú hay không, mỗi người cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Phân chia thời gian hợp lý để làm việc góp phần quyết định thành công.

Kiên trì và học cách chấp nhận thất bại

Tỷ phú thường có ước mơ lớn, họ suy nghĩ tích cực, không bỏ cuộc ngay cả khi những người khác không tin nổi điều họ đang làm. Người giàu nhận ra, thất bại là một phần của sự phát triển; có thất bại mới có thành công. Sau mỗi lần vấp ngã, họ rút ra được bài học có giá trị. Khác với những người kém ý chí, họ không ngại đặt ra câu hỏi và tìm sự giúp đỡ khi cần.

Nguyễn Nguyễn

Business Insider

Trở lên trên