MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu đã 25 tuổi mà chưa nhận ra những bài học này thì bạn chưa lớn được đâu

29-11-2016 - 13:45 PM | Sống

Nếu đã 25 rồi mà bạn vẫn thường xuyên hậm hực về việc người khác làm trái ý mình thì nên xem lại; một người hai người nói có thể do ý kiến chủ quan, nhưng nếu "thế lực thù địch" đối với bạn quá đông, thì có thể vấn đề là nằm ở chính mình.

25 tuổi vẫn được xem là người trẻ, nhưng nó không còn là cái thời 18 tuổi mộng mơ bước vào đời với rạo rực những hoài bão ước mơ nữa rồi. Cột mốc tuổi 25 chính là lúc mà người ta bắt đầu chững lại, nhìn xem mình đã và đang làm được gì, đứng ở đâu trong xã hội này, khẳng định được bản thân mình là ai.

Nếu cái tôi cao quá, thì trèo xuống bớt đi

Nhiều người lầm tưởng lòng tự trọng của mình chính là "cái tôi", vậy nên ra đời có bao nhiêu là hừng hực đấu khẩu, sếp nói sai thì một mực cãi đúng, nói nặng nhẹ một chút là giãy nảy lên: "Tôi là vậy đấy" rồi nộp đơn nghỉ việc. Khi lòng tự trọng là biết mình biết ta, làm việc có trách nhiệm và cư xử khéo kéo, thì cái tôi/ cái sĩ diện gần như đi ngược lại với tất cả. Nếu đã 25 rồi mà bạn vẫn thường xuyên hậm hực về việc người khác làm trái ý mình thì nên xem lại; một người hai người nói có thể do ý kiến chủ quan, nhưng nếu "thế lực thù địch" đối với bạn quá đông, thì có thể vấn đề là nằm ở chính mình.

Chưa thành công thì không sao, nhưng ít nhất hãy để cho mình "được" thất bại

Có ai lại muốn làm gì đó mà bị thất bại đâu, nhưng đó là điều mà tất cả mọi người đều trải qua. Đặc biệt, nhân vật nào càng vĩ đại, doanh nhân nào càng thành công, thì mức độ thất bại trước đó lại càng nhiều. Tôi nói hãy để cho mình "được" thất bại, ở đây chính là việc bạn phải chịu dấn thân bắt tay vào làm, lăn xả vào những điều chưa từng thử thì mới nói đến chuyện có cơ hội nếm mùi thành công hay thất bại. Chứ cứ đứng trong vùng an toàn rồi hờ hững đánh giá người khác "lên voi xuống chó". Bạn không thấy rằng mình đang rất thiếu bản lĩnh đó sao?

Ngưng đeo mác "an phận"

Nhiều người chỉ mới 25 đã hô hào với người khác rằng: "Tôi giờ an phận rồi", "Ráng làm kiềm tiền sau này dưỡng già". Nếu thực sự "an phận" bạn đã chẳng bao giờ thấy rằng kẻ A người B đang sướng thế, giàu thế, bởi bạn biết mình đang lựa chọn những gì và hoàn toàn hài lòng với điều đó. Còn nếu bạn cứ ngày ngày lướt facebook và ghen tị với những người check in ở những cung trời khác, với các bài báo về những chủ doanh nghiệp trẻ kiếm hơn nghìn đô mỗi tháng, thì xin lỗi nhé, bạn chỉ đang dùng cái mác "an phận" để bao biện cho sự lười biếng không chịu phấn đấu của mình mà thôi.

25 tuổi rồi, bạn hiểu bản thân mình tới đâu?

Thường những suy nghĩ trong ngày ta đều hướng về người khác: chuyện đồng nghiệp ở cơ quan, đám bạn thân rục rịch gửi thiệp mời, tin tức sao này đang cặp kè với sao nào đó, bla bla... Hiếm khi nào bạn tự ngồi lại và hỏi mình: Hôm nay ta cảm thấy thế nào? Vì sao ta lại phản ứng như vậy với việc đó? Ta có thể rút kinh nghiệm được gì ở chuyện kia,... Đôi khi, chúng ta quá để tâm đến những vấn đề của người khác, thậm chí là những người lạ không quen biết, mà quên mất rằng bản thân mình đây mới chính là thứ cần được hiểu nhất, cần được đầu tư nhất và quan trọng nhất trong cuộc sống này. 25 tuổi là lúc bạn cần hiểu bản thân mình rõ hơn, biết được mình thực sự muốn gì cần gì để vạch ra được những hướng đi đúng đắn tiếp theo, đừng lơ là nó nữa.

Mối quan hệ không tự nhiên mà có

Nếu đã 25 tuổi mà bạn vẫn đang nghĩ rằng mọi mối nhân duyên đều là do trời định và phó mặc cho trời thì vẫn còn kịp thời gian cho bạn thay đổi đấy. Cho dù là có duyên trời định thật đi nữa thì cũng không thiếu gì duyên tự tạo đang ngày ngày trôi tuột qua tay nếu bạn không biết cách nắm bắt. Mọi mối quan hệ đều cần có sự đầu tư, từ quan hệ công việc cho đến bạn bè thân thiết. Và đừng nghĩ cứ để mặc mọi thứ tự nhiên thì mối quan hệ sẽ tự động phát triển, nếu muốn mọi người thật sự thân thiết với bạn, hãy chứng tỏ bản thân mình là người xứng đáng trước.

Bạn có đang lãng phí "vàng" của mình?

Đã từng có một thời gian tôi cảm thấy câu "Sức khỏe là vàng" thật vô nghĩa, cho đến khi nhận ra sự thay đổi chóng mặt về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của mình nếu không được chăm sóc cẩn thận. Chúng ta đang lãng phí "mỏ vàng" trời cho này bằng những thói quen, những sở thích nuông chiều bản thân qua từng ngày một cho đến khi nó trở nên đáng báo động. Đừng cười khẩy khi ai đó khuyên bạn nên đi khám sức khỏe định kì, đó là cách tốt nhất để bạn nắm bắt tình trạng thể chất của bản thân cũng như khiến bạn biết sợ để mà thay đổi ngay lập tức.

Có của ăn, của để

Chẳng hay ho gì khi bạn kiếm 1 tiêu 10, nhưng cũng sẽ thật đáng tiếc nếu bạn dành tất cả số tiền mình kiếm ra dồn cho việc tiết kiệm. Ở cái tuổi 25, bạn cần học cách cân bằng giữa những nhu cầu cá nhân với việc để dành ra những khoản tiền dự phòng nhất định. Đừng tiêu tiền theo kiểu có bao nhiêu xài bấy nhiêu nữa, hãy lập ra những kế hoạch thu chi, tiết kiệm thật cẩn thận, và cố gắng hạn chế "tiền âm" (nợ) tới mức thấp nhất có thể.

Nếu ai đó nói bạn đã thay đổi, hãy mừng vì điều đó

Tất cả mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, và đó là quy luật rồi. Thay đổi để thích nghi, thay đổi để tốt hơn, thay đổi để trưởng thành hơn, khôn ngoan hơn, tự tin hơn, thì đó là những thay đổi đáng mừng. Nếu không thay đổi, bạn sẽ mãi là bạn của vài ba năm về trước, chỉ có điều là phiên bản hiện tại già hơn, xấu hơn, tư duy cũ kĩ hơn mà thôi.

Có trách nhiệm với chính mình, ngưng đổ lỗi

Ở cái tuổi này rồi thì bạn đừng bao giờ nghĩ rằng người khác sẽ phải có trách nhiệm đau khổ hay tức giận cùng bạn. Chẳng phải chính bạn mới là người quyết định tất cả đó sao. Từ trong công việc đến những mối quan hệ thường ngày, hãy học cách chịu trách nhiệm trước những vấn đề liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Bạn không còn là đứa trẻ 5 tuổi để khóc không lý do cũng có anh, chị, em đứng ra "chịu trận" thay. Sự trưởng thành và chín chắn không nằm ở độ tuổi mà nó nằm ở cách bạn "dám làm dám chịu" ra sao đấy.

Sau tất cả, hãy luôn nhớ yêu bản thân thật nhiều

Yêu bản thân không phải là bạn nuông chiều chính mình bằng cách ăn uống vô tội vạ hay chơi bời tiệc tùng thâu đêm cho thỏa thích rồi sống theo kiểu muốn làm gì thì làm không ngán ai. Cái gì cũng cần có những giới hạn nhất định. Học cách hiểu rõ hơn về tâm hồn mình, đối xử tốt với cơ thể của bản thân, hấp thu nhiều hơn những nguồn năng lượng tích cực và cũng từ đó mà đối xử thật chân thành với những người xung quanh. Cho đến khi bạn thôi không còn hao tổn tâm trí về những tác động từ bên ngoài mà nhận ra rằng bên trong bản thân mình mới là thứ cần được chăm sóc tốt nhất, thì đó là lúc mà bạn thành công rồi đấy.

Theo Hà Katie

Trí thúc trẻ

Trở lên trên