“Nếu đã nâng lãi suất, cần tính đến bỏ trần tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”
Mức độ tăng lãi suất 1% thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt để kìm dòng vốn đầu tư nước ngoài bớt dịch chuyển ra khỏi Việt Nam, ông Thế Anh phân tích.
- 23-09-2022TS. Trương Văn Phước: Việt Nam tăng lãi suất điều hành thời điểm này là phù hợp
- 23-09-2022"Nâng lãi suất, Việt Nam rút ra bài học nhìn từ câu chuyện của Fed"
- 23-09-2022Lãi suất huy động dưới 6 tháng tăng mạnh từ hôm nay, những khoản tiền gửi trước ngày 23/9 sẽ được tính thế nào?
Mức độ tăng lãi suất 1% thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt để kìm dòng vốn đầu tư nước ngoài bớt dịch chuyển ra khỏi Việt Nam, ông Thế Anh phân tích.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 21/9 đã nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 75 điểm cơ bản. Sang ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có quyết định nâng lãi suất điều hành thêm 1%.
Tác động của động thái mới nhất này lên doanh nghiệp và ảnh hưởng của nó lên mục tiêu kiểm soát lạm phát, với tăng trưởng GDP cũng như dự tính bước tiếp theo của Nhà điều hành là những nội dung chúng tôi trao đổi nhanh với PGS.TS. Phạm Thế Anh - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
"Đến lúc không thể giữ được nữa"
Thưa ông, vì sao đến thời điểm này SBV mới tăng lãi suất điều hành và như vậy có muộn không, ông đánh giá ra sao về mức tăng 1%?
Ông Phạm Thế Anh: Chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam trong thời gian vừa rồi được điều hành theo hướng cố gắng tạo điều kiện chi phí thấp cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, phục hồi kinh tế. Chính vì vậy họ cố gắng duy trì lãi suất thấp trong thời gian vừa qua, như vậy doanh nghiệp kinh doanh cũng được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, các biến động trên thế giới nhìn chung rất tiêu cực, và đã đến lúc không thể giữ được nữa, không thể giữ được lãi suất và tỷ giá như trước nữa, bắt buộc phải nâng lãi suất lên để đạt được mấy mục tiêu: kiểm soát lạm phát, nhưng có lẽ quan trọng hơn là giữ ổn định tỷ giá hối đoái cũng như ngăn sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Mức tăng lãi suất điều hành mới nhất theo tôi cũng khá cứng rắn. Fed tăng 0,75% thì NHNN tăng 1%, từ trần lãi suất huy động cũng như các loại lãi suất chính sách, tái cấp vốn, tái chiết khấu, các loại lãi suất này đồng loạt tăng, tức là tăng nhiều hơn so với Fed. Mức độ tăng này thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt để kìm dòng vốn đầu tư nước ngoài bớt dịch chuyển ra khỏi Việt Nam, họ ưu tiên mục tiêu đó.
Tuy nhiên cũng có những sự đánh đổi ở đây.
Nếu tăng lãi suất càng cao, càng nhiều, sẽ càng giữ được tỷ giá hối đoái, không bị phá giá, càng giữ được dòng vốn ngoại chảy ra khỏi Việt Nam. Tác dụng phụ sẽ là khu vực kinh tế trong nước sẽ ngày càng khó khăn hơn, các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí vốn vay cao hơn.
Tăng lãi suất càng nhiều càng giữ được tỷ giá, càng tránh được sự chuyển dịch của dòng vốn và kiểm soát được lạm phát, thế nhưng cái giá phải trả là chi phí vốn vay doanh nghiệp cao hơn, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại, mức tăng trưởng không cao như trước nữa khá lớn, đó là sự đánh đổi trong chính sách vừa rồi.
Có độ trễ nhất định...
Tăng lãi suất mạnh như ông nói trong khi lạm phát Việt Nam vẫn rất thấp, vậy có phải là phòng ngừa từ xa với kịch bản lạm phát?
Hành động vừa rồi của NHNN theo tôi thì không phải do tính toán quá nhiều đến rủi ro lạm phát bởi thực tế đỉnh của lạm phát thế giới đã qua rồi và đang trong xu thế suy giảm, mức độ xuống chậm hay nhanh đến đâu thì chưa thể khẳng định ngay được thế nhưng chắc chắn đang giảm.
Thông thường, chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ nhất định chứ không giống như thị trường tài chính. Trên thị trường tài chính, nếu hôm nay thay đổi lãi suất thì ngày mai giá cổ phiếu trái phiếu có thể biến động ngay được, còn với thị trường hàng hóa sẽ có độ trễ bởi nó cần phải thẩm thấu vào giá hàng hóa dịch vụ, thẩm thấu vào các quyết định tiêu dùng đầu tư của hộ gia đình và doanh nghiệp.
Như vậy có thể nói rằng nếu như không có bất ngờ lớn khác trên thị trường hàng hóa, lạm phát sẽ giảm.
Vì vậy, theo tôi, động thái nâng mạnh lãi suất vừa qua của NHNN không hẳn là ưu tiên chống lạm phát mà nhắm đến giữ ổn định của thị trường ngoại hối và thị trường vốn quốc tế.
Cam kết của ngân hàng trung ương đối với vấn đề tỷ giá vô cùng quan trọng với dòng vốn ngoại. Nếu mình đã cam kết ổn định tỷ giá thì mình phải theo đuổi nó bằng được, bất kể bằng công cụ gì để giữ tín nhiệm của ngân hàng trung ương trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài.
Về lâu dài đây có sự đánh đổi, mình chấp nhận hy sinh một phần khó khăn cho doanh nghiệp trong nước nhưng giữ được cam kết về vấn đề tỷ giá. Và khi khó khăn của kinh tế thế giới qua đi, mình có thể kéo dòng vốn ngoại trở lại tốt hơn.
Và điểm "bất khả thi"...
Tăng lãi suất điều hành, trong khi đó Chính phủ vẫn gợi ý làm sao để bình ổn lãi suất cho vay. Tính khả thi của khả năng bình ổn này đến đâu, theo quan điểm của ông?
Với mục tiêu này theo tôi rất khó khăn! Nếu như không muốn nói là bất khả thi.
Bởi lý do đơn giản là khi anh đã tăng các lãi suất đầu vào, chi phí vốn của ngân hàng sẽ tăng lên, lãi suất huy động tăng đương nhiên giá vốn đầu vào cao hơn, nếu như không có sự hỗ trợ của nhà nước thì đương nhiên lãi suất đầu ra của ngân hàng phải tăng lên theo. Như vậy, cam kết giữ lãi suất đầu ra sẽ rất khó khăn, đặc biệt Việt Nam hiện nay không những can thiệp vào lãi suất mà còn can thiệp vào cả mặt lượng - tức là trần tín dụng.
Như vậy việc hạ lãi suất có thể phù hợp với những bên có chi phí vốn thấp nhưng lại không thể cho vay ra được bởi vướng giới hạn về tăng trưởng tín dụng và trần tín dụng cũng không kích thích các ngân hàng cạnh tranh để hạ chi phí đầu vào của họ xuống.
Một khi ngân hàng đã dùng hết trần tín dụng thì cũng chẳng có động lực gì để tiếp tục huy động thêm, cố gắng giữ lãi suất đầu ra để cho vay thêm, tiết giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Còn với nhóm ngân hàng vẫn còn room tín dụng để cho vay thêm thì chắc chắn họ sẽ nâng lãi suất vì nhu cầu vốn hiện nay đang lớn trong khi room còn hạn hẹp, chi phí đầu vào của họ cao hơn, đương nhiên lãi suất cho vay sẽ phải tăng.
Như vậy ngân hàng trung ương chỉ nên điều tiết lãi suất ngắn hạn, tức phải điều tiết thanh khoản thị trường tiền tệ thông qua hoạt động thị trường mở đề điều tiết lãi suất ngắn hạn còn tín dụng đầu ra của ngân hàng thì cần phải được tháo bỏ kiểm soát đi để đỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Việt Nam đã nâng lãi suất để tăng giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát rồi thì cần phải bỏ trần tín dụng đi, doanh nghiệp trong nước mới đỡ khó khăn. Vừa khống chế trần, vừa tăng lãi suất ngắn hạn, chắc chắn lãi suất đầu ra phải tăng lên nếu không có chương trình hỗ trợ từ phía nhà nước.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.
Nhịp sống Doanh nghiệp